Tại ngã sáu, nơi giao nhau của nhiều đường phố: Hàng Than, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Hàng Giấy và Hàng Đậu có một công trình xây dựng khá độc đáo, lúc nào cũng đóng cửa kín mít.
Tường của công trình này xây bằng đá hộc, những chấn song sắt và những vòm cửa sổ, cùng cái mái tôn của một toà tháp cao tới 25 mét tính đến chóp, gây cảm giác nặng nề như chốn ngục thất đầy bí ẩn.
Nhưng thực ra đó chỉ là một tháp nước (chateau-d’eau) trong kết cấu của hệ thống cung cấp nước cho đô thị được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Có lẽ do trục đường huyết mạch từ cầu Doumer (Long Biên) trực chỉ vào khu thành cổ là nơi đóng binh và đầu não bộ máy cai trị của người Pháp, nên người ta quen gọi đây là “tháp nước Hàng Đậu”.
Tháp nước Hà Nội.
Cuối thế kỷ XIX, dân số Hà Nội trong đó có một cộng đồng người Âu khá đông đảo đang đòi hỏi được cung cấp nước sạch, lại gặp mấy trận dịch nặng nề đến nỗi người đại diện cho nước Pháp đứng đầu ở xứ sở này là ông Tổng trú sứ Paul Bert cũng lâm bệnh mà chết, khiến người Pháp phải hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch theo lối châu Âu, thay vì nguồn nước giếng, nước mưa hay nước ao, hồ đánh phèn theo kiểu dân gian.
Tháp nước xưa trong tương quan với khu vực xung quanh
Vào năm 1894, hai nhà máy nước đã được xây dựng: Một ở phía Yên Phụ chuyên cũng cấp cho khu Thành cổ – lúc này là nơi tập trung quan chức và binh lính người Âu cùng với khu dân cư “36 phố phường”; một nhà máy nữa ở Đồn Thuỷ – lúc này đã được chuyển thành bệnh viện và một vài công sở của người Âu từ vùng đất nhượng địa lan dần ra phía Tràng Tiền và quanh Hồ Gươm.
Thời Pháp thuộc gọi là “Phố Hàng Hạt” (Rue des Graines). Sau 1945 khôi phục tên cũ Hàng Đậu (1910)-Nhìn từ phố Hàng Đậu ngày nay
Tháp nước xưa tương quan với khu vực xung quanh
Vì thế, ngoài Tháp nuớc Hàng Đậu còn có tháp Đồn Thuỷ, nhưng hiện tại nằm sâu ở cuối phố Đinh Công Tráng, ít người biết đến.
Vì phải chịu tải trọng của một khối nước có dung tích tới 1.250 m3 nước (tương đương 1.250 tấn) chứa trong một bể bằng thép đặt ở trên cao (mép sát nóc 21m) nên toà nhà phải rất kiến cố với những bức tường đá xây theo vòng tròn, bức ngoài cùng có đuờng kính dài tới 19m và hệ thống tường chịu lực hỗ trợ, thông nhau bởi những vòm cửa. Đá tảng dùng để xây được lấy từ đá hộc dỡ của thành cổ do cô Tư Hồng thầu phá.
Chính nhờ những tháp nước này mà mộ bộ phận cư dân lớp trên được hưởng thụ “nước máy”. Nước từ độ cao của Tháp có áp lực chảy vào hệ thống đường ống dẫn, ban đầu chủ yếu tới những vòi nước máy công cộng đúc bằng gang đặt rải rác trên các đường phố, rồi dần dần vươn tới các công thự và nhà riêng.
Một thời gian dài, 2 tháp nước này đã đáp ứng về căn bản nhu cầu nước cho cư dân nội thành Hà Nội cho đến khi Hà Nội phát triển áp dụng những công nghệ mới, khiến 2 khối kiến trúc này không còn đảm nhiệm công năng ban đầu là tháp nước nữa. Riêng Tháp Hàng Đậu, do vị trí đắc địa của nó nên đến nay vẫn sừng sững như một nhân chứng già nua nhưng vẫn tạo nên ấn tượng về sự cổ xưa của Hà Nội.
Dương Trung Quốc
Bình luận của bạn