Một con phố ghi đậm trong ký ức người Hà Nội xưa đó là cái tên phố Mã Vĩ (đuôi ngựa). Như bao con phố khác của Hà Nội, người dân cư ngụ ở đây làm ăn sinh sống bằng buôn bán, làm nghề thủ công mà dần thành phố, thành tên. Mã Vĩ cũng thế, những người thợ thủ công của con phố này đã lấy lông đuôi ngựa, đuôi trâu làm nguyên liệu để thêu và thao.
Thời Pháp thuộc gộp lại gọi phố Hàng Nón (rue des Chapeaux).
Hà thành có một con phố cũng nổi tiếng với nghề thêu đó là phố Hàng Trống, nhưng những sản phẩm làm ra từ con phố này chủ yếu là mặt hàng xuất khẩu cùng với hàng đăng ten còn các cửa hàng thêu của phố Mã Vĩ chủ yếu thêu các thứ y môn, tàn tán, cờ đuôi nheo, cờ đại dùng trong các đình, các đền để thờ thần; họ còn thêu cả đối trướng hiếu hỷ là loại đắt tiền. Vậy nên, người Hà Nội cũng như ngoại tỉnh xưa khi có nhu cầu đặt làm các loại mũ mãng, quần triều phục và hát bội như mũ cánh chuồn, mũ tế, áo bào, bố tử, đai, hốt, râu tóc giả… đều tìm đến những người thợ thủ công của phố Mã Vĩ. Ngoài những sản phẩm thủ công làm từ nguyên liệu đặc trưng gắn với tên phố, ở đây còn có nhiều nhà hàng bán cả đuôi gà, khăn xếp, gối xếp…
Theo thăng trầm của lịch sử đất nước, nhiều mặt hàng thủ công của Hà thành cũng dần vắng bóng trong đó có những mặt hàng thêu của phố Mã Vĩ. Những năm 1930 trở đi từ một con phố vốn sầm uất với nghề thêu và thao dần trở nên thưa thớt và mất dần. Sự thiếu vắng khách hàng buộc người dân của con phố này phải xoay sở theo thời cuộc, nhiều gia đình chuyển sang buôn bán đồ gỗ nhỏ vốn ở Hàng Đàn rồi nhiều gia đình ở Hàng Nón cũng dọn hàng sang Mã Vĩ buôn bán những thứ không phải hàng thêu.
Trước sự “xâm lấn” của các hộ kinh doanh thuộc phố Hàng Nón chuyển sang cũng như nhu cầu đồ thêu cổ truyền giảm đi, phố Mã Vĩ dần mất tên mà thay vào đó là tên gọi mới phố Hàng Nón trên, đây là một đoạn phố ngắn cuối Hàng Quạt và đầu Hàng Nón.
Theo Từ điển đường phố Hà Nội, Giang Quân, NXB Hà Nội, 2009 thì phố Hàng Nón được giới thiệu như sau:
HÀNG NÓN
Phố: dài 215m; từ phố Hàng Quạt đến phố đường Thành, cắt ngang qua phố Hàng Điếu. Đất thôn Yên Nội - Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.
Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Tại số nhà 15, phố này, ngày 28-7-1929 đã họp Đại hội thành lập Công hội đỏ Bắc Kỳ.
Xưa đoạn đầu là phố Mã Vĩ (làm phục trang, mũ mãng, cờ quạt cho quan lại và đạo cụ biểu diễn nghệ thuật... những thứ dùng đến đuôi ngựa) cũng gọi là Hàng Nón trên. Đoạn cuối mới là nơi làm và bán các loại nón và gọi là phố Hàng Nón.
Thời Pháp thuộc gộp lại gọi phố Hàng Nón (rue des Chapeaux).
Bình luận của bạn