Phố Bờ Sông Bến Nứa

Thứ 5, 11/05/2023, 14:33 (GMT+7)

Chia sẻ

PHỐ BỜ SÔNG BẾN NỨA
Nguyễn Văn Uẩn

Đó là đoạn đê Yên Phụ dài khoảng 250 mét, từ đầu cầu Long Biên đến đầu dốc Hàng Than, thuộc đất mấy thôn cũ Phúc Lâm, Hoè Nhai, Thạch Khối Thượng. Đình làng Thạch Khối Thượng ở nhà số 64 đường Yên Phụ; chùa Phúc Lâm ở nhà số 120 đường Yên Phụ; đình Phúc Lâm ở đầu phố Hàng Đậu và Gầm Cầu.

Đầu thế kỉ XX, mép nước sông Hồng vào đến sát chân đê, những bè gỗ bè tre nứa là ghé đậu đợi ăn khách ở đây. Ngoài mấy ngôi đình chùa nói trên, ở bờ đê chi có lèo tèo một số ít nhà lợp tranh và lá, những túp lều canh và giá gác nứa để bán; cạnh lều, tre nứa xếp từng đống; tiếng dao chặt chan chát, nứa cây cắt thành từng đoạn ngắn bán làm củi bó; dọc bờ đê xe bò chở nứa đỗ nghênh ngang. Do đấy nên đây có tên là Bến Nứa (còn gọi là Chợ Nứa).

Khoảng năm 1918 - 1919, Bến Nứa trở thành một bến đỗ của xe ô-tô chở khách. Cầu sông Cái được mở rộng thêm cho xe ô-tô qua lại; trước kia bến ô-tô khách ở chỗ Cột Đồng hồ, dưới sông là bến tàu thuỷ và ô-tô phải qua sông bằng phà gắn máy.

Bến xe ô-tô Bến Nứa thời kì đầu còn nhỏ và sơ sài, phục vụ cho độ muơi chiếc xe của các hãng xe chở khách chạy đường Hưng Yên và Sơn Tây. Quanh bến xe chưa có nhà cửa gì cả, ngoài một chiếc chòi (kiosque) bằng gỗ làm chỗ bán vé; không có nhà đợi cho hành khách. Hàng nước bày chõng, che liếp; hàng quà rong ngồi lẻ tẻ bên lề đường, bán quà bánh điểm thuốc nước chè tươi cho khách đợi ô-tô, đa số là người nông thôn buôn bán và tống lí ra Hà Nội mua sắm; người đi ô-tô trọ lại phải tìm chỗ ở những nhà trong mấy phố nhỏ đằng sau Hàng Đậu.

Về sau sự đi lại ngày một sầm uất, số ô-tô chở khách ngày một nhiều. Bến Nứa không còn bán tre nứa nữa. Máy công ti dầu hoả étxăng đặt đại lí bán ét-xăng ở Bến Nứa như hãng Shell, hãng Socony, hãng Texaco; họ đặt cột bơm ét-xăng, cạnh tranh nhau. Chòi bán vé được thay bằng một ngôi nhà bán vé tươm tất. Một số cửa hàng mọc ra ở chung quanh chùa Phúc Lâm trông sang bến xe : quán nước chè tươi thuốc lào, hàng cơm đầu ghế, cửa hàng bán bánh khảo bán cho khách nhà quê mua về làm quà, sau thêm của hàng thợ cắt tóc, thợ may, hiệu bán khăn mũ, quán trọ. Tuy vậy, phía trên quãng đầu phố Hoè Nhai nhà cửa còn thưa thớt, những ngôi nhà lụp xụp của dân lao động, chỗ này không có hoạt động buôn bán.

Cảnh bến ô-tô nhộn nhịp từ sáng đến chiều. Người làm công cho chủ xe chủ sẵn đón khách; họ là những tay anh chị, cạnh tranh cho hãng xe thuê họ : hễ thoáng thấy có người xuống xe tay có hành lí đi vào bến, có vẻ “ngủ ngờ nhà quê” là họ chạy ra, giữ lấy ô nón tay nải, giằng hành lí bỏ lên xe của họ. Họ tranh cãi nhau rầm rĩ, nhiều khi thành cảnh ấu đả nhau. Có một chủ xe người Tây (tên Larrivée), anh này tự đứng ra tranh khách, ỷ thế Tây bắt nạt những cánh khác.

Có Bến Nứa, ô-tô ngày một nhiều, song tại đường phố cạnh bến không có cửa hàng sửa chữa máy, bản đồ phụ tùng ô-tô, săm lốp, những mặt hàng đó bán ở nhiều cửa hiệu tập trung bên phố Hàng Đậu, một số ít ở phố Hàng Nâu tức đầu đường Trần Nhật Duật; chỗ giáp bến xe không đủ rộng để mở cửa hàng.

Khu vực Bến Nứa. Ảnh sưu tầm.

Khu vực Bến Nứa.
Ảnh sưu tầm.

Chủ xe ô tô khách Bến Nứa chạy đường Sơn Tây có hãng xe Tư Đường (nhà ở phố Hàng Nâu), hãng xe Mỹ Lâm (nhà ở phố Phan Đình Phùng gần Cửa Bắc), hãng Larrivée (ở đầu phố Phùng Hưng), hãng Chí Thành (người Công giáo ở trong phố Hồng Phúc).

Khu vực Bến Nứa năm 1950. Ảnh : Trần Đình Nhung và Trần Văn Vẽ.

Khu vực Bến Nứa năm 1950.
Ảnh : Trần Đình Nhung và Trần Văn Vẽ.

Chạy đường Hưng Yên có hãng Con Thỏ. Hãng đó đã qua tay nhiều chủ, sau là của anh em Lê Hữu Luân. Chủ xe ô-tô thường xuất thân giống nhau. Trường hợp của Lê Hữu Luân như sau : một anh thợ xẻ ở nhà quê ra Hà Nội với chiếc cưa trên vai, hòm đồ dưới nách, đi rong tìm kiếm việc làm; rồi xin được chân đứng bến đón khách cho chủ hãng xe ô-tô (làm công cho nhà Bảo Ký hồi còn bến Cột Đồng hồ); rồi đi phụ xe, học lái lấy bằng, rồi làm lái xe chính. Khi đã có tiền dành dụm, mua một chiếc xe cũ ra làm ăn riêng, rồi phất lên. Ông dắt díu thêm hai người em ở nhà quê ra cũng làm : Lê Hữu Giai, Lê Hữu Thái. Ba anh em thành ba chủ hãng có xe chạy riêng, hợp lực cạnh tranh, đánh lại những hãng xe nhỏ khác, làm chúa đường xe ô-tô khách Hưng Yên. Hãng Con Thỏ có 29 xe, tiền thu về hàng ngày đựng vào vài chục thùng sắt tây bạc hào và xu, tiền trinh. Họ tậu nhà, tàu đồn điền, mua ấp trại. Lê Hữu Giai có một dãy nhà ở phố Hồng Phúc và nhà ở phố Hàng Đậu.

Khu vực Bến Nứa năm 1992. Ảnh : Duong Minh Long.

Khu vực Bến Nứa năm 1992.
Ảnh : Duong Minh Long.

Đó cũng là trường hợp của Lê Văn Kim, người của Bến Nứa. Xuất thân nhà nghèo, năm lên 7 tuổi đã phải kiếm ăn quanh chiếc ô-tô khách; với ấm nước chè tươi và chiếc điều cày, cậu bé lao động nhặt từng xu giúp bà mẹ lam lũ với mẹt quà vặt; rồi làm nghề đón khách ở bến cho chủ xe, lớn tí nữa đi làm phụ lái và theo con đường đã vạch sẵn là học lái thì lấy bằng, làm công một thời gian rồi thành ông chủ một chiếc xe cũ tàng tàng; chịu khó làm ăn, chẳng bao lâu đã có trong tay 5 chiếc xe tốt, thuê người lái. Ông mua nhà ở số 40 phố Hàng Nâu (nhà mua lại của Tư Đường cũng là chủ xe khách đã đối nghề), vừa đế ở vừa làm nơi chứa xe. Năm 1946. Lê Văn Kim nghe lời gọi của Chính phủ khi chiến tranh sắp nổ ra, đã đem cả số xe 5 chiếc của mình cho nhà nước dùng để chuyên chở máy móc tài liệu ra ngoài thành phố.

Những năm 193x, xe ô-tô chở khách cạnh tranh ráo riết với xe lửa trên tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định. Trên tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng có mấy hãng xe khách không phải là của dân lái xe nghèo thành thạo trong nghề mà lên, mà là của những chủ hãng vốn là từ sản giàu có ra kinh doanh. Đó là trường hợp của Thông Thu, vợ là người Pháp, tự đứng ra áp tải xe bán vé, tranh khách khiến người làm công không kiếm chác gì được như làm cho hãng xe khác. Xe lửa bị xe ô-tô khách cạnh tranh, phải chạy thêm chuyến và thêm nhiều chỗ đỗ ngoài những ga chính.

(Trần Quang Dũng trích sách HÀ NỘI NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX - Nhà xuất bản Hà Nội - Năm 1995)

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác