Đôi khi tên phố chỉ là dấu tích còn lại của cái không còn nữa. Cái cầu làm bằng gỗ nay không còn trên một con phố có những ngôi nhà kiểu rất cũ và đặc trưng của kiến trúc Hà Nội trước khi Tây sang – phố Cầu Gỗ.
Phố Cầu Gỗ xưa
Phố Cầu Gỗ rất gần Hồ Gươm nhưng bị khuất bởi một dẫy phố nằm kế bên Hồ, có một lối thông sang hồ cũng được coi là một phố (phố Hoàn Kiếm) và đó chính là vị trí của một chiếc cầu làm bằng gỗ bắc qua một con lạch nối Hồ Hoàn Kiếm với một hồ nước không nhỏ có tên là “Thái Cực”, sau khi bị lấp đã trở thành không gian của các phố nằm phía sau dẫy nhà lẻ của phố Hàng Đào (khu vực nay là chợ Hàng Bè).
Vị trí tuy khuất nhưng lại kề với những chốn đô hội (hồ Hoàn Kiếm và phố Hàng Đào), gần Ga xe điện Bờ Hồ… nên nó cũng là một phố của những cư dân làm nhiều nghề mà nay ta gọi là “dịch vụ” cho đời sống người dân đô thị. Ví như nghề đóng mới và sửa chữa các loại xe tay, các phòng trọ cho sĩ tử ra kinh thi trú ngụ, vừa gần phố bán giấy bút là Hàng Gai, lại gần nơi thờ Văn Xương trong đền Ngọc Sơn phù hộ cho việc học.
Ở đây có một cửa hàng làm mũ mà chủ nhân chính là người đã chế ra cái khăn xếp đẹp đẽ và tiện lợi thay cho việc quấn khăn theo lỗi cũ của đàn ông Việt Nam. Đây cũng là phố ẩm thực mà đến nay vẫn duy trì và có phần phát triển nhờ nó nằm kề một lối ra của chợ Hàng Bè.
Nhìn kiến trúc của những ngôi nhà trên con phố này, ta có thể đoán chắc rằng nó được xây cất trước khi người Pháp sang, điều mà Trương Vĩnh Ký khi từ trong Nam ra Hà Nội vào năm 1874 đã mô tả.
Đoán chắc không chỉ nhờ cái màu “thời gian” ghi dấu những bức tường, hay những chi tiết kiến trúc như những đầu hồi hình khối vuông trên nóc, những vách ngăn giật cấp giữa hai căn nhà, mà rõ rệt hơn là cái xô lệch giữa những móng nhà với vỉa hè, yếu tố mà người Pháp dùng để “quy hoạch” lại những phổ cổ.
Cái xô lệch, “thò ra thụt vào” với người này có thể gây phản cảm về sự lộn xộn thiếu chuẩn mực, nhưng ở những người khác lại cảm thấy cái chất hồn nhiên của một đô thị cổ – kẻ chợ đang bị khuôn lại theo thể thức của một đô thị hiện đại khi người Pháp đến.
Nhìn vào ảnh còn thấy tới điểm chụp tấm ảnh này, Hà Nội đã có đèn điện. Cái cột thấp bên trái ảnh thấy rõ bóng đèn điện chứ không còn là loại đèn thắp khí đá (đất đèn), nhưng còn nhiều cái cột cao trồng dọc 2 bên hè trên nhiều đường phố cũng thấy, thì không biết để làm gì? Không lẽ để chống sét!? Ai biết thì bảo giùm với?
DTQ
Bình luận của bạn