Quận Hoàn Kiếm lên tiếng về dự án gây tranh cãi gần Bờ Hồ

Thứ 5, 12/09/2024, 14:01 (GMT+7)

Chia sẻ

Công trình xây dựng Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 phố Lê Thái Tổ (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận và giới chuyên môn. Tại buổi họp báo Thành ủy chiều 25/11, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã lên tiếng chính thức với báo giới về dự án này.

Chậm lại 4 năm vẫn còn phản ứng

Dự án xây dựng Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm nằm tại ngã ba phố Lê Thái Tổ - Lương Văn Can và giáp quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tiếp nối đầu hồi tòa nhà Long Vân – Hồng Vân (đối diện nhà hàng Thủy Tạ). Ngay từ năm 2009, UBND quận Hoàn Kiếm đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án này tại số 2 Lê Thái Tổ với các chỉ tiêu: Công trình rộng 191,05m2, cao 4 tầng (1 tầng hầm). Dự định xây vào tháng 5/2010, tuy nhiên ở thời điểm chuẩn bị đó, dự án vấp phải nhiều kiến nghị của các hộ dân ở số nhà 11 Hàng Gai (phường Hàng Gai, liền kề phía sau dự án) và ý kiến phản ứng của giới chuyên môn, thêm nữa lại trùng với thời điểm Hà Nội tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nên đã bị hoãn lại.

Ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, vào tháng 6/2010, ông Nguyễn Thế Thảo  - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng dự án và giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng quận Hoàn Kiếm phối hợp với giới chuyên gia và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án quy hoạch kiến trúc đầu tư xây dựng tại đây.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi quận Hoàn Kiếm đang tái khởi động dự án này thì vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Trong báo cáo ngày hôm qua (25/11), quận Hoàn Kiếm cho biết, ngày 23/7/2014, một số hộ dân đã có đơn kiến nghị khẩn cấp để phản đối dự án này. Cụ thể, người dân cho rằng tòa nhà Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm nằm trọn vẹn trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. “Khối bê tông này xâm hại nghiêm trọng đến Di tích lịch sử Hồ Gươm, phá hỏng cảnh quan, bê tông hóa địa chỉ đỏ của nhân dân cả nước”, (quận Hoàn Kiếm trích đơn người dân). Ngoài ra, công trình không được sự đồng thuận của Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL, Hội Sử học Việt Nam…


Sep 2014



Điều bất ngờ với báo giới chiều qua là sự góp mặt của PGS Hà Đình Đức - người được mệnh danh là “nhà rùa học” với tình yêu đặc biệt cho Hồ Gươm. PGS Hà Đình Đức lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quan điểm của quận Hoàn Kiếm về việc xây dựng công trình này. “Cần phải phân biệt rõ ràng, gọi là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì phải chỉ rõ nó ở đâu, tồn tại hay không tồn tại, có quyết định công nhận chưa. Không phải cứ động đến Hồ Gươm là kêu…”, PGS Hà Đình Đức gay gắt, đồng thời ủng hộ việc không phải xin phép Bộ VH-TT&DL về dự án này.

Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ đơn giản là tên gọi chứ không phải di tích, hơn nữa nằm ngoài phạm vi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm.

Không làm vườn hoa mà xây nhà

Tại buổi họp báo chiều qua, ông Lâm Quốc Hùng cho biết, năm 2012, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã có văn bản về 2 phương án xử lý khu đất số 2 Lê Thái Tổ được Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố xem xét, là: Xây dựng công trình hoặc xây dựng vườn hoa cây xanh, tượng đài. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất nên xây dựng công trình, giảm quy mô xây dựng.

Theo ông Lâm Quốc Hùng, sau đó, 14/16 thành viên của Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố đã bỏ phiếu tán thành việc xây dựng công trình thay vì làm vườn hoa, tượng đài tại khu đất. “Do khu đất có diện tích nhỏ (242,2m2), vốn là nhà cấp bốn, ki-ốt kinh doanh lụp xụp, lại tiếp giáp với các hộ dân liền kề phía sau nên không hợp với việc xây dựng vườn hoa”, ông Lâm Quốc Hùng nói và cho rằng làm vườn hoa sẽ xấu vì không che được các bức tường ở tòa nhà phía sau, ảnh hưởng đến cảnh quan chung. “Việc sớm quyết định và hoàn thành xây dựng là cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thiện cảnh quan lô phố và khu vực, không để tình trạng quây tôn kéo dài như hiện nay”, ông Lâm Quốc Hùng cho biết.

Về phản ứng mới đây của người dân, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định, công trình phù hợp với các quy định, quy chuẩn hiện hành về quản lý xây dựng theo quy hoạch khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Ông Lâm Quốc Hùng nói: “Chức năng cơ bản của công trình là giới thiệu thông tin văn hóa Hồ Gươm, trưng bày hiện vật, các phòng họp, hội thảo và nơi làm việc của cơ quan quản lý”. Ngoài ra, ông Lâm Quốc Hùng còn nhấn mạnh, công trình này không phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&Du lịch hay Hội Sử học Việt Nam.

Ông Phan Đăng Long cũng cho rằng, việc xây dựng công trình sẽ khiến cảnh quan Hồ Gươm đẹp hơn là để tồn tại những căn nhà, ki-ốt lụp xụp như hiện tại.

Nguồn - Việt Nguyễn

Bình luận của bạn

Tin khác