Hiện nay ở Việt Nam có khoảng hơn 5.400 làng nghề và nghề truyền thống. Trong đó, có nơi thì vẫn còn giữ nguyên làng nghề như xưa, có những nơi thì nghề truyền thống đã phần nhiều bị mai một, chỉ còn rất ít một vài hộ gia đình trong làng “nối nghiệp cha ông”. Các làng nghề chính thức còn được lưu giữ phát triển nghề truyền thống có thể kể đến như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, đục chạm gỗ, giấy, tranh dân gian…
Từ góc nhìn kinh tế, làng nghề và nghề truyền thống đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương. Các làng nghề còn là những điểm du lịch thu hút du khách tìm đến tham quan và trải nghiệm. Nhiều làng nghề ở Việt Nam đã chuyển đổi từ mô hình sản xuất hàng hóa đơn thuần thành làng nghề du lịch trải nghiệm. Điều này không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm của làng nghề, mà còn tôn vinh văn hóa làng - văn hóa nghề, biến những làng nghề truyền thống trở thành điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn.
Du lịch làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân làng nghề, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng như vừa quảng bá giá trị văn hóa cho các làng nghề, vừa bảo tồn được nghề truyền thống; vừa góp phần tôn tạo và gìn giữ cảnh quan của làng quê Việt trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam.
Có thể nói, với sự hiện diện của các làng nghề, vùng nông thôn trở nên có nhịp sống vui tươi, rộn ràng hơn, đặc biệt là vào mỗi đợt nghỉ lễ, ngày nghỉ thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm văn hoá làng nghề. Chính sự phát triển ấy, đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của nhiều người dân làng tha phương. Nhiều người trẻ trong làng ngày nay, sau khi học đại học cũng có xu hướng quay trở về làng, dùng kiến thức của mình để giúp quê hương phát triển du lịch. Thế hệ tiếp nối, truyền thống được giữ gìn và phát huy, người dân càng tích cực gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống, môi trường sinh thái của làng nhiều hơn.
Ứng dụng công nghệ số giúp giữ gìn, phát huy các giá trị làng nghề truyền thống, đồng thời mở ra nhiều không gian phát triển kinh tế
Làng gốm Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng, nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Cách trung tâm thành phố hơn 10 km về phía Đông Nam. Đây là làng nghề truyền thống nổi tiếng về các sản phẩm bằng gốm sứ.
Làng gốm Bát Tràng thường xuyên là điểm dừng chân của nhiều khách du lịch đến tham quan Thủ đô. Đến mảnh đất cổ xưa này, du khách sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi bắt gặp những bình hoa, chậu gốm trưng bày khắp các ngõ ngách trong làng hay những bức tường phơi than thật đặc sắc.
Gốm bát tràng được lưu hành trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí ra đến cả nước ngoài. Làng gốm Bát Tràng không chỉ là nơi làm nên một thương hiệu sản phẩm mang tính quốc gia, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của Thủ đô mà còn là một trong những địa điểm du lịch ở Hà Nội được nhiều người ưa thích.
Hoạt động của làng nghề Bát Tràng dường như lắng xuống, không còn nhộn nhịp, tấp nập như trước. Đại dịch COVID-19 ập đến đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu, hoạt động sản xuất của người dân trong làng nghề.
Trước tình hình đó, để việc sản xuất, kinh doanh không bị “đứt gãy”, nhiều hộ gia đình trong làng nghề đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất và sản phẩm của làng nghề được tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo,… đến với đông đảo khách hàng.
Với việc đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường, các hộ đơn vị doanh nghiệp ở Bát Tràng đã từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Với việc áp dụng công nghệ số, Làng nghề đã giới thiệu sản phẩm được đến các nơi, đồng thời gắn mã truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm trực tuyến, thăm khu trưng bày trên không gian ảo,… khiến khách hàng ở xa rất hứng thú, bởi họ như được trải nghiệm trực tiếp mà không cần đến tận nơi.
Mặc dù, sản lượng tiêu thụ không thể bằng trước đây nhưng hình thức kinh doanh trực tuyến đã giúp nhiều hộ gia đình duy trì sản xuất, tạo việc làm và đem lại thu nhập cho người lao động trong giai đoạn khó khăn.
Đại dịch kết thúc, thời gian qua, việc triển khai thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng gắn với phát triển du lịch được huyện Gia Lâm chú trọng đặc biệt. Để phát huy giá trị làng nghề, huyện Gia Lâm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, triển khai đầu tư hệ thống "Du lịch thông minh" tại Bát Tràng. Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản (Audio guide & Multimedia); phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh (SmartTour Apps)...; duy trì và khai thác có hiệu quả Cổng thông tin điện tử tổng hợp Bát Tràng; phát triển hai "Trung tâm thông tin du lịch Bát Tràng, Giang Cao". Tạo mã QR giới thiệu các di tích bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Bát Tràng cũng thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền quảng bá, kết nối Du lịch Bát Tràng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên kênh truyền hình CNN, truyền hình trực tiếp bằng công nghệ 360 trên website và bằng nhiều hình thức khác. Bằng tất cả những nỗ lực đó, giá trị thu nhập từ du lịch, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước tính đạt trên 65 triệu đồng/người/năm, không có lao động thất nghiệp. Bên cạnh đó, làng nghề còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho khoảng 5.000 lao động đến từ các địa phương khác.
Bình luận của bạn