Đàm Quốc Trung
Đây vốn là một ngôi nhà lớn 3 tầng có từ đầu thập niên 1930, theo lối kiến trúc hiện đại.
Ngôi nhà dài khoảng 70 mét, có hai mặt tiền lớn ăn thông sang hai phố : Số 88 phố Hàng Buồm, và số 5 ngõ Gạch.
Phía phố Hàng Buồm là hiệu cao lâu Đông Hưng Viên, phía ngõ Gạch là rạp chiếu phim Kim Môn.
Thời Pháp thuộc, ngôi nhà này là của ông chủ Hoa kiều.
"Đông Hưng Viên là nơi đặt tiệc sang trọng. Bát đĩa đều đặt làm ở Giang Tây (Trung Quốc) có chữ tên riêng in dưới trôn. Bát đĩa rất đẹp, đĩa xíu mại nho nhỏ xinh xinh. Hà Nội không có ở đâu bán, nên khách ăn có người ăn hết bánh bỏ đĩa vào túi áo túi quần, vừa không phải trả tiền bánh, vừa tích dần được đủ bộ. Đặc sản Đông Hưng Viên là cánh gà rán và cơm lá sen. Tết Trung Thu có bánh nướng nổi tiếng.
Kim Môn sau này thay cho Đông Hưng Viên, bỏ cách bố trí cũ quá cổ. Thay lối lên gác bằng một cầu thang rộng có trải thảm, dát bằng kim loại màu vàng, nên cửa hàng còn gọi là Escalier d'or (cầu thang bằng vàng) hay Porte d'or (Kim Môn). Chỗ ngồi ăn quây thành buồng nhỏ lịch sự kín đáo ; trang trí đỉnh đồng, món ăn bày đĩa đặt trong đỉnh thiếc, đĩa hai tầng ..." (*)
Sau năm 1954, ông chủ cửa hàng Đông Hưng Viên đã mang hiệu này về hoạt động ở Sài Gòn.
Thời bao cấp, một thời gian khá dài, đây là Trung tâm văn hóa Thành phố Hà Nội.
Năm 2018 ngôi nhà này đã được phá bỏ, để năm 2020 khai trương Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ mới (thay cho địa điểm cũ ở nhà số 22, nguyên là Hội quán Quảng Đông)
(*) : Nguyễn Văn Uẩn - Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX - Nhà xuất bản Hà Nội - Năm 1995.
***
Phố Hàng Buồm
Năm 1951
Ảnh : Georges Azambre
Bình luận của bạn