Dân thành thị quay lưng với chợ truyền thống

Thứ 7, 16/12/2023, 12:50 (GMT+7)

Chia sẻ

Đã mấy năm Trúc Ngọc, 24 tuổi, không bước chân vào chợ do ghét bị nói thách, giá tăng 4-5 lần thực tế và mất công mặc cả.

"Đi chợ chẳng khác nào tham gia 'Hãy chọn giá đúng', thử thách của người mua là trả giá thấp nhất. Trong khi mua online được lựa chọn, thoải mái so sánh giá mà không bị mắng", cô gái ở Cầu Giấy, Hà Nội nói.

Ngọc nói nếu chờ các đợt giảm giá, áp mã khuyến mại, nhiều sản phẩm mua được giá vài chục nghìn đồng, thay vì cả vài trăm nghìn đồng như ngoài chợ. Đặc biệt, hàng được giao tận nhà kèm chính sách đổi trả.

Khi Covid-19 bùng phát, chị Thanh Thư, 35 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, thử mua hàng trực tuyến. Ban đầu là để hạn chế tiếp xúc phòng dịch, nhưng sau thành thói quen bởi đồ dùng chất lượng tốt, thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh do được kiểm duyệt. Đặc biệt, các món đồ mua được thống kê cụ thể trong giỏ hàng kèm tổng số tiền, giúp chị Thư dễ kiểm soát, tránh vượt ngân sách.

Không chỉ người trẻ, bà Phạm Hồng Hải, 55 tuổi, ở quận 12, TP HCM cũng hình thành thói quen mua bán trên mạng khi được con trai hướng dẫn. Thay vì dậy sớm đi chợ qua con đường đông đúc, có ngày phải đi 3-4 lượt bởi mua thiếu đồ, nay bà chỉ cần ở nhà bấm điện thoại và chờ người gửi về. "Tôi đặt mua được mọi thứ trên ứng dụng, từ thực phẩm tươi sống đến đồ gia dụng, quần áo. Thuận tiện lại dễ sử dụng", bà Hải nói.

Số cư dân thành thị dần từ bỏ thói quen đi chợ sang mua sắm trên Internet như gia đình chị Trúc Ngọc, Thanh Thư hay bà Hải không hiếm.

  
Chợ truyền thống đuối sức

35-40% hàng hoá đang lưu thông qua chợ truyền thống, nhưng tốc độ tăng trưởng của kênh này chậm dần vì sức ép từ các mô hình bán lẻ hiện đại.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, giám đốc marketing một công ty xây dựng nền tảng bán hàng online ở TP HCM, cho biết sau dịch Covid-19, người tiêu dùng chuyển dịch mạnh mẽ. Trước đây tệp khách hàng thích mua sắm online chủ yếu là giới trẻ nay chuyển sang nhóm 40-60 tuổi. Báo cáo của hệ thống đo lường Metric trong quý 3/2023, các sàn thương mại điện tử có doanh thu tăng trưởng đến 54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 63 nghìn tỷ với khoảng 443.000 gian hàng online.

"Sự phát triển của sàn thương mại điện tử đã cạnh tranh với chợ truyền thống nhờ sản phẩm đa dạng, khuyến mãi lớn và tính tiện lợi. Mua hàng thông qua điện thoại dễ dàng tiếp cận được người trẻ Việt Nam với khung thời gian sử dụng điện thoại lên đến 20-25 giờ mỗi tuần", ông Tấn nói.

Báo cáo nghiên cứu về kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới do Ninja Van Group và DPD group thực hiện tháng 7/2022 với 5.000 người tại 6 nước Đông Nam Á cho thấy người Việt có tần suất mua sắm online trung bình 104 đơn mỗi năm, cao hơn hẳn so với các nước xếp tiếp sau là Thái Lan (75 đơn), Singapore và Philippines (cùng 58 đơn). Chiếm tỷ trọng lớn trong các đơn hàng của người Việt là sản phẩm tiêu dùng nhanh, quần áo và giày dép.

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều người thay đổi thói quen mua sắm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), chỉ ra 5 điểm. Một là kinh tế có dấu hiệu hồi phục nhưng thu nhập của người dân sụt giảm, khiến sức mua yếu. Hai là cơ sở vật chất tại các chợ không đáp ứng được nhu cầu, nhiều nơi xuống cấp, gây mất an toàn cho khách mua sắm, số khác không đảm bảo vệ sinh môi trường. Ba là chất lượng hàng hóa bày bán tại chợ không đảm bảo. Bốn là giá bán tại các chợ thường không niêm yết. Năm là sự phát triển của các trung tâm thương mại, khu phức hợp và lợi ích mua bán online khiến người dân ưu tiên lựa chọn.

"Người dân luôn chọn cách có lợi cho bản thân như tiết kiệm thời gian, mua đồ tốt giá rẻ, tránh bị móc túi và đến các điểm mua hàng rộng rãi, tiện nghi", ông Long nói.

Như bà Hồng Hải ở TP HCM, mua hàng qua livestream giúp thoát cảnh chân đau nhưng vẫn cố đi qua từng quầy hàng trong khu chợ rộng cả nghìn m2, sau xách túi lớn túi nhỏ thức ăn về nhà. "Con cháu cũng đỡ lo mỗi khi tôi ra ngoài bởi hàng giao về tận nhà, thiếu đồ lại đặt. Nỗi lo bị dàn cảnh móc túi, cướp giật cũng không còn", bà Hải nói.

Mua sắm online giúp Trúc Ngọc tiết kiệm 15-20% chi phí mỗi tháng. Cách thức mua hàng này cũng được anh trai Ngọc ví như phao cứu sinh, tránh bị phàn nàn "đàn ông mà suốt ngày kỳ kèo trả giá quá phụ nữ", mỗi lần mua hàng.

Còn với gia đình chị Thanh Thư, mua sắm trực tuyến giúp tiết kiệm thêm nhiều thời gian. Thay vì chen chúc trong khu chợ chật hẹp giờ tan tầm, người phụ nữ được tận hưởng ngày nghỉ trọn vẹn bên chồng con, khi đặt đồ qua ứng dụng.

"Riêng ngày cuối tuần, gia đình tôi có thể đến trung tâm thương mại để vui chơi, mua sắm thay vì chui rúc vào các khu chợ mùa hè nóng bức, chật chội, mùa mưa bẩn thỉu, ẩm thấp", chị Thư nói.

  
Quầy hàng giày dép của các tiểu thương tại chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bày bán nhiều đồ nhưng vắng bóng khách, chiều 28/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thực tế này khiến tiểu thương tại các chợ truyền thống ở thành phố lâm cảnh lao đao. Thống kê năm 2022 của Bộ Công Thương cho thấy cả nước hiện có khoảng 8.500 chợ, 35-40% hàng hóa đang lưu thông qua chợ truyền thống, nhưng tốc độ tăng trưởng của kênh này chậm dần vì sức ép từ các mô hình bán lẻ hiện đại.

Khảo sát của VnExpress cho thấy hầu hết chợ các chợ truyền thống một thời là biểu tượng như chợ Đồng Xuân, Hàng Da, chợ Hôm (Hà Nội) chợ An Đông, chợ Xóm Củi, Tân Bình (TP HCM) nay có nhiều khu vực bị bỏ trống hoặc cho thuê làm kho chứa đồ. Các tiểu thương ở những chợ này nói sức mua giảm trung bình 60-70%.

Quầy giày dép trong chợ Ga, quận Ngô Quyền, Hải Phòng của bà Thanh Tâm từng nuôi đủ năm miệng ăn, nhưng vừa phải đóng cửa bởi không có khách.

Người phụ nữ 65 tuổi ở quận Ngô Quyền bán hàng trong chợ gần 40 năm. Bà kể trước năm 2010, khách đổ về chợ chật kín hai tầng, khách mua chen chúc trong lối đi rộng chưa đầy một mét. Gian hàng chừng ba mét vuông của bà Tâm phải thuê thêm hai nhân viên bán hàng. Thu nhập của bà đủ nuôi cả gia đình và tích góp.

"Giờ thì cả tuần không bán được 2-3 đôi dép, thu nhập giảm hơn 80%", bà Tâm nói. Hết khách, bà đành sang nhượng cửa hàng. "Khách đến chợ toàn người già, hàng tồn chất cao hơn núi. Cứ thế này cả chợ cũng sớm bị dẹp", bà nói.

Trước nỗi lo chợ truyền thống có nguy cơ bị xóa sổ, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định mô hình này sẽ không biến mất, bởi các khu vực chưa xây dựng trung tâm thương mại vẫn ưu tiên sử dụng. "Nhưng để chợ truyền thống phát triển cùng loại hình khác, chính cơ quan chức năng, ban quản lý chợ và chính tiểu thương phải thay đổi", ông Long nói.

Theo chuyên gia, chợ truyền thống cần được nâng cấp, sửa chữa; chú trọng đến tính thuận tiện như thiết lập các bãi gửi xe rộng rãi, miễn phí; đảm bảo chất lượng hàng hóa, thực phẩm; giữ vệ sinh trong chợ và cảnh quan xung quanh; tiểu thương cũng phải niêm yết giá bán, tạo tâm lý thoải mái cho người mua.

Còn với khách hàng như Trúc Ngọc hay chị Thanh Thư, khi chợ truyền thống vẫn còn lụp xụp, mặt hàng không đa dạng và tiểu thương duy trì tư duy nói thách ăn lãi cao, bản thân sẽ từ chối sử dụng.

"Tôi không thể hoài niệm quá khứ mà phớt lờ những tiện ích từ các dịch vụ mới đem lại", chị Thư nói.

Quỳnh Nguyễn - Ngọc Ngân - Nguồn 

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác