Tổ chức không gian phố đi bộ trung tâm Hà Nội

Thứ 4, 07/12/2022, 20:39 (GMT+7)

Chia sẻ

Thành phố (TP) Hà Nội đã và đang triển khai tổ chức các tuyến phố dành cho người đi bộ trong khu vực trung tâm. Năm 2016, Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là một dự án khởi đầu thành công trong việc khai thác các tuyến phố cho hoạt động này. Tuy nhiên có thể nhận thấy các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội hiện nay chưa thực sự đúng nghĩa “Phố đi bộ”, không gian các tuyến phố chưa được tổ chức đồng bộ và khai thác hiệu quả.

Bài báo giới thiệu những vấn đề thực trạng không gian các phố đi bộ trung tâm Hà Nội và một số giải pháp nhằm tối ưu hóa các không gian, khai thác các giá trị hiện có và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của cư dân TP.

22a08039-1-1.jpg

 Sự hình thành và phát triển của các tuyến phố đi bộ
trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội


Sự hình thành và phát triển các tuyến phố đi bộ Hà Nội
Trung tâm Hà Nội trong suốt gần 10 thế kỷ không có sự thay đổi lớn về vị trí đó là khu vực thuộc 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Đây là nơi tập trung các hoạt động văn hóa, thương mại, dịch vụ mang tầm quốc gia và quốc tế đồng thời là vị trí tọa lạc của nhiều cơ quan đầu não hành chính, chính trị của Nhà nước.

Định hướng phát triển phố đi bộ trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô luôn được đề cập, tuy nhiên do hạn chế về nhân lực tài chính cũng như các điều kiện khác nên việc triển khai còn chậm trễ.

Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc những năm 1990 đã đặt ra vấn đề về tuyến phố đi bộ nhưng lúc bấy giờ tuyến phố đi bộ chỉ bố trí trong không gian các nhóm ở, các khu vực di tích và công viên. Đến năm 1995, Quy hoạch chi tiết khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ do Hội KTS Việt Nam thực hiện đã hoạch định các tuyến phố đi bộ trong định hướng phát triển đô thị nhưng không thực hiện được. Phải đến năm 2016, UBND quận Hoàn Kiếm phát triển đề án “Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận” Hà Nội mới có một khu vực tổ chức thành công phố đi bộ, nhưng giới hạn về thời gian- chỉ vào các ngày nghỉ lễ, cuối tuần. Các đề án về tuyến phố đi bộ công cộng mới được hình thành và triển khai thực hiện trong khoảng 15 năm trở lại đây và TP Hà Nội đang dẫn đầu về số lượng các tuyến phố đi bộ của cả nước.

Trong định hướng quy hoạch xây dựng Thủ đô, các tuyến phố đi bộ đã được xác định từ rất sớm. Cụ thể như sau:

Vị trí và phân bố các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Hà Nội
Phân bố các tuyến phố đi bộ trong khu vực nội đô lịch sử có hai dạng:

Dạng 1: Tuyến phố đi bộ được định hướng trong quy hoạch với chức năng không gian công cộng tại khu vực trung tâm lịch sử; tập trung chủ yếu tại khu vực phố cũ, khu vực hồ Gươm và phụ cận, nơi chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, trong đó 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình công trình tôn giáo, tín ngưỡng cũng như phi vật thể đa dạng, hấp dẫn (nếp sống, sinh hoạt của người dân; xẩm thực, lễ hội truyền thống…) đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Dạng 2: Tuyến phố đi bộ do từng khu vực (quận, phường) đề xuất cục bộ và tổ chức khai thác sử dụng. Ví dụ như tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, tuyến phố đi bộ Tống Duy Tân, phố sách hoặc tuyến phố đi bộ “Ông Đồ” được tổ chức có thời gian, tuy nhiên, hiệu quả khai thác sử dụng còn chưa cao.

22a08039-2-1.jpg
 Các tuyến phố đi bộ được đề cập theo mốc thời gian

Các vấn đề của không gian phố đi bộ trung tâm Hà Nội
Thực tế hiện nay Hà Nội chưa có một tuyến phố đi bộ đúng nghĩa. Các tuyến phố dành cho người đi bộ được triển khai tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hay các tuyến trong khu vực bảo tồn cấp 1, tuyến hàng Ngang hàng Đào… đơn giản chỉ là chặn xe cơ giới, tổ chức sự kiện vào các ngày cuối tuần từ 19h thứ 6 đến 24h chủ nhật, các ngày lễ Tết… rồi gọi đó là tuyến phố đi bộ.

Vì tận dụng như vậy nên không gian các tuyến phố đi bộ trung tâm Hà Nội nhìn chung còn nghèo nàn và đơn điệu, chưa có các thiết kế chi tiết nên kém hấp dẫn, thiếu bản sắc, chưa có điểm nhấn, chưa đa dạng các hoạt động công công, thiếu cây xanh và không gian xanh, thiếu các công trình kiến trúc nhỏ trang trí và trang thiết bị tiện ích đô thị. Ngoài ra còn khó tiếp cận với hệ thống giao thông đặc biệt là giao thông công cộng, các bãi đỗ xe.

22a08039-3-1.jpg

 Các tuyến phố đi bộ hình thành và phát triển qua từng năm

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm cũng là một trở ngại đáng kể đối với hoạt động đi bộ trên các tuyến phố.

Các tuyến phố đi bộ trung tâm Hà Nội được phân bố chủ yếu hướng Bắc – Nam, nên hai mặt của tuyến phố đều chịu tác động của nắng hướng Đông vào buổi sáng và hướng Tây vào buổi chiều. Phần lớn các tuyến phố bị chiếu nắng ở hầu hết các khung giờ trong ngày nên các hoạt động đi bộ chủ yếu diễn ra vào sáng sớm hay chiều tối. Một số tuyến phố có trồng cây hai bên nhưng bóng cây chưa đủ che phủ cho người đi bộ .

22a08039-4-1.jpg

 Sơ đồ hệ thống các tuyến phố đi bộ trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội

22a08039-5-1.jpg
 Sơ đồ hệ thống các tuyến phố đi bộ trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội

Tổ chức không gian phố đi bộ trung tâm Hà Nội
1. Chức năng: Khác với các tuyến phố đi bộ ở Châu Âu với chức năng chủ yếu là thương mại dịch vụ, các tuyến phố đi bộ Hà Nội còn là không gian sinh hoạt công cộng của người dân đô thị. Các công trình trên phố đi bộ có chức năng hỗn hợp, ở kết hợp thương mại, dịch vụ; đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng, thu hút và hấp dẫn người đi bộ trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Hoặc có thể tổ chức các tuyến phố đi bộ riêng biệt theo chuyên đề cụ thể (phố ẩm thực, phố sách…) phục vụ từng nhóm đối tượng, không bố trí các công trình đòi hỏi phải tiếp cận giao thông cơ giới như: Ngân hàng, kho bạc, các cơ quan hành chính chính trị… .

2.Công trình kiến trúc

a. Hình thức kiến trúc

  • Mặt đứng công trình có sức ảnh hướng lớn về sự hấp dẫn của tuyến phố đi bộ. Mặt đứng thiết kế sinh động, nhiều chi tiết và thú vị và tạo cho người đi bộ có cảm giác được chào đón, nán lại thêm. Ngược lại, những mặt tiền đơn điệu, kém hấp dẫn và ít cửa sổ sẽ tạo thành tuyến phố buồn tẻ, không an toàn cho người đi bộ vào ban đêm.
  • Các công trình nằm tại góc giao lộ cần có hình thức độc đáo, nổi bật để tạo điểm nhấn
    - Các công trình cải tạo hoặc xây mới phải có mầu sắc, hình thức phù hợp và hài hòa với các công trình đã xây dựng trên tuyến phố, nhằm tạo nên một tổng thể kiến trúc đồng bộ.

b. Vật liệu hoàn thiện

Vật liệu sử dụng mặt lát đường cần bền vững, chịu tải trọng tốt, chống trơn trượt, dễ cọ rửa làm vệ sinh, an toàn cho người đi bộ đồng thời đa dạng màu sắc và chủng loại để lôi cuốn sự chú ý, giảm mệt mỏi cho khách bộ hành, sử dụng những bức tranh đường phố làm thay đổi thị giác và thu hút người đi bộ.

22a08039-7-1.jpg
 Hình minh họa vật liệu sử dụng cho mặt đường đi bộ

c. Biển báo và biển quảng cáo

  • Các loại biển hiệu, biển quảng cáo phải được thiết kế đồng bộ về màu sắc, kích thước và vật liệu, hình thức thân thiện và gần gũi với văn hóa của người Hà Nội, tránh sử dụng các vật liệu ngoại nhập;
  • Biển báo ở các khu vực công cộng nên có hai thứ tiếng là Việt và Anh. Tăng cường biển báo chỉ dẫn cho người khuyết tật, người già và trẻ em.

d. Cây xanh

  • Tăng cường nhiều loại hình cây xanh khác nhau trong không gian phố đi bộ: Cây xanh hai bên đường, các bồn hoa cố định hoặc di động, cây trên các mặt đứng công trình, giàn hoa leo…;

Tại các bồn cây nên trồng những cây bụi thấp, xén tỉa và mang tính nghệ thuật kết hợp với cây bóng mát;
Bố trí cây xanh có hoa nở theo mùa để tạo đặc trưng cho mỗi tuyến phố; hoặc tổ hợp cây xanh theo cụm, nhóm để tạo cảnh quan.

e. Các tiện ích đô thị

  • Các trang thiết bị tiện ích đô thị phải được chế tạo từ các loại vật liệu địa phương, có độ bền cao, thích ứng khí hậu nóng ẩm, kích thước phù hợp với không gian;

Các thiết bị chiếu sáng được sử dụng với nhiều mẫu mã đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu chiếu sáng các công trình và tăng độ an toàn cho không gian đường phố.

f. Mái hiên di động

  • Giới hạn chiều cao của mái hiên di động cách mặt hè tối thiểu là 2,7m và các loại mái che có thể gập lại cách mặt hè từ 2,25 đến 2,5m;
  • Mái hiên trên vỉa hè nhô ra ngoài chỉ giới xây dựng không quá 4m;
    Có thể thay thế mái hiên di động bằng những giàn hoa leo hoặc cây thân mềm để tạo cảnh quan cho tuyến phố và che nắng cho người đi bộ trên những tuyến phố có chiều rộng vỉa hè lớn;
  • Khuyến khích sử dụng nhiều định dạng mái với hình thức, chất liệu và mầu sắc phong phú, nhưng cần đảm bảo những quy định và quản lý của TP.

3. Giải pháp cải thiện điều kiện vi khí hậu cho từng tuyến phố điển hình

Có ba nhóm tuyến phố điển hình như sau:

  • Tuyến phố đi bộ có mặt cắt đường lớn: Phùng Hưng; Ông Ích Khiêm, Chùa Một Cột, Đinh Tiên Hoàng;
  • Tuyến phố đi bộ có mặt cắt đường trung bình: Hàng Buồm, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Ô Quan Chưởng, Hàng Đào, Lương Văn Can…;
  • Tuyến phố đi bộ có mặt cắt đường nhỏ: Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Gầm Cầu…
     22a08039-9-1.jpg

Minh họa biển quảng cáo và biển báo

22a08039-8-1.jpg
 Hình ảnh minh họa thiết kế cây xanh kết hợp ghế nghỉ

a. Tại tuyến phố có mặt cắt lớn: Góc chiếu nắng rộng nên sử dụng các cây xanh để tạo bóng mát, chắn gió, chắn bụi và điều hòa không khí cho người đi bộ. Tác dụng của cây xanh: Cây xanh có thể chắn 50-90% lượng tổng xạ mặt trời tác động lên mặt đất. Nhiệt độ trong vùng cây xanh thấp hơn vùng trống 10-12%. Nhiệt độ tổng trong bóng râm thấp hơn ngoài nắng 30-40%

Trồng cây là biện pháp che nắng có hiệu quả lớn nên trong thiết kế cần cân nhắc:

Trồng theo tuyến đường xung quanh công trình;
Trồng cây tán cao đảm bảo thông gió mát mùa hè;
Cây tán thấp chắn gió mùa lạnh mùa đông;
Cây thấp kết hợp cây cao hướng luồng gió.
Giải pháp cho tuyến phố có mặt cắt lớn

b. Tuyến phố có mặt cắt trung bình: Sử dụng các mái hiên di động với kích thước phù hợp từng tuyến phố. Thống nhất về màu sắc, chủng loại và cách bố trí. Với hướng nắng góc α = 60 độ, mái hiện di động hoặc cố định được bố trí như hình ảnh minh họa bên dưới.

Cây xanh được sử dụng kết hợp và bố trí cùng trên vỉa hè nhằm giảm nhiệt độ và tăng diện tích bóng mát cho người đi bộ.

Hai bên vỉa hè nên thiết kế mái che cố định, sử dụng những bồn cây xanh di động bố trí và thay thế luân phiên:

Kiến trúc có ô văng chạy dài từng đoạn nhà cao tầng;
Kết hợp hướng đường hợp lý;
Tạo thành vật che mái vỉa hè và che mưa cho người đi bộ.

22a08039-12-1.jpg
 HÌnh ảnh minh họa vòi uống nước, Quảng trường nước; Không gian chiếu sáng

22a08039-10-1.jpg
 Hình minh họa sử dụng mái hiên di động trên các tuyến phố đi bộ


c. Tuyến phố có mặt cắt nhỏ: Do không thể bố trí cây xanh, việc sử dụng các mái hiên di động có thể cân nhắc sử dụng khi cần thiết và có thể thu gọn khi không sử dụng. Tuy nhiên, cần có sự quản lý và giám sát để tạo tính thẩm mỹ cho tuyến phố

Kết luận
Tổ chức các phố đi bộ là xu hướng tất yếu để tối ưu hóa không gian và nâng cao hiệu quả sử dụng khu vực trung tâm Hà Nội, bảo tồn di sản đô thị, phát triển kinh tế, giảm bớt ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống của người dân TP.

Không gian các phố đi bộ trong khu vực trung tâm Hà Nội hiện nay chưa hấp dẫn và thiếu tiện nghi là hệ quả của việc tận dụng một số đường giao thông cơ giới, chưa có các thiết kế phù hợp với đặc thù riêng. Ngoài ra, tổ chức phố đi bộ ở Hà Nội còn phải đối diện với những thách thức khác như khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh đặc biệt là giao thông công cộng.

Tổ chức phố đi bộ cần có những giải pháp đồng bộ, hệ thống từ quy hoạch chung – tổng thể đô thị đến các thiết kế chi tiết như cây xanh, bồn hoa, vật liệu lát, chiếu sáng nghệ thuật….nhằm tạo lập các khu vực đi bộ độc lập, an toàn; góp phần xây dựng Thủ đô xanh- sạch- đẹp, phát triển kinh tế và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng dân cư.

22a08039-11-scaled-1-1.jpg

 Giải pháp cho tuyến phố có mặt cắt trung bình

PGS. TS. Lương Tú Quyên
Trưởng khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Ths. KTS. Phạm Thị Ngọc Liên
Bộ môn Thiết kế Đô thị – Khoa Quy hoạch ĐT & NT
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2022)

 
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Ngọc Hùng (2007), Luận án Quy hoạch, tổ chức không gian đi bộ trong đô thị lớn Việt Nam đến năm 2020,
2. https://fudozon.com/tin-tuc/khi-hau-viet-nam-to-m-luo-c—2907.html
3. https://kienviet.net/2017/08/04/kien-truc-hieu-qua-nang-luong-ky-2-co-danh-gia/
4. Jan Gehl (2009 ), “Cuộc sống giữa những công trình” – Người dịch: KTS. Lê Phục Quốc, NXB Xây dựng, tr 27,25,34,39,40,51,52,138,184,152,157,163,197
5. Kim Quảng Quân, 2000, Thiết kế đô thị có minh họa, Nhà Xuất bản Xây dựng, tr.77
6. PGS.KTS. Hàn Tất Ngạn, 1999, Kiến trúc cảnh quan
7. TCXDVN 104:2007 “Đường đô thị – Yêu cầu thiết kế” và Quyết định số 22/2007/QĐ-BXD ngày 30/6/2007
8. Trần Thọ Hiển (2017), Luận án Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan các tuyến phố chính khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội – Lấy địa bàn quận Ba Đình làm ví dụ nghiên cứu

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác