Những năm gần đây, nhiều chợ truyền thống bị xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, cảnh chợ đìu hiu diễn ra nhiều hơn. Lấy lại sức hút cho chợ truyền thống thế nào?
Số liệu thống kê cho hay, tại Hà Nội hiện có khoảng 540 chợ truyền thống. Mô hình chợ này đảm nhận khoảng hơn 50% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%.
Vắng lặng, không còn cảnh nhộn nhịp người mua kẻ bán là thực trạng chung của nhiều chợ truyền thống hiện nay tại Hà Nội. Kể từ khi sàn thương mại điện tử lên ngôi, các chợ truyền thống tại Hà Nội cũng trở nên đìu hiu, thưa thớt.
Cô Yên - bán hàng quần áo tại chợ Kim Liên tâm sự: "Ôi con nhìn thấy đấy, cả ngày hôm nay làm gì đã có khách nào đâu, quần áo cô thấy bây giờ thanh niên toàn livestream chứ các cô ở trong này, sáng ra chỉ biết tập thể dục rồi đợi khách đến thôi chứ có biết làm ngoài đâu, cả ngày cũng chẳng có một khách nào cả. Bây giờ cô giảm giá đấy, con nhìn treo giảm giá 50%, có cái 70% thì bán lấy vốn nữa thôi chứ làm gì có cái gì đâu".
Khung cảnh ảm đạm cũng diễn ra ở khu vực Cầu Giấy. Từ một khu chợ hoạt động sầm uất cho sinh viên, nhưng hiện tại, chợ Nhà Xanh cũng chỉ còn lác đác số ít các bạn sinh viên đến mua sắm.
Chị Thảo - bán hàng mỹ phẩm bày tỏ nỗi niềm: "Ế lắm, sáng ra bán được 2 đơn. Nói chung chợ đợt này vắng. Chị cũng có bán trên shopee, cũng tập tành livestream này nhưng không hiệu quả, dở cũng dở dở ương ương, bọn trẻ nó cũng bán chốt đơn ầm ầm ấy, mình bán mình cũng không biết cách nói nên cũng đơn được đơn không".
Ảnh minh họa
Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của các hình thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Điều này đã tạo ra một thách thức không nhỏ đối với các chợ truyền thống, những nơi từng là trung tâm mua sắm chính của người dân trong quá khứ.
Theo khảo sát của phóng viên VOVGT với người dân, một phần nguyên nhân của tình trạng này, được cho là do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mang lại trải nghiệm mua sắm hàng hóa tiện lợi và nhanh chóng tới nhiều người hơn:
"Bởi vì mình đi làm nên thời gian không có nhiều, đa số đồ mình mua trên mạng xã hội thôi. Ưu điểm thì nhiều lắm. Thứ nhất là nhanh này, tiện, có thể thanh toán luôn hoặc nhận hàng mới thanh toán. Hai là tiết kiệm thời gian của mình hơn".
"Mình thường xuyên mua hàng online. Mình thường mua mỹ phẩm, quần áo, giày dép, gần như mọi thứ mình đều mua qua online hết. Nếu mua hàng online thì thực sự tiện hơn rất nhiều, mình chỉ cần chọn hàng ở trên điện thoại thôi sau đó sẽ có shipper mang đến cho mình".
Trong bối cảnh hiện nay, không thể tránh khỏi cuộc cạnh tranh giữa chợ truyền thống và các hình thức mới. Thế nhưng, đối với phần lớn người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là vẫn có những người trẻ, chợ truyền thống vẫn là một nét văn hóa đặc trưng, sẽ có những lợi thế riêng biệt mà các hình thức kinh doanh mới khó có thể thay thế được:
"Là một người có gia đình rồi thì chị cũng rất hay đi chợ. Tất cả các sản phẩm mà chị ăn hàng ngày đều mua ở chợ. Ngoài thực phẩm ra thì còn có cả quần áo, rồi các đồ gia dụng cũng thường xuyên ra chợ, vì chị cũng quen rồi. Hồi xưa thời của chị cũng không có online nhiều nên chị cứ theo thói quen vẫn mua, với lại chị cũng quen mối thì mặc cả, cũng được giá tốt hơn ở trong siêu thị".
"Thực ra là chợ truyền thống cũng sẽ có những ưu điểm. Ví dụ như chợ truyền thống mình sẽ được xem sản phẩm. Nhưng sẽ không tiện được bằng việc mình mua hàng online. Mình vẫn có thể xem được, đánh giá để biết được chất lượng sản phẩm đó như thế nào. Nhưng sẽ có một khuyết điểm là mình sẽ không được đảm bảo về chất lượng của sản phẩm".
Chợ truyền thống vẫn ít nhiều giữ được lợi thế về giá cả, cũng như môi trường mua sắm thuận tiện cho tất cả các thế hệ. Tuy nhiên, nếu không có sự đầu tư và cải thiện về cơ sở vật chất, vệ sinh và dịch vụ khách hàng, chợ truyền thống sẽ khó có thể cạnh tranh.
Theo ông Đặng Việt Bằng - Phó Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, tình hình mua sắm trong nửa đầu năm 2024 tại chợ là không khả quan, người đến tham quan, mua sắm vắng vẻ. Đây cũng là thực trạng đáng buồn cho những khu chợ truyền thống khác trên địa bàn thành phố Hà Nội:
"Sau quá trình hoạt động chợ xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là công tác phòng chống cháy nổ và mỹ quan đô thị, đồng nghĩa với việc lượng khách hàng tham quan, mua bán tại chợ sẽ là vắng vẻ. Cạnh tranh sẽ rất khốc liệt đối với kinh doanh online và các trung tâm thương mại".
Giới chuyên gia cũng nhận định, do tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó hoạt động mua, bán hàng qua kênh online phát triển mạnh đã tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống, đòi hỏi mô hình này cải thiện và hiện đại hóa để có thể cạnh tranh hiệu quả với các hình thức kinh doanh mới nổi.
Bà Trần Thu Hà, Chuyên gia Phân tích Thị trường tại Công ty Nghiên cứu thị trường CI Research Việt Nam có những nhận định sau: "Chợ truyền thống cần tập trung vào các sản phẩm địa phương, tươi sống và hàng thủ công mỹ nghệ để tạo nên điểm nhấn riêng biệt. Đồng thời, các chợ cũng nên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sự kiện để thu hút khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ. Các chợ cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm mua sắm và thu hút khách hàng".
Cuộc cạnh tranh giữa chợ và thương mại điện tử, siêu thị, cửa hàng tiện lợi là chuyện tất yếu, tuy nhiên, để duy trì sức hút, các chợ truyền thống cần phải không ngừng cải thiện về vệ sinh, an ninh trật tự và dịch vụ khách hàng.
Ngoài ra, việc kết hợp với các công nghệ số như app đặt hàng, thanh toán di động cũng sẽ giúp chợ truyền thống trở nên hiện đại hơn và cạnh tranh tốt hơn với các hình thức bán lẻ mới. Đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để chợ truyền thống thích ứng và phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn - Như Ngọc-Thùy Linh/VOV-Giao thông
Bình luận của bạn