Phố Cầu Gỗ

Thứ 5, 05/12/2024, 10:38 (GMT+7)

Chia sẻ

Fanpage  |  Bảng Tin  

Lịch sử

Nếu là người Hà nội sẽ chẳng ai là không biết phố Cầu Gỗ, đó là một con phố ngắn dài hơn 200m nối từ phố Hàng Thùng chỗ ngã tư cuối phố Hàng Bè đầu phố Hàng Dầu đến giáp góc hai phố Hàng Đào và đầu Hàng Gai, cạnh quảng trường Đông Kinh nghĩa thục.

Từ thời Lê sơ tức khoảng thế kỷ 15, phố Cầu Gỗ đã được hình thành và nguyên là đất của ba thôn Nhiễm Thượng, Hương Minh và thôn Thăng Bình thuộc tổng Hữu Túc sau đổi là tổng Đông Thọ huyện Thọ Xương cũ.

Phố Cầu Gỗ tuy nhỏ nhưng có tới cái ba đình ở ba thôn, đó là đình Nhiễm Thượng nay là số nhà 64, thờ thành hoàng.

Còn thôn Hương Minh thì nguyên là thôn Hàng Chè, một thôn chuyên bán lá chè tươi. Thôn này ở vào quãng cuối phố Cầu Gỗ ngày nay, chỗ tiếp giáp các phố Đinh Liệt, Đinh Tiên Hoàng, Đình Hương Minh nằm ở số nhà 30 phố Đinh Liệt.

Còn đình thôn Thăng Bình ở khu vực cuối phố, giáp Đinh Tiên Hoàng, nằm ở nhà số 9 Đinh Tiên Hoàng, vừa cải tạo nhưng tầng 3 vẫn còn giữ được hai cột hoa biểu ở hai bên.

Vào khoảng hơn một trăm năm trước đây, phía Bắc phố này là một cái hồ khá rộng gọi là hồ Thái Cực hay hồ Hàng Đào (trên bản đồ 1885 lại ghi là hồ Gia Ngư). Hồ này thông với hồ Gươm bằng một cái ngạch, trên ngạch đó có bắc một cái cầu gỗ để đi lại.

Trước năm 1890 người Pháp đã gọi là rue du Pont en bois tiếng Việt nghĩa là phố Cầu Gỗ.

Khi Pháp chiếm Hà Nội, đã cho lấp hồ, lấp cả cái ngạch có chiếc cầu gỗ ấy để mở rộng phố, nhưng dân chúng vẫn gọi là phố Cầu Gỗ và kể từ năm 1945 cho đến nay con phố này vẫn giữ cái tên cũ.

Trên phố Cầu Gỗ đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn có nhiều ngôi nhà hẹp lòng, chỉ trên 2m bề ngang, xây kiểu một tầng lợp ngói ta hoặc hai tầng chồng diêm thấp lè tè, cửa bức bàn, câu đầu quá giang bằng gỗ phiến, tưởng như sắp xiêu vẹo, phải tỳ vào vai hai nhà bên mà đứng, nóc nhà còn đắp cột trụ như người đội mũ bình thiên. Tường thì trộn mật giọt làm vữa nên mùa nồm chảy nước ướt cả nền nhà vốn đã thấp hơn mặt đường đến vài ba bậc.

Từ thời trước, người dân nơi đây đã kinh doanh những ngành nghề mà nay người ta gọi là “dịch vụ” trong đời sống đô thị.

Phố Cầu Gỗ từng nổi danh vì chuyên bán sơn và các loại dầu cung cấp cho thợ làm tranh sơn mài, gắn thùng gỗ, bả hoành phi, câu đối. Ở đây có một cửa hàng làm mũ mà chủ nhân chính là người đã chế ra cái khăn xếp che đầu trang nghiêm và tiện lợi thay cho việc búi tó hoặc quấn khăn theo lối cũ của đàn ông Việt nam.

Ngoài ra, đến đầu thế kỷ 20 phố Cầu Gỗ còn có thêm một nghề mới và khá đặc biệt đó là nghề đóng xe tay.

Ngoài ra cái tên Cầu Gỗ còn được dùng để gọi cho một cái ngõ nối phố Gia Ngư với phố Cầu Gỗ. Ngõ này thời Pháp thuộc có tên là phố Nguyễn Trọng Hợp. Năm 1945 đổi thành phố Trần Văn Cao, năm 1949 đổi thành phố Cao Bá Nhạ. Tháng 6-1965 được chính thức đổi tên là ngõ Cầu Gỗ cho đến nay.

Bây giờ phố Cầu Gỗ xưa chỉ còn lại trong ký ức của những người có tuổi và đã sống từ lâu năm ở Hà Nội.

Phố Cầu Gỗ ngày nay đã đổi thay rất nhiều, thay vào đó là những nét hiện đại hòa lẫn với dáng vẻ cổ kính. Những cửa hàng chuyên bán đồ cao cấp với những nhà hàng sang trọng và khách sạn để phục vụ khách du lịch.

Tuệ Phong.


Sep 2014



Phố Cầu Gỗ - Hà Nội mất dần bộ mặt cũ

Vào khoảng những năm 2000, phố Cầu Gỗ luôn tấp nập những cửa hàng bán các loại cặp tóc, bấm lỗ tai. Từ ngã ba Đinh Liệt - Cầu Gỗ tới chợ Hàng Bè, có rất nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.

Những cửa hàng còn kinh doanh cặp tóc, bấm lỗ tai trên phố Cầu Gỗ hiện nay

“Trước đây, cả dãy phố Cầu Gỗ hầu như nhà nào cũng kinh doanh mặt hàng dây buộc, cặp tóc và bấm lỗ tai. Dù nhiều hàng cùng kinh doanh một loại mặt hàng nhưng phố xá lúc nào cũng đông đức người qua lại mua sắm”, cô Thủy - một người kinh doanh cặp tóc trên phố Cầu Gỗ - cho hay.

Việc kinh doanh mặt hàng độc đáo này đã trở thành thương hiệu của con phố. Nhắc đến phố Cầu Gỗ, bất cứ ai cũng sẽ nhớ ngay đến những cửa hàng lấp lánh rực rỡ những loại cặp tóc với đủ các loại mặt hàng. Nhiều hộ kinh doanh không chỉ sống bằng nghề buôn bán này mà còn có thể làm giàu.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, việc buôn bán mặt hàng phụ kiện này không còn sôi nổi, tấp nập như trước đây vì nhu cầu dùng các loại mặt hàng này của phái nữ đã giảm. Thay vì mua các loại dây buộc, cặp tóc đính đá sặc sỡ thì nay, mọi người chuộng những đồ đơn giản với giá thành rẻ hơn nhiều.

“Trước đây, hoạt động mua bán các loại cặp tóc hay bấm lỗ tai của cửa hàng cô rất tốt. Không chỉ có các cô, các chị mua sắm phụ kiện mà cả phái nam cũng thường mua để tặng. Tuy nhiên, gần đây nhu cầu mua sắm cặp tóc không còn nhiều, có những hôm mở hàng mà chẳng bán được gì cả”, cô Thủy nói.

 

Các cửa hàng cặp tóc nay đã vắng khách mua hàng hơn xưa

Những quán ăn vỉa hè mở san sát nhau và luôn đông đúc khách hàng

Sự thay đổi mặt hàng kinh doanh không chỉ vì nhu cầu của người mua giảm mà còn bởi sự xuất hiện của phố đi bộ. Từ khi phố đi bộ Hồ Gươm đi vào hoạt động, các tuyến phố xung quanh như Nguyễn Hữu Huân, Hàng Trống, Ngô Quyền,... và cả phố Cầu Gỗ đã mọc thêm nhiều cửa hàng, quán ăn để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân.

Lượng người đến phố đi bộ vào mỗi cuối tuần thường rất lớn nên nhu cầu ăn uống cũng rất cao. Nhận thấy nhu cầu đó nên nhiều hộ kinh doanh đã nhanh nhạy chuyển sang buôn bán các mặt hàng đồ ăn vặt như bún, phở, chè,... thay vì mặt hàng phụ kiện làm đẹp như trước.

Hiện giờ, con phố Cầu Gỗ được biết đến là con đường của những hàng ăn. Bất kì quán ăn nào mở ra trên phố Cầu Gỗ đều có thể kinh doanh tốt.

“Trước đây, việc bán dây chun, cặp tóc giúp cô có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, càng ngày việc bán hàng càng ế ẩm nên cô đành chuyển sang bán hàng hoa quả ăn vặt. Việc bán hàng đồ ăn tuy vất vả hơn nhiều nhưng cũng khá đông khách. Đặc biệt vào cuối tuần, nhiều người đi chơi phố đi bộ nên việc bán hàng những ngày này cũng tốt hơn nhiều so với ngày thường.”, cô Hương - một người kinh doanh trên phố Cầu Gỗ tiết lộ.

Có thể nói, sự xuất hiện của tuyến phố đi bộ Hồ Gươm đã góp phần thay đổi hình thái kinh doanh của các con phố cổ. Thay vì bán các mặt hàng đặc trưng lâu năm thì nay, những con phố như Cầu Gỗ đã chuyển sang kinh doanh các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và khách tham quan.

Theo Lê Thu Hà (Vietnamnet)


Cá nhân, doanh nghiệp còn kinh doanh, đã đóng cửa hay chuyển chỗ khác xin bình luận dưới để chúng tôi cập nhật lại, xin cám ơn

Nhóm hỗ trợ STMĐT P   |  Gian hàng online, VR 360 - Virtual Tour 360 

Bình luận của bạn

Tin khác