Phố Hàng Da

Thứ 2, 29/07/2024, 17:04 (GMT+7)

Chia sẻ

Phố Hàng Da có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là rue des Cuirs, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Da, các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên phố này. Phố Hàng Da dài 240m, rộng 8m. Từ phố Đường Thành đến phố Hàng Bông. Nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

pho-hang-da-ha-noi-003-1.jpg

Phố Hàng Da  |  Hà Nội xưa-Phố Hàng Da  |  Từ con Tắc kè đi tìm ngôi nhà xưa cũ 

Giữa phố Hàng Da có một ngôi đình, gọi là đình Vũ Du, nay là số nhà 42, là nơi thờ ông Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu.

Ngày trước phố có bán cá loại da trâu, bò thuộc. Đây chỉ là nơi bày bán, còn nơi sản xuất (tức là nơi thuộc da) thì ở trong khu vực giữa ngõ Tạm Thương và phố Yên Thái vì nơi đó có nhiều bãi cỏ rộng thuận tiện cho việc phơi phóng. Đầu phố Hàng Da có chợ cùng tên. Đây vốn là chợ nhỏ, kiểu chợ làng, bán rau cỏ và chủ yếu là bán da trâu bò sống hoặc phơi khô, trong chợ chỉ có vài cái lều tạm, cho nên các gánh hát hay gánh xiếc thường thuê chợ diễn vào buổi tối. Mãi tới khoảng 1937 – 1938 mới xây cầu chợ, chợ từ đó mới định hình. Năm 1942 khi đó phát xít Nhật đang đóng ở Hà Nội và máy bay Mỹ đã tới ném bom, trúng chợ Hàng Da, chết rất nhiều người.

Một hiện tượng văn hóa đáng chú ý là ngôi nhà số 14 vào khoảng 1936 – 1940 là cửa hàng may Lemur, chuyên tung ra thị trường các kiểu áo phụ nữ tân thời do họa sĩ Cát Tường tạo mốt gây nên phong trào cải cách y phục đáng kẻ ở thời kỳ đó.

Họp chợ khu vực Hàng Da xưa.

Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố này là ranh giới phía tây của Liên khu I. Khoảng cuối tháng 12 năm 1946, trong động một phong trào đánh du kích quấy rối địch ở nội thành. Thế là từ vị trí rạp chiếu bóng Ô-lanh-pi-a (nay là rạp Hồng Hà) các chiến sĩ tự vệ đã quật ngã nhiều quân Pháp thập thò ở phía Đường Thành và Phùng Hưng. Quân địch đã phải dùng chiếu căng ngang đường để hòng che mắt các chiến sĩ ta, nhưng đến đêm quân ta lại bí mật tiếp cận, vẩy xăng châm lửa đốt các tấm chiếu đó.

Cuối thế kỷ trước, mặt hàng giả da xuất hiện tràn ngập trên phố. Nhiều cửa hàng vừa kinh doanh, vừa sản xuất các mặt hàng giả da như túi xách, đệm ghế, đệm lót, vali... Một mặt hàng khác cũng rất được thịnh hành trên phố là sản phẩm chế từ lốp ôtô hỏng. Những chiếc gầu xách nước, máng cho lợn ăn, túi xách, dây buộc hàng và nhất là các đôi dép cao su bền chắc, rẻ tiền rất được ưa chuộng.

Một dấu tích biểu tượng "con Tắc Kè" 

Ngày 9-6-1946 mô hình nước Việt Nam thống nhất được dựng ở dưới chân dung Hồ Chủ tịch treo bên cạnh biểu tượng của hãng sơn Gecko (Tắc kè) trên phố Hàng Da. Ngày nay, ngoài đình Vũ Du vẫn còn dấu vết ở số 40, du khách yêu thích lịch sử nên lưu ý mấy ngôi nhà khác. Nhà số 5 từng là tư gia của Phạm Quỳnh (1892—1945), chủ bút báo Nam Phong. Nhà văn Vũ Bằng (1913—1984) tác giả “Miếng ngon Hà Nội”, “Thương nhớ mười hai” từng sống với vợ ở số 11. Những năm 1936—1940, cửa hàng may Lemur của hoạ sĩ Cát Tường (1911—1946) ở số 14 từng nổi tiếng với chiếc áo dài Hà Nội đã gây nên một phong trào cải cách y phục trong giới trẻ Việt Nam hồi ấy.

Xin trích bài phỏng vấn cô Hồng Vân, người đầu tiên ở trong Nam mặc quần áo lối mới (Báo Ngày Nay, số 13, 1935):...bộ quần áo này, tôi đã cắt theo kiểu của ông Lemur trong tập “Đẹp 1934”. Áo may theo dáng người, sát mà vẫn dễ chịu, kíck dài theo lườn thành kín đáo, vạt dài thêu đường “jour”, cổ bẻ kiểu tầu lá chuối, mát mẻ, rất hợp với cái nắng gắt trong này… Áo lối mới, quần cũng phải mới, không thể lụng thụng như cũ nữa, phải may theo kiểu quần “Pyjama” trên hẹp và sát, giữa thon, chân rộng hơn nhiều, như vậy khi đi đứng mới được thướt tha đẹp đẽ. Mặc bộ quần áo này, nếu không đi giầy cao gót thì không sao đẹp được, ai đi giầy cao gót thì dáng mới yểu điệu nhưng cũng cần phải có cái thân thể tròn trặn, đều đặn mà không to béo mới được.

Ngày nay, phố Hàng Da là phố vẫn chuyên kinh doanh các mặt hàng bằng da. Tuy nhiên, không chỉ buôn bán các loại đồ da, Hàng Da giờ đây kinh doanh rất phong phú và đa dạng. Đoạn đầu dãy lẻ có tới 4 quầy bán đồ điện gia dụng, những chiếc quạt máy, bếp điện, dây điện, dây ăng ten,bàn là, bóng đèn các loại xếp chồng chất lên quầy hàng.

Kế đó là 3 cửa hàng sửa chữa điện, quấn lại môtơ, máy phát điện, dụng cụ cầm tay. Bên kia dãy chẵn là các quầy bán hoa qua, mùa nào thức ấy, cam, quýt, xoài, lê, táo, chôm chôm, nhãn, dưa hấu, cùng với các cửa hàng bán rượu ngoại, nước giải khát.

Phố Hàng Da 

Chợ Hàng Da giờ đây đã xây lại, trên mặt bằng cao ráo, sạch sẽ, mặt hàng kinh doanh thật phong phú và đa dạng. Chợ Hàng Da đã trở thành thương hiệu tin cậy, hấp dẫn với người Hà Nội và là một trung tâm thương mại của quận Hoàn Kiếm.

Quảng trường chợ Hàng Da. Panorama 2015

Trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, phố và chợ Hàng Da cùng người dân nơi đây đã chứng kiến Hà Nội qua nhiều thời kỳ thăng trầm khác nhau. Từ thời điểm đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá ra miền Bắc năm 1964, đến thời kỳ đất nước đổi mới.

Góc phố Hàng Da và Ngõ Trạm 

Mặc dù đến nay, Phố Hàng Da và chợ hàng Da vẫn tồn tại và phát triển, nhưng con phố đã dần thay đổi để thích ứng với thời đại phát triển mới. Tuy nhiên, những nét độc đáo của con phố này vẫn được người dân lưu giữ và truyền lại cho con cháu như một nét văn hóa của mảnh đất Thăng Long kinh kỳ xưa.

DI TÍCH LÂN CẬN
Chùa Kim Cổ: số 73 phố Đường Thành.
Đền Hỏa Thần: số 30 phố Hàng Điếu.
Đền Phù Ủng: số 25 phố Lý Quốc Sư.
Đình Đông Thổ: số 2 phố Hàng Nón.
Đình Hà Vĩ: số 11 phố Hàng Hòm.
Đình Yên Thái: số 8 ngõ Tạm Thương.

Biên tập lại: 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác