Sự hình thành phố phường Hà Nội

Thứ 5, 26/12/2024, 23:01 (GMT+7)

Chia sẻ

Sự hình thành phố phường Hà Nội ( Khu 36 phố phường )

Khu phố cổ Hà Nội ( KPC Hà Nội) hiện nay nằm trong khu phố phường ( hay còn gọi là 36 phố phường ) trước thế kỷ XIX có nguồn gốc từ phần Kinh Thành nằm bên ngoài Hoàng Thành, là nơi cư trú của quan lại, tướng lính, binh sĩ và nhân dân.

A 1-Bản đồ Thăng Long theo Hồng Đức Địa Dư (1490) – Plan de Thang-long

A 1-Bản đồ Thăng Long theo Hồng Đức Địa Dư (1490) – Plan de Thang-long

Dưới triều Lý-Trần, khu vực này nằm trong vùng chỉ giới của đê Đại La có chu vi hơn 30km gồm 61 phường, vừa sản xuất thủ công vừa sản xuất nông nghiệp với một mạng lưới làng nghề khá phong phú của đất Thăng Long xưa (gốm, sứ, giấy, nghề trang sức, mỹ nghệ, đúc đồng, sắt, nề, mộc…). Thế kỷ XV, vùng kinh sư đặt thành phủ Trung Đô gồm 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Năm 1469 đổi thành phủ Phụng Thiên.

Bản đồ các tuyến phố đầu tiên của KPC Hà Nội

Bản đồ các tuyến phố đầu tiên của KPC Hà Nội

Thế kỷ XIX, huyện Quảng Đức gọi là Vĩnh Thuận và Vĩnh Xương (Thọ Xương) chia làm 36 phường. Cấu trúc 36 phường thời Lê là một đặc trưng nhưng không đồng nhất với 36 phố phường như vẫn gọi ngày nay. Nó mang tính chất quy ước, thực chất có hơn 50 phố có tên hàng. Người dân tứ xứ có cùng chung một làng quê, lại chuyên nghề và chuyên mặt hàng đã tập trung về KPC Hà Nội cùng làm ăn sinh sống trong những ngôi nhà hẹp dài, gọi là nhà ống có mặt tiền trông ra phố, cùng bày bán sản phẩm trên cả tuyến phố, hình thành một dạng hình thái xã hội khá đặc biệt với cấu trúc “liên làng” – Làng trong đô thị. Làng – Làng nghề – Phố nghề hiện diện ngay trong đô thị.

Tấm hình trên được vẽ lại từ bức ảnh được coi là cổ nhất về phố Hàng Chiếu. Nó phù hợp với những miêu tả của những người Pháp đặt chân tới Hà Nội cuối thể kỉ XIX: “Không những người ta làm mặt tiền kín mít mà còn che đậy nó bằng một chái, chìa cái mái tranh ra đường; thành thử phố xá chỉ còn như những con đường hào chật chội chen chúc những người và đôi khi khó có thể cưỡi ngựa đi qua.” (Paul Bourde, De Paris au Tonkin, 1884)

Tấm hình trên được vẽ lại từ bức ảnh được coi là cổ nhất về phố Hàng Chiếu. Nó phù hợp với những miêu tả của những người Pháp đặt chân tới Hà Nội cuối thể kỉ XIX: “Không những người ta làm mặt tiền kín mít mà còn che đậy nó bằng một chái, chìa cái mái tranh ra đường; thành thử phố xá chỉ còn như những con đường hào chật chội chen chúc những người và đôi khi khó có thể cưỡi ngựa đi qua.” (Paul Bourde, De Paris au Tonkin, 1884)

Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, KPC có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Đường phố được nắn lại, có hệ thống thoát nước, hè phố, đường được trải nhựa và chiếu sáng. Nhà cửa hai bên được xây gạch lợp ngói để đề phòng hoả hoạn. Bên cạnh kiểu kiến trúc nhà 2 tầng mái ngói, gờ đấu, bờ nóc giật tam cấp xuất hiện các ngôi nhà làm theo kiểu châu Âu (kiến trúc địa phương Pháp với loại thức cột, vòm cuốn, ban công, lôgia và các hoa văn trang trí…). Chiều cao tầng nhà có thay đổi so với kiểu kiến trúc truyền thống nhưng nhìn chung vẫn hài hoà.

Năm 1945, hoà bình lập lại, Nhà nước trực tiếp quản lý những căn hộ của các gia đình chuyển cư đi nơi khác hoặc đi Nam, và phân phối nhà ở KPC cho các gia đình từ chiến khu Việt Bắc trở về. Đó là lý do hình thành nhiều hộ gia đình sống trong cùng một ngôi nhà, hình thành ngõ trong nhà, sân chung, khu vệ sinh chung và sự chật chội ngày càng tăng.

Từ năm 1986, KPC được phục hồi và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Các mặt tiền nhà được cải tạo, đổi mới. Nhiều nhà xuống cấp bị hư hỏng được dựng lại theo phong cách hiện đại. Đình, đền, chùa được trùng tu bảo tồn. Một số khách sạn mini, quán ăn đặc sản hình thành từ các ngôi nhà phố cổ được cải tạo từ nhà ống.

Đến nay, các công trình kiến trúc trong KPC phần lớn đã bị xuống cấp. Nhiều ngôi nhà đã được cải tạo từ cuối thế kỷ XIX-XX, một số khu vực đã được phân cấp bảo tồn. Nhìn chung KPC vẫn giữ được cấu trúc đặc trưng của nó, vẫn phản ánh được một cấu trúc đô thị Á Đông với phố, ngõ hẹp, dài và nhiều đoạn đường gãy khúc. Hai bên phố vẫn là những ngôi nhà đa phong cách, được chia thành những lô nhỏ, với chiều cao 2-3 tầng phù hợp với không gian đường phố. Các mảng trang trí mặt tiền thể hiện sự giao thoa văn hoá Việt, Hoa, Pháp, Ấn trong quá trình phát triển để trở thành khu cư dân, buôn bán thủ công nghiệp tại KPC.

Ranh giới KPC được xác định theo quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 4/6/1999 của UBND TP Hà Nội. Theo đó: phía Bắc giáp phố Hàng Đậu, phía Nam giáp phố Hàng Bông, Cầu Gỗ, phía Tây giáp phố Phùng Hưng và phía Đông giáp phố Trần Nhật Duật.

Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm với diện tích 5,4km2, là mảnh ghép mở rộng tiếp tục của KPC xuống phía Nam, bao gồm khu vực Hồ Gươm và Khu Phố Cũ, một dải nhỏ phía Tây Bắc giáp Thành, và một dải nhỏ phía Đông giáp sông Hồng. Quận có 18 phường, trong đó có 2 phường nằm ở ngoài đê sông Hồng. Dân cư hiện có 41.898 hộ với 212.801 nhân khẩu. Quận Hoàn Kiếm có mật độ dân cư cao nhất thành phố với 39.830 người/km2.

Trong toàn quận Hoàn Kiếm có 190 công trình di tích với đầy đủ các loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng: đình, đền, chùa, miếu. Trong đó có 99 đình, 39 đền, 15 chùa, 57 công trình di tích cách mạng và 13 công trình di tích khác. ( Tuy vậy còn cần cập nhật hệ thống các di tích giáo dục cuối thế kỷ XVIII - Đầu thế kỷ XX )

Hình thái tuyến phố cổ theo thời gian

Bản đồ sự hình thành các tuyến phố ( Trong khu phố cổ Hà Nội)

Bản đồ sự hình thành các tuyến phố ( Trong khu phố cổ Hà Nội)

Những biến thiên của lịch sử đã đưa người Pháp tới Thăng Long – Hà Nội và họ nhanh chóng ghi dấu ấn lên đô thị này khiến cho KPC lần đầu tiên chịu tác động mạnh mẽ của quy hoạch. Những chỉnh trang về giao thông của người Pháp đã làm thay đổi bộ mặt không gian đường phố của Hà Nội, tạo nên những đường phố rộng, liên hoàn và trong một mạng lưới liên tục, thuận tiện cho các hoạt động giao thương. Và kể từ đó, bắt đầu một thời kỳ du nhập và tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài làm thay đổi cấu trúc và không gian khu phố cổ Hà Nội... Xem tiếp 

Biên tập: 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác