Miếu cổ Vạn Phúc nằm bên dòng Nhuệ Giang (sông Nhuệ), nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội), miếu cổ Vạn Phúc 萬福古廟 tương truyền có từ thời Bắc thuộc. Thờ: thành hoàng Ả Lã Đê Nương, tổ nghề lụa Vạn Phúc. Vị trí: XQJG+CV, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 7h). Trạm bus: Chùa Vạn Phúc - Hà Đông, hoặc BRT Vạn Phúc.
Sep 2019
Theo thần phả, vào thời Đường có tiểu thư Lã Thị Nga xinh đẹp sinh ngày 10 tháng 8 âm lịch tại châu Tụ Long, đạo Tuyên Quang. Nàng lớn lên được Tiết độ sứ Cao Biền lấy làm thứ phi. Sau khi Biền đuổi được quân Nam Chiếu và xây xong thành Đại La, nàng đi thăm các vùng phía nam. Thấy một nơi ở ven sông Nhuệ có phong cảnh hữu tình, phu nhân quyết định ở lại chiêu dân, lập ấp Vạn Bảo, dạy dân nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa và không cho giết trâu bò.
Vua Đường nghe lời tâu rằng Cao Biền có âm mưu nuôi quân Giao Chỉ để cướp ngôi nên gọi về Trung Quốc rồi lừa bắt đem giết đi. Khi biết tin dữ, phu nhân liền quyên sinh ở tuổi 44 vào ngày 25 tháng Chạp. Về sau, dân ấp Vạn Bảo (năm 1889 đổi tên là Vạn Phúc) đã lập một ngôi miếu nhỏ ở nơi bà mất để tưởng nhớ công đức cao dày và tôn xưng bà là Ả Lã Đê Nương.
Tương truyền ngôi miếu trở nên rất linh thiêng. Mấy trăm năm sau có lần quan Thái uý của nhà Lê trung hưng dẫn quân đi qua miếu, đêm mộng thấy một mệnh phụ tự xưng là "Thành hoàng đất Vạn Bảo" đến hứa âm phù. Quả nhiên hôm sau ngài chiến thắng quân nhà Mạc. Chiếm được kinh đô xong, vua Lê, chúa Trịnh đã về thăm Vạn Bảo, làm lễ tạ ơn và tặng dân làng 100 quan tiền để mở rộng miếu.
Cổ thụ miếu Vạn Phúc. |
Miếu Vạn Phúc nhìn từ phía hông |
Lối vào miếu cổ Vạn Phúc |
Du khách từ cổng làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) đi qua đình tới gần cuối Phố Lụa sẽ thấy nhà khách rồi đến nghi môn của miếu với bốn trụ biểu, quanh thân đắp câu đối chữ Hán, mặt tường phía trước có trang trí bức phù điêu hình voi ở hai bên. Ngôi miếu toạ lạc giữa một khu vườn cây um tùm, dãy tường ngăn phía sau xây sát con đường chạy dọc bờ hữu ngạn sông Nhuệ, hiện nay là phố Ngô Thì Sĩ.
Trong khuôn viên nổi bật lên một cây đa cổ thụ rất cao che bóng cho toà quan cư (nơi sắp lễ) ở dưới có hai mặt để trống, mái lợp ngói ri. Bên cạnh quan cư là sân lễ với các cặp tượng voi ngựa đá ở hai bên bệ thờ Ả Lã Đê Nương đặt sát gốc cây. Xung quanh những kiến trúc trên là lối dẫn du khách đi dạo thăm vườn cảnh, núi giả và các ao nước với hòn non bộ.
Hằng năm, dân làng Vạn Phúc cứ đến mùng 10 tháng 8 âm lịch lại kỷ niệm sinh nhật của Ả Lã Đê Nương và 25 tháng Chạp làm giỗ tưởng nhớ ngày mất của bà. Lễ hội được tổ chức 4 ngày liền từ mùng 10 đến 13 tháng Giêng, trong dịp vui này ngoài việc cử hành long trọng các nghi thức rước kiệu, tế lễ còn diễn ra nhiều trò vui dân gian và ca hát văn nghệ.
Thần hiệu của bà thường được xưng là “Đương cảnh thành hoàng, quốc vương thiên tử, Ả Lã Đê Nương, Nga hoàng đại vương”. Bà được tôn là thành hoàng làng và tổ nghề lụa Vạn Phúc. Vua Trần Nhân Tông ban cho mỹ tự “Linh ứng, Phù trấn, Cứu dân”. Vua Lê Trang Tông tặng 6 chữ: “Quang khánh, Minh chính, Bảo Hựu”, v.v.. Từ đời vua Lê Hiển Tông đến đời vua Khải Định, bà được ban 11 đạo sắc phong, hiện còn lưu giữ.
Năm 2013, khu miếu cổ Vạn Phúc đã được cho xây tường hoa xung quanh và làm lại nghi môn. Trải qua nhiều lần tôn tạo, chỉnh trang nhưng cả ngôi miếu vẫn giữ dáng vẻ di tích truyền thống mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.
Bình luận của bạn