Phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch của quận Tây Hồ

Thứ 3, 26/09/2023, 11:29 (GMT+7)

Chia sẻ

Hồ Tây là một thắng cảnh, địa danh văn hóa nổi tiếng của Thủ đô. Việc phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch của quận Tây Hồ nói riêng và thành phố nói chung cũng được gắn với quản lý và khai thác có hiệu quả hồ Tây. Thời gian gần đây, quận Tây Hồ đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường, mỹ quan đô thị, bảo tồn cũng như phát huy các lợi thế của hồ Tây và vùng phụ cận.

Hồ Tây rộng hơn 527ha, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Quanh hồ và vùng phụ cận có 22 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và một số làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Do đó, lâu nay Hồ Tây là điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh. Tuy nhiên, công tác quản lý hồ khá chồng chéo. Từ tháng 9/2016 đến nay, việc quản lý, khai thác được giao cho bảy sở, ngành của thành phố quản lý theo lĩnh vực chuyên ngành, mà không có một đầu mối quản lý thống nhất, dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác quản lý cũng như tổ chức khai thác, bảo vệ các giá trị của hồ.

Từ ngày 22/3, Ủy ban nhân dân thành phố tiến hành lấy ý kiến chuyên gia, người dân để hoàn thiện quy định quản lý Hồ Tây. Thành phố dự kiến cho phép 12 loại hình dịch vụ được hoạt động ở đây trong thời gian tới, gồm có tàu du lịch, thuyền, xuồng ca-nô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy; dịch vụ bơi thuyền; hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn và các dịch vụ du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; sân tập golf nước trên hồ...

Thành phố sẽ giao quận Tây Hồ là đầu mối quản lý, việc sử dụng không gian mặt hồ phục vụ các hoạt động phải được Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ cấp phép.

Chủ trương mở nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí tại Hồ Tây giúp người dân và du khách có thêm những trải nghiệm thú vị, giúp thành phố khai thác hiệu quả các giá trị của hồ, tăng nguồn thu ngân sách, phù hợp chủ trương, định hướng phát triển du lịch của thành phố nói chung, của quận Tây Hồ nói riêng.

Tuy nhiên, một số ý kiến góp ý, việc kinh doanh các loại hình dịch vụ ở thắng cảnh này cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm bảo tồn môi trường cảnh quan hồ, tránh xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan hồ.

Sáu năm trước, năm 2017, trước tình trạng các hàng quán kinh doanh tại khu vực Hồ Tây diễn ra lộn xộn, phức tạp về an ninh trật tự, làm xấu mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm nặng, khiến thủy sản trong hồ chết hàng loạt, Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu chấm dứt hoàn toàn các hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý hồ.

Các chủ tàu thuyền du lịch, nhà nổi phải tự tháo dỡ phương tiện và di dời. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa hoàn tất, hiện vẫn còn bốn phương tiện vi phạm “án ngữ” mặt hồ ở khu vực đầm Bẩy. Theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận mà Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, khu vực Hồ Tây sẽ có tám bến thuyền và tuyến du lịch thủy.

Việc quận Tây Hồ nhiều năm qua chưa di dời được hết các phương tiện vi phạm, nay thành phố lại dự kiến khôi phục những loại tàu du lịch, khiến dư luận băn khoăn. Hơn nữa, các hoạt động kinh doanh tàu du lịch, vận chuyển hành khách thường đi kèm hoạt động ăn uống sẽ làm phát sinh lượng nước thải, rác thải lớn, nếu không quản lý tốt những nguồn này sẽ đe dọa môi trường nước hồ.

Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng của thành phố cần cân nhắc, tính toán kỹ trước khi hoàn thiện quy định quản lý Hồ Tây, làm sao để vừa khai thác hiệu quả các du lịch, dịch vụ, nhưng vẫn cần phải bảo đảm duy trì, bảo vệ cảnh quan môi trường hồ sạch, đẹp.

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác