Rạp hát Chuông Vàng

Thứ 2, 16/09/2024, 12:55 (GMT+7)

Chia sẻ

Nhà hát Chuông Vàng là một địa điểm dành cho sân khấu cải lương ở Hà Nội. Nhà hát được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nằm trong khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội. Trước đây, nó vốn là rạp Thăng Long, nơi diễn tuồng và chèo. Khoảng năm 1925, nhà hát truyển sang diễn cải lương nên mang tên Cải lương Hý Viện.


Oct 2014



Địa chỉ: 72, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tel: (04) 38257823 
Email: info@nhahatcailuonghanoi.com.vn 
Web 

Trong sự kiện Toàn quốc kháng chiến, tại đây vào ngày 14/1/1947, các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô đã làm lễ tuyên thệ "Quyến tử cho tổ quốc quyết sinh".

Hiện nay Nhà hát Chuông vàng nằm tại 72 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, Quận Hoàn Kiếm. Nhà hát có 250 ghế ngồi. Vào các tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Đoàn cải lương Hà Nội trình diễn các tiết mục dân gian và lịch sử Việt Nam


Nhà hát Cải lương Hà Nội
Nét vàng son của truyền thống lịch sử

Quá trình hình thành của Nhà hát Cải lương Hà Nội không thể chỉ được khởi tính từ khi có quyết định thành lập Nhà hát vào năm 1993 bởi truyền thống của Nhà hát phải xuất phát điểm từ các đơn vị thành viên được sát nhập như đoàn Cải lương Kim Phụng, đoàn Cải lương Chuông vàng và gần đây là đoàn Hoa Mai (vốn thuộc Hà Tây cũ). Do đấy, thương hiệu của Nhà hát đã được tích tụ, khai thác từ những hoạt động, thành tích, uy tín trong lao động sáng tạo nghệ thuật của ba đơn vị Cải lương thành viên. Và cả ba đơn vị này đều đã có những năm tháng hoạt động đầy tự hào với bề dày thành tích đáng nể.
Đoàn Cải lương Kim Phụng và đoàn Cải lương Chuông vàng là hai trong số những đơn vị nghệ thuật Cải lương đầu tiên hoạt động chính qui của Cải lương Bắc. Gương mặt Cải lương Bắc nếu tính từ khi hình thành cho tới khi có những đoàn Cải lương tập thể trên đất Bắc nếu thiếu đi sự góp mặt của nghệ sĩ, của kịch mục hai đơn vị này… e chẳng còn lại là bao. Bởi ngay sau ngày giải phóng Thủ đô, cả hai đơn vị đã hoạt động hết sức tích cực để tạo dựng bộ mặt mới cho sân khấu miền Bắc nói chung, sân khấu Cải lương Bắc nói riêng. Suốt chặng đường chống Mỹ, tên tuổi của đoàn Kim Phụng, Chuông Vàng đã trở thành niềm khích lệ động viên lớn lao cho tinh thần chiến đấu và quyết chiến thắng của quân dân cả nước đặc biệt là của nhân dân Hà Nội. Trong khói lửa chiến tranh, các nghệ sĩ Cải lương của Hà Nội đã cùng chia lửa nơi chiến hào, bám trận địa để phục vụ. Rồi những năm tháng khó khăn sau chiến tranh, các nghệ sĩ đã thực sự đồng hành cùng nhân dân qua mọi chặng đường lịch sử. Bất cứ mốc lịch sử nào của đất nước, của Thủ đô, các nghệ sĩ của hai đơn vị nghệ thuật này đều tham gia tích cực bằng chính lời ca, tiếng hát, sức sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Phản ánh, ngợi ca, khẳng định những nhân tố tích cực và đấu tranh, phê phán những gì còn cản bước tiến của nhân dân, của cuộc sống mới bằng các vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao, đi vào lịch sử như những tác phẩm đầy chất kinh điển, để lại dấu ấn trong lòng công chúng như di sản truyền nghề của hai đơn vị này như Phạm Tải – Ngọc Hoa; Trưng Vương; Chiếc áo giáp thần kỳ; Hai phương trời thương nhớ; Ngọc sáng đất kiếm thần; Lời ru hai người mẹ; Quạ thần và pho tượng đá; Khi tình yêu đã chết; Dòng suối trắng; Cơn lốc; Câu chuyện nàng Phương Hoa; Thằng gù và Cô gái Bêhômiêng; … của đoàn Kim Phụng hay những vở Kiều; Thanh xà- Bạch xà, Bạch Viên Tôn Các, Chiêu Quân cống Hồ; Lã Bố và Điêu Thuyền; Nghêu- Sò- Ốc- Hến; Mười tám mùa lá rụng; Trái tim trên lửa hung tàn; Lửa Diên hồng; Vòng hào quang tội lỗi; Lý Công; Hoa Quỳnh trong phủ chúa; Chuyện cũ Cổ Loa; Câu chuyện Xuân Hương; Bông hoa đỏ; Giấc mộng hoa đào…của đoàn Chuông vàng. Đặc biệt là những thành tựu khi đem Kiều giới thiệu nghệ thuật dân tộc với bạn bè khắp năm châu. Không thể không nhắc tới những tên tuổi của các nghệ sĩ bậc thầy như Cố NSND Ngọc Dư, và các NSƯT: Lệ Thanh; Tuấn Nghĩa; Tuấn Sửu;  Lê Chiêm; Ngọc Ân; Hữu Ly; Triệu Tường; Kiều Oanh; Nhật Minh; Trương Bích Hạnh; Cố Nhạc sỹ Xuân Hỷ; Phạm Ty; Nam Cường; … cùng rất nhiều nghệ sĩ khác và các thế hệ tiếp bước: NSƯT Trần Quang Hùng; Xuân Biên; Thanh Vân; Thanh Hương; Thanh Tùng;… của đoàn Kim Phụng hay các NSND Sĩ Tiến, NSUT Tuấn Nghĩa; Tuấn Sửu; Kim Sinh; Ánh Tuệ; Tường Vi; Sỹ Cát; Bích Được; Khánh Hợi;Tiêu Lang, Kim Xuân, Châu Thuận, Thanh Vi, Thanh Dậu, Mạnh Dung Phương Khanh; Minh Hải; Ngọc Dung; Từ Thạch;….của đoàn Chuông Vàng. Và khi được hợp nhất thành Nhà hát Cải lương Hà Nội, sự gắn kết của hai đơn vị nghệ thuật có bề dày lịch sử này tiếp tục cho ra đời những vở diễn mới như sự cộng hưởng của các tài năng nghệ thuật đích thực với những Đại Thần Thăng Long; Tâm Sự Ngọc Hân; Ngọc sáng đất kiếm thần; Sen trắng Đông A; Kỹ nữ thành Đông Quan; Kẻ sĩ Thăng Long; Mệnh Đế Vương; Luận Anh Hùng; Mẹ của chúng con; Lễ mở xiêm áo… Những cống hiến đó của các đơn vị thành viên đã được Nhà nước ghi nhận qua 3 Huân chương Lao động Hạng III và rất nhiều cá nhân nghệ sĩ được người trong nghề thừa nhận tài năng ở rất nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc quí giá tại những Liên hoan, Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.

Được thành lập sau nhưng đoàn Cải lương Hoa Mai với hơn nửa thế kỷ hoạt động cũng là đơn vị nghệ thuật có bề dày thành tích đáng kể với các thế hệ nghệ sĩ như lừng danh như NSND Mạnh Tưởng, NSƯT Tuyết Sơn; Benla Như Nhung; Nhạc Tấn; Kim Oanh; Huỳnh Kim; Huỳnh Lân; Thanh Lâm, Minh Đức, Đình Tư và các thế hệ kế tiếp: Tô Hồng;Trần Hà; NSƯT Thu Hoài; Gia Túc; Thu Thủy; Hoàng Long; Phương Nụ; Kiều Hương; Tuấn An; Quang Thanh; Thiên Hương; Thái Vân; Minh Tường; Thu Hiền … qua các kịch mục Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Thanh gươm cô đô đốc, Lam Sơn tụ nghĩa; Dấu chân người trước; Hồi Xuân dược; Khói Mai; Tâm sự Ngọc Hân; Mỵ Châu Trọng Thủy; Phùng Khắc Khoan; Võ Thị Sáu… Với thành tích của mình, đoàn Cải lương Hoa Mai đã thực sự là một đơn vị nghệ thuật Cải lương Bắc đã khẳng định được tên tuổi của mình trong làng Cải lương Việt Nam. Ngoài thương hiệu Hoa Mai của đoàn, sự thừa nhận thành tích đóng góp cho nghệ thuật của đơn vị còn là Huân chương kháng chiến hạng Ba năm 1973, huân chương lao động hạng ba năm 1988, huân chương lao động hạng nhì năm 1997. Và ngoài những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSUT, còn rất nhiểu những nghệ sĩ đã thực sự tỏa sáng để được nhận những tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc danh giá tại các Hội diễn, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp tòan quốc… Cùng với quyết định mở rộng địa bàn Thủ đô, các nghệ sĩ Hoa Mai về với Nhà hát Cải lương Hà Nội. Thêm người, thêm những tấm lòng, các nghệ sĩ góp lại những tài năng, tích tụ, luỹ tiến thêm những tâm huyết với nghề để tiếp tục cống hiến, tiếp tục toả sáng dưới mái nhà chung. Bảng thành tích của Nhà hát Cải lương Hà nội ngoài việc duy trì kịch mục từng làm nên thương hiệu của đơn vị như Kiều; Kẻ sĩ Thăng Long; Đại Thần Thăng Long…. tập thể nghệ sĩ lại vững bước nghệ thuật nối dài thêm kịch mục của đơn vị với những Lễ mở xiêm áo, Luận anh hùng, Mệnh đế vương; Mẹ của chúng con…Bao thế hệ nghệ sĩ đã thay nhau truyền ngọn lửa nghề, tiếp tục rực sáng trên sàn diễn của thủ đô hào hoa nhiều thập niên qua, tô đậm thêm nét vàng son lịch sử truyền thống của Nhà hát. Những thành tích ngày một nối dài của đơn vị với dấu ấn của một Nhà hát có phong cách nghệ thuật bay bổng, thanh thoát, đậm chất chuẩn mực, chính thống, căn bản, không lai tạp của cải lương đã trở thành thương hiệu đặc biệt đối với công chúng mộ điệu. Biết bao tâm huyết nghề, bao sáng tạo của các nghệ sĩ đã khiến tên tuổi Nhà hát trở thành đơn vị nghệ thuật được đông đảo công chúng toàn quốc yêu mến và xứng tầm là niềm vinh dự, tự hào của người dân thủ đô.


Tư vấn du lịch Hà Nội

Bình luận của bạn

Tin khác