Đường Lâm, ngôi làng cổ nằm cách trung tâm Hà Nội gần 50km lâu nay là một địa chỉ thú vị thu hút du khách trong và ngoài nước.
Để duy trì nét truyền thống của Đường Lâm với tư cách một di sản đồng thời nuôi dưỡng tiềm năng vùng đất cổ, bên cạnh những bước đi bền bỉ của chính quyền và người dân địa phương, không thể không kể đến những đóng góp không mệt mỏi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu người nước ngoài qua các dự án bảo tồn và phát triển làng cổ Đường Lâm.
Giáo sư Tomoda (đứng giữa) cùng sinh viên một số trường đại học tại Hà Nội trong chương trình tìm hiểu Đường Lâm năm 2019.
1. Giáo sư Tomoda Hiromichi, Giám đốc Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế thuộc Trường Đại học nữ Showa (Nhật Bản) là người gắn bó nhiều năm với các công trình nghiên cứu và bảo tồn phố cổ, nhà cổ tại Việt Nam, bắt đầu từ những năm 1990.
Khi đó, thông qua chương trình nghiên cứu của một nhà nghiên cứu Việt Nam học người Nhật Bản, Giáo sư Tomoda bắt đầu tham gia dự án bảo tồn phố cổ Hội An và tiếp đó là hàng loạt nghiên cứu khác về làng cổ Phước Tích (Huế), làng cổ ở Cái Bè (Tiền Giang), nhà cổ tại Khánh Sơn (Nghệ An). Ông thường xuyên đi lại giữa Nhật Bản và Việt Nam, trong đó có Hà Nội, như thể mảnh đất hình chữ S là quê hương thứ hai của mình.
Mối duyên giữa Giáo sư Tomoda và Đường Lâm bắt đầu từ buổi gặp Tiến sĩ Đặng Văn Bài, người khi đó đang là Cục trưởng Cục Di sản văn hóa. Cục trưởng Đặng Văn Bài lúc ấy hào hứng bày tỏ với Giáo sư Tomoda: “Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn là truyền cảm hứng tới thế hệ mai sau rằng gốc rễ sâu xa của Việt Nam nằm ở tinh thần tương trợ lẫn nhau của làng xã nông thôn truyền thống. Chúng ta hãy giữ gìn những ngôi làng nông nghiệp mang tính lịch sử”.
Tháng 3-2002, khi Giáo sư Tomoda cùng các cán bộ thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tham gia buổi báo cáo tiến độ dự án bảo tồn, phục chế nhà gỗ tại Việt Nam, trong bài phát biểu của đại diện Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có nội dung: “Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành bảo tồn làng cổ Đường Lâm, một làng nằm ở ven Hà Nội. Chúng tôi rất muốn nhận được sự hợp tác cho dự án này từ phía chính phủ Nhật Bản”.
Mong mỏi giữ gìn hồn cốt làng cổ Việt Nam qua mô hình Đường Lâm, các bên ngay lập tức có những bước đi mới. Sau nhiều lần cùng đại diện Cục Di sản văn hóa tìm hiểu về Đường Lâm, Giáo sư Tomoda đã trao đổi cụ thể với Tổng cục Văn hóa Nhật Bản về vấn đề bảo tồn làng cổ. Tháng 3-2003, chương trình hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phát triển làng cổ Đường Lâm đã được ký kết.
Trong suốt quá trình làm việc, Giáo sư nhiều lần bày tỏ, bản thân ông rất khâm phục nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn làng cổ như là duy trì tinh thần cốt lõi của đất nước, của một Thủ đô Hà Nội giàu truyền thống và đậm đà bản sắc.
Thực vậy, trong những chuyến làm việc cùng Giáo sư ở làng cổ Đường Lâm, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những chia sẻ, phân tích và tâm huyết của ông về một ngôi làng cổ ngay trên quê hương mình. Một là, Đường Lâm nằm ở vị trí đắc địa, khúc uốn của sông Hồng chảy quanh Hà Nội, đó cũng là quê hương của các vị anh hùng dân tộc như Phùng Hưng, Ngô Quyền. Hai là, việc thờ cúng sứ thần Giang Văn Minh ở Đường Lâm cho đến nay vẫn tiếp tục được duy trì, là một minh chứng cho lòng tự hào về tinh thần độc lập dân tộc, chống lại mọi sự xâm lăng. Ba là, với các đặc trưng về độ rộng của khu vực bảo tồn, cơ cấu làng xã, hình thái của nhà ở, các công trình công cộng như đền Mông Phụ, đền thờ Bà chúa Mía có thể coi là trường hợp của một cụm làng xã nông nghiệp truyền thống ở ngoại ô Thủ đô khá hiếm hiện nay - trong cái nhìn tương quan với các trường hợp đang được bảo tồn trên thế giới dưới dạng một quần thể.
2. Nói về các mốc chính trong quá trình bảo tồn làng cổ Đường Lâm, Giáo sư Tomoda nhớ lại, từ tháng 9-2003 đến tháng 3-2006, ông cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành các khảo sát về cơ cấu làng xã ở Đường Lâm, về các công trình cộng đồng, dân cư cần thiết cho việc bảo tồn. Trong quá trình đó, phải kể đến sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ phía Cục Di sản văn hóa cũng như chính quyền địa phương. Kết quả là tháng 11-2005, Đường Lâm đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và vào năm 2006, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã được thành lập.
Từ tháng 8-2006, với sự tài trợ của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), cùng với Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, các hội thảo về phục hồi bảo tồn và xúc tiến du lịch đã được tổ chức. Việc tu sửa, bảo tồn dựa trên kinh phí của Chính phủ Việt Nam và sự tham gia hướng dẫn về kỹ thuật của các chuyên gia do Tổng cục Văn hóa Nhật Bản tiến cử. Cùng lúc đó, JICA đã phái các nhóm tình nguyện viên trẻ sang Việt Nam và hợp tác tổ chức các hội thảo về công tác tu bổ và xúc tiến du lịch. Một trong số những hội thảo về xúc tiến du lịch tại Đường Lâm đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nhật Bản.
Đặc biệt, trong 3 năm (2011 - 2014), Đường Lâm được lựa chọn là một trong các dự án hợp tác kỹ thuật Kusanone của JICA, theo đó, các hoạt động xúc tiến du lịch làng cổ được tiếp tục tiến hành. Cụ thể là cải tạo môi trường cảnh quan làng xã, thiết kế lộ trình tham quan, nâng cao chất lượng và dịch vụ ăn uống, tăng cường sức hấp dẫn của sản vật địa phương... “Vào tháng 2-2014, dự án bảo tồn, phục chế nhà ở truyền thống tại Đường Lâm đã được nhận Giải thưởng bảo tồn di sản văn hóa của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, Giáo sư Tomoda không giấu được niềm vui, niềm tự hào khi nhớ lại.
3. Giờ đây, sinh viên của nhiều trường đại học ở Hà Nội vẫn nhắc về Giáo sư Tomoda, một người say mê bảo tồn di sản, luôn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia chương trình nghiên cứu làng cổ Đường Lâm để giúp thế hệ trẻ Việt Nam hiểu hơn về làng cổ và công tác bảo tồn. Nhiều người dân Đường Lâm vẫn nhớ, vào năm 2019, Giáo sư đã mời 5 phụ nữ ở làng cổ Đường Lâm tới tham quan một số địa điểm truyền thống tại Kyoto, Nara, Tokyo - những nơi có nhiều phụ nữ Nhật Bản tham gia công tác bảo tồn và xúc tiến du lịch - để nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản làng cổ.
Giáo sư Tomoda dự kiến trở lại Đường Lâm vào cuối tháng 3-2020 để tham gia một cuộc trao đổi với chính quyền và người dân về việc tiếp tục các dự án bảo tồn làng cổ.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch nói trên phải hủy bỏ. Tuy chưa thể trở lại Việt Nam, nhưng từ Nhật Bản ông vẫn chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện bảo tồn di sản. Giáo sư tha thiết nhắn nhủ: “Giá trị của Đường Lâm vẫn còn rất lớn. Để tiếp tục giữ gìn giá trị di sản còn lại của không gian làng xã độc đáo này, việc khơi dậy trong các thế hệ trẻ niềm tự hào về nguồn gốc, truyền thống quê hương là điều đặc biệt quan trọng. Đường Lâm có thể tham khảo mô hình Mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản để tạo ra những sản phẩm riêng, thu hút khách du lịch mạnh mẽ hơn”.
Bình luận của bạn