Kiến trúc miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1986: Dấu ấn lịch sử đến di sản

Thứ 3, 10/12/2024, 07:44 (GMT+7)

Chia sẻ

Tóm tắt

Các tác phẩm kiến trúc là sự thể hiện những tư tưởng và cảm xúc của người sáng tạo (các KTS), được biểu đạt thông qua ngôn ngữ kiến trúc trong thực tiễn. Do chịu ảnh hưởng từ các điều kiện khác biệt giữa các dân tộc và giai đoạn lịch sử, các biểu hiện nghệ thuật và tác phẩm kiến trúc của mỗi dân tộc và mỗi thời kỳ cũng có sự khác nhau. Điều này lý giải cho sự khác biệt trong cách biểu đạt cảm xúc và tác phẩm kiến trúc tại các quốc gia khác nhau (khác biệt về không gian) hoặc giữa các giai đoạn lịch sử khác nhau trong cùng một quốc gia (khác biệt về thời gian), dù có thể chúng cùng phục vụ một chức năng (như nhà ở, công trình công cộng…) hay sử dụng cùng một loại vật liệu xây dựng (gỗ, gạch, đá…). Sự hấp dẫn và phong phú của một đô thị hay khu vực cư trú – dưới góc độ kiến trúc – đến từ sự “chồng chất” của những lớp cảm xúc và tác phẩm kiến trúc thuộc nhiều thời kỳ (trong cùng một nền văn hóa) hoặc từ nhiều phong cách khác nhau (thuộc các nền văn hóa khác nhau). Điều này thường là kết quả của một đô thị/khu vực có bề dày lịch sử đáng kể hoặc trải qua sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ. Khi bóc tách những lớp cảm xúc đó, người ta có thể tìm thấy những dấu vết đặc trưng còn sót lại của một thời kỳ hay một giai đoạn văn hóa. Từ đó, ta có thể dựng lại câu chuyện lịch sử hình thành nên một đô thị, với những biến cố và thăng trầm ẩn chứa sau mỗi con phố, mỗi công trình.

Kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc miền Bắc Việt Nam (MBVN) giai đoạn 1954 – 1986 là một giai đoạn rất đặc biệt, đánh dấu sự phát triển trong bối cảnh chính trị – xã hội độc đáo, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi tiếp biến lịch sử kiến trúc Việt Nam với những giá trị nghệ thuật đặc trưng. Các công trình kiến trúc được xây dựng tại MBVN trong giai đoạn này là những tài sản kiến trúc rất có giá trị, nhiều công trình vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng và thẩm mỹ trong bối cảnh đô thị cho đến ngày nay. Có thể khẳng định rằng: Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986 đã đặt nền móng cho kiến trúc hiện đại Việt Nam (KTHĐVN), tạo ra nhiều ảnh hưởng đến kiến trúc Việt Nam đương đại. Nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, việc bảo tồn và gìn giữ kiến trúc giai đoạn này là điều đáng trân trọng. Nó không chỉ lưu giữ ký ức về một thời kỳ quan trọng mà còn tôn vinh những đóng góp của thế hệ KTS Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để sáng tạo nên các công trình mang giá trị lớn lao cho đất nước.

Bối cảnh lịch sử và ngành Kiến trúc – Xây dựng giai đoạn 1954 – 1986

Chiến tranh và hòa bình:

Giai đoạn 1954 – 1975: Giai đoạn này được bao trùm bởi cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Trong mười năm đầu, miền Bắc tập trung khắc phục hậu quả của thời kỳ thuộc địa do thực dân Pháp để lại, đồng thời đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng XHCN. Mười năm tiếp theo, miền Bắc vừa xây dựng vừa chiến đấu, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại, đồng thời dồn sức cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam. Đây cũng là thời kỳ miền Bắc bước vào quá trình phát triển và xây dựng theo các kế hoạch 5 năm. Giai đoạn này đánh dấu khởi đầu cho một nền kiến trúc mới, được gọi là kiến trúc xã hội chủ nghĩa (XHCN).

  •  Tạo dựng đô thị và khởi đầu nền kiến trúc mới: Một trong những nhiệm vụ cấp bách là cải tạo và xây dựng đô thị, xây dựng các nhà máy và cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất công nông nghiệp và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Ngành kiến trúc đã được Đảng đề ra chủ trương là quy hoạch đô thị và xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng phục vụ công nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
  • Xây dựng các công trình và dân dụng: Các công trình trụ sở, trường học, công trình văn hóa, khách sạn bắt đầu được xây dựng mới. Các công trình mới này tạm thời đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống mới, góp phần chỉnh trang làm đẹp thêm cảnh quan các đô thị.
  • Xây dựng và phát triển các khu nhà ở

Phiên bản 1 – Nhà thấp tầng xây bằng gạch: Thời kỳ đầu là kiến trúc nhà ở cho công nhân, xây bằng gạch kiểu 1-2 tầng với điều kiện tối thiểu. Nhiều nhà mới có chung một khu phụ, có khi cả một khu nhà mới có chung nhau một bể nước, một khu vệ sinh. Tuy đơn giản, nhưng bước đầu ý thức về một khu nhà ở tập trung có tổ chức.

Phiên bản 2 – Mẫu nhà ở lắp ghép: Hà Nội thực hiện mẫu nhà lắp ghép tấm lớn đầu tiên, với mẫu thiết kế theo kiểu hành lang bên, các căn hộ 2 phòng 24m2 và 28m2 có khu phụ khép kín. Kiểu nhà này được TP triển khai hàng loạt tại Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ, Thành Công… [8], [9], [12].
 

Học viện Thủy Lợi
Học viện Thủy Lợi [8]
 
Các loại hình kiến trúc khác: Kiến trúc Hà Nội giai đoạn này ghi nhận sự phát triển các công trình kiến trúc công nghiệp. Cụm công nghiệp Cao Xà Lá, Xí nghiệp Dược phẩm, Phích nước Rạng Đông, Dệt 8 tháng 3, In Tiến Bộ…phần lớn nhờ sự giúp đỡ của các nước XHCN. Sau năm 1965, các cụm công nghiệp nhanh chóng được xây dựng ở Thượng Đình, Nhà máy chế tạo công cụ, Dệt len mùa đông, Cơ khí chính xác, Dệt 10 tháng 10, Bánh kẹo, Bia rượu. [8], [9], [12]

Giai đoạn 1975 – 1986: Là giai đoạn hòa bình, kết thúc triến tranh, đất nước thống nhất, cũng là giai đoạn đất nước gặp vô vàn khó khăn. Hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, thiệt hại cả về cơ sở vật chất, khó khăn cả về các mối quan hệ quốc tế.

Xây dựng các công trình công cộng (CTCC): Sau năm 1975, đất nước đã thống nhất, kiến trúc hai miền về một mái nhà. Ngành kiến trúc xây dựng đã có sự giao thoa, học hỏi kinh nghiệm giữa các miền. Kiến trúc trường học, y tế, văn hóa thể thao góp phần xây dựng xã hội, xây dựng con người. Các công trình bệnh viện như bệnh viện tuyến huyện và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đã được xây dựng tại nhiều địa phương. Các công trình văn hóa được xây dựng làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo dựng quỹ kiến trúc cho các đô thị.

Trong bối cảnh khó khăn sau thống nhất, các KTS trẻ tuổi cả nước, trong đó có nhiều KTS trẻ miền Bắc đã tham dự các cuộc thi kiến trúc quốc tế và nhiều đồ án đã đạt những giải thưởng cao,

Xây dựng nhà ở: Mô hình các khu tập thể (KTT) thời kỳ trước đã được hoàn chỉnh và phát triển thêm tại với các dịch vụ công cộng tạo nên chuyển biến lớn cho môi trường nhà ở. Cấu trúc căn hộ đã có những thay đổi căn bản so với thời kỳ trước, các căn hộ thiết kế khép kín và đa dạng, phổ biến là dạng căn hộ 24 – 28m2. Hình thức kiến trúc khá đơn giản, theo quy tắc hình thức đi sau công năng của kiến trúc hiện đại.

Các loại hình kiến trúc khác: Xây dựng nông thôn và công nghiệp: Xây dựng nông thôn triển khai cùng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tại miền Bắc, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, phục vụ văn hóa và đời sống nhân dân. Xây dựng những công trình công nghiệp then chốt như: Nhà máy thủy điện nhà máy, các khu công ngiệp và các nhà máy lớn.

Các công trình phục vụ giao thông: Nhà ga xe lửa, cảng sông, cảng biển, cảng hang không, cầu, hầm và các nút giao thông lớn có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh đô thị. [8], [9], [12]

 

 Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc [8]
Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc [8]
 
 Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh
Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh [3]
 

Nhà khách Chính phủ
Nhà khách Chính phủ [3]
 

Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội
Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội [3]
 

Khu nhà ở Ngoại giao đoàn
Khu nhà ở Ngoại giao đoàn [3]
 

Cung Văn hóa Lao động Việt Xô
Cung Văn hóa Lao động Việt Xô [3]
 

Khu tập thể Giảng Võ 1976-1982
Khu tập thể Giảng Võ 1976-1982 [3]
 

Khu tập thể Thanh Xuân-KTS Ngô Quang Sơn 1980-1987
Khu tập thể Thanh Xuân-KTS Ngô Quang Sơn 1980-1987 [3]
 

Đại học Bách Khoa
Đại học Bách Khoa [3]
 

KS Thắng Lợi
KS Thắng Lợi [3]
 

Các yếu tố tác động đến kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986

Tư tưởng xã hội được xây đựng dựa trên nền tảng XHCN

Một trong những yếu tố then chốt quyết định đến xã hội MBVN giai đoạn 1954 – 1986 (và cả nước Việt Nam sau năm 1975) là hệ tư tưởng XHCN. Xã hội được phân chia theo các tầng bậc quản lý với nhiệm vụ là để thực thi các nghị quyết, các nhiệm vụ xã hội của Đảng và Chính phủ đề ra.

Nền kiến trúc XHCN cần đáp ứng với đại bộ phận văn hóa quần chúng, nhiệm vụ của nền kiến trúc XHCN là giải quyết bài toán hiện thực mà xã hội đặt ra, đáp ứng nhu cầu nhà ở, tạo cơ sở vật chất để dáp ứng nhu cầu về trật tự xã hội mới. Công nghiệp hóa xây dựng hiện đại dần dần hình thành, đã tạo dựng nền tảng cho một phong cách kiến trúc XHCN. [3], [13]

Cơ chế bao cấp, nền kinh tế phát triển theo kế hoạch.

Đặc điểm nổi bật và xuyên suốt nhất của xã hội MBVN giai đoạn 1954 – 1986 là cơ chế quản lý bao cấp, nền kinh tế phát triển theo kế hoạch. Đại hội Đảng xác định các nhiệm vụ ưu tiên của nền kinh tế và phác thảo ra các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của một thời kỳ dài thường là 5 năm và định hướng dài 10 năm, đó là cơ sở để kế hoạch hóa. Các kế hoạch 5 năm là cơ sở căn bản để đưa ra quyết định và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa.

Cơ chế bao cấp cũng chi phối đến hệ thống đào tạo chuyên ngành kiến trúc và xây dựng. Việc tuyển sinh cho đến phân công công tác khi ra trường đều do Nhà nước quyết định để đảm bảo số lượng cán bộ chuyên ngành cho các cơ quan, các bộ và các cơ quan khác có liên quan, đặc biệt là đảm bảo cung cấp cán bộ cho các tỉnh, vùng miền xa xôi còn nhiều khó khăn. [3], [13]

 

Khát vọng công nghiệp hóa (CNH) trong xây dựng

MBVN xây dựng CNXH trong bối cảnh kinh tế yếu kém, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác kiệt quệ, con người Việt Nam bị bóc lột sức lao động nặng nề. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu khôi phục kinh tế, xây dựng xã hội XHCN. Nhiệm vụ đặt ra là chú trọng phát triển công nghiệp bên cạnh nông nghiệp, dần dần đạt mục tiêu trở thành đất nước công nghiệp. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu nhanh chóng xây dựng các công trình nhà ở, công trình công nghiệp và học tập mô hình từ các nước XHCN, ngành xây dựng đã đặt ra khát vọng thay đổi và phát triển công nghệ xây dựng theo hướng công nghiệp hóa.[3], [13]

 

Ảnh hưởng từ kiến trúc Liên Xô và các nước XHCN

Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986 chịu ảnh hưởng rõ rệt từ kiến trúc các nước XHCN, đặc biệt là từ kiến trúc của Liên Xô. Sự ảnh hưởng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó mối quan hệ đồng minh Việt Nam – Liên Xô xuyên suốt giai đoạn 1954-1986. Sự ảnh hưởng của kiến trúc Liên Xô với kiến trúc Việt Nam thông qua các con đường:

  • Đào tạo: Liên Xô và các nước XHCN đã cung cấp các cơ hội giáo dục cho các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam;
    Viện trợ đầu tư xây dựng: Ảnh hưởng của kiến trúc Xô Viết đến kiến trúc Việt Nam đã được chuyển qua những công trình mà Liên Xô viện trợ về nguồn vốn và chuyên gia thiết kế;
  • Hợp tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng kiến trúc: Sự ảnh hưởng của kiến trúc Liên Xô đến kiến trúc MBVN được diễn ra thông qua quá trình hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như quy hoạch, hệ thống khoa học kỹ thuật phục vụ công tác thiết kế và xây dựng chủ yếu tham khảo và áp dụng từ tài liệu Liên Xô;
  • Thông tin tuyên truyền: Tuyên truyền là một kênh ảnh hưởng thường xuyên nhất. Những thông tin về Liên Xô đã âm thầm xâm nhập vào cuộc sống, tâm hồn của người Việt Nam tạo nên sự ảnh hưởng rộng rãi và sâu bền trong một thời gian dài. [3], [13]

Nhận diện các đặc điểm cơ bản

Kiến trúc hiện đại XHCN cũng cùng chung quan điểm với kiến trúc Hiện đại, tuy nhiên về bản chất kiến trúc XHCN có sự khác biệt do hệ tư tưởng, cơ chế kinh tế bao cấp và nền kinh tế kế hoạch hóa. Kiến trúc hiện đại XHCN là nền kiến trúc phi lợi nhuận, hướng phục vụ đến người dân lao động và mang tính bình đẳng, dân chủ cho người sử dụng. Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986 là kiến trúc của một giai đoạn đầy biến động và bất trắc, để lại nhiều dấu ấn của sự khéo léo, nỗ lực và trưởng thành. [8], [9], [12]

Đặc điểm chung

Ưu điểm

  • Phong cách kiến trúc giản dị và chân thực, phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa truyền thống dân tộc, là những viên gạch xây dựng nền móng cho sự phát triển Kiến trúc Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo;
  • Có tính dân tộc: Thông qua nghiên cứu về khí hậu nhiệt đới, chi tiết kiến trúc truyền thống, những hình thức biểu hiện quen thuộc trong kiến trúc truyền thống;
  • Có tính đại chúng: Đề cao tính phổ cập, tính nhân văn của cuộc sống XHCN;
  • Có tính bình đẳng xã hội: Coi trọng tính dân chủ, bình đẳng, bình quân xã hội;
  • Có tính phi lợi nhuận: Đặt mục đích phục vụ dân sinh lên hàng đầu mà xem nhẹ yếu tố kinh doanh;
  • Có tính điển hình: Các công trình thời kỳ này được nghiên cứu điển hình hóa để xây dựng đại trà;
  • Có tính đơn chức năng: Đa phần các CTCC thường là đơn chức năng do đặc điểm kinh tế bao cấp. Do sự phân chia rõ ràng về chức năng và địa bàn, bán kính và quy mô phục vụ nên các công trình thường là đơn năng về một nội dung cụ thể. Trái hẳn với các công trình kiến trúc ở các nước tư bản đặt yếu tố thị trường lên hàng đầu nên các công trình thường là một tổ hợp đa chức năng có tính phục vụ và cạnh tranh cao;
  • Đề cao tính thích dụng, hình thức phản ánh trung thực chức năng bên trong. Đây là một trong những nguyên tắc của phong cách kiến trúc hiện đại thế giới;
  • Vật liệu tuy hạn chế, nhưng kỹ thuật xây dựng và thi công đã có bước tiến bộ, là cơ sở cho một nền kiến trúc mới, tiến tới CNH trong xây dựng.

Những hạn chế:

  • Kiến trúc không bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của xã hội do điều kiện vật chất và khả năng kỹ thuật còn hạn chế;
  • Sơ lược trong thiết kế, hình thức cũng như chức năng các công trình còn nghèo nàn đơn điệu. Các công trình thiết kế trùng lặp, dễ dãi, ít đa dạng trong sáng tạo một phần do kinh phí đầu tư hạn chế và vật liệu nghèo nàn;
  • Chưa tận dụng hết khả năng vật chất và kỹ thuật thực tế mà vội vàng lao theo xu hướng của các nước có nền công nghiệp hiện đại;
  • Non kém về tính đa dạng, tính hiện đại, ít giải pháp hấp dẫn trong thiết kế mặt bằng, mặt đứng;
  • Không phong phú về thể loại, hình thức đơn giản, vật liệu sử dụng thông thường;
  • Kỹ thuật xây dựng còn hạn chế: Kỹ thuật xây dựng và phương pháp thi công giai đoạn này còn yếu nên các công trình thường thấp tầng, có khẩu độ chịu lực nhỏ nên hạn chế khả năng sáng tạo của các KTS. [8], [9], [12]

Đặc điểm về tổ chức không gian

  • Bố cục các công trình thường đối xứng, thể hiện sự nghiêm túc và kỷ luật.
  • Bố cục kiến trúc ngay ngắn có nhịp điệu. Hình thức đơn giản, hiện đại, phù hợp cấu trúc kết cấu. Tuy vậy, hơi nhàm chán đơn điệu, đây cũng là nhược điểm chung của trào lưu “Kiến trúc Hiện đại” trên thế giới và các nước XHCN mà kiến trúc Việt Nam giai đoạn này bị ảnh hưởng.
  • Không gian có khẩu độ hẹp, điều này là do khả năng hạn chế của vật liệu và công nghệ xây dựng.
  • Các công trình chưa đa dạng và hiện đại, giải pháp thiết kế mặt bằng và mặt đứng còn sơ lược nguyên nhân là do những khó khăn hạn chế về kinh phí và môi trường vật liệu.

Đặc điểm về hình thức kiến trúc

Ưu điểm

  • Hình thức ngay ngắn, chủ yếu sử dụng thủ pháp phân vị ngang và thẳng, nhiều tìm tòi trong bố cục hình khối và tương quan tỷ lệ, chủ yếu sử dụng các mảng tường phẳng không trang trí gần với phong cách kiến trúc công năng trên thế giới, tuân thủ nguyên tắc
  • hình thức đi sau công năng;
  • Biểu hiện tính kỷ luật, trang nghiêm. Quy tắc thiết kế này đem lại dáng vẻ trật tự, hiện đại và nhất là đảm bảo nguyên tắc bình quân, bình đẳng không nổi trội;
  • Đề cao các tấm tường phẳng, các góc vuông trong ngôn ngữ tạo hình: Sử dụng BTCT trở thành vật liệu chủ yếu trong xây dựng;
  • Hình thức trong sáng, trung thực, có sự thống nhất cao giữa công năng sử dụng với hình thức kiến trúc bên ngoài;
  • Hình thức kiến trúc biểu hiện tính dân chủ, tính giai cấp, đề cao tính giai cấp (mục đích của xã hội XHCN) nên phần nào nó cũng hơi theo xung hướng “biểu hiện” trong kiến trúc. Điều này cũng cho thấy tính áp chế về tư tưởng trong sáng tạo nghệ thuật

Những hạn chế

  • Hình thức buồn tẻ và thiếu sức sống. Điều này bắt nguồn từ sự đơn giản hóa từ chi tiết đến màu sắc công trình (sử dụng tông màu thiên về màu xám) đem lại;
  • Hình thức bên ngoài không được coi trọng đúng mức, rẻ tiền và giản lược nhất có thể. Điều này xuất phát từ phương châm thiết kế giai đoạn này là “Thích dụng, bền vững, tiết kiệm, đẹp trong điều kiện có thể”. [8], [9], [12]

Đặc điểm vật liệu xây dựng

  • Chưa tận dụng khai thác được sự phong phú của vật liệu truyền thống địa phương;
  • Vật liệu trang trí còn đơn giản, nghèo chất liệu do điều kiện kinh tế khó khăn làm hạn chế khả năng sáng tạo. [8], [9], [12]

Ảnh hưởng từ các nền kiến trúc nước ngoài và xu thế khai thác các yếu tố dân tộc

  • Ảnh hưởng kiến trúc Trung Quốc: Một số KTS được cử đi học ở Trung Quốc khi tốt nghiệp về nước vừa tham gia hành nghề, vừa tham gia các công tác đào tạo nghề nghiệp tại các trường ĐH ở MBVN;
  • Ảnh hưởng kiến trúc Liên Xô và các nước XHCN: Như phần trên đã trình bày về sự ảnh hưởng của kiến trúc Liên Xô và các nước XHCN đến kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986;
  • Xu thế khai thác các yếu tố dân tộc: Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã nêu cho các KTS nhiệm vụ là “Phát triển nghệ thuật kiến trúc XHCN có tính hiện đại và tính dân tộc” cùng với phương châm truyền thống đã được xác định từ thời kỳ trước là “ thích dụng, bền vững, kinh tế và mỹ quan . Trong đó xác định kiến trúc là nghệ thuật XHCN với tính chất phải hiện đại và đồng thời mang tính dân tộc”.

Giá trị các công trình xây dựng giai đoạn 1954 – 1986 tại MBVN

Giai đoạn 1954-1986 là một giai đoạn đầy biến động với kiến trúc tại MBVN, để lại nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhiều nỗ lực ý tưởng sáng tạo. Những công trình giai đoạn này không chỉ đáp ứng những nhu cầu cuộc sống của người dân miền Bắc, mà còn tạo dựng nên hình hài quy hoạch và cảnh quan kiến trúc hiện đại. Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều công trình vẫn giữ được giá trị và góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc hiện đại cho MBVN nói chung và với Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Giá trị về nghệ thuật kiến trúc

Phong cách kiến trúc tiêu biểu, có tính đại diện;

  • Tiêu biểu cho trào lưu kiến trúc XHCN tại Việt Nam;
  • Tiêu biểu cho tính CNH;
  • Các công trình công cộng mang tính đại chúng;
  • Các khu tập thể là công trình nhà ở tiêu biểu dành cho nhân dân lao động;
  • Tiêu biểu cho cơ chế bao cấp, nền kinh tế phát triển theo kế hoạch.

Không gian cảnh quan hài hòa với xung quanh / khu vực

  • Tạo nên diện mạo cho các TP hiện đại;
  • Là sự tiếp nối công cuộc phát triển quy hoạch đô thị các TP MBVN từ thời kỳ Pháp thuộc;
  • Được định hướng theo quy hoạch cụ thể.

Độc đáo trong nghệ thuật tổ chức không gian

  • Ý tưởng sáng tạo mới, sắp xếp không gian theo trào lưu hiện đại và phù hợp khí hậu.;
  • Tạo điểm nhấn không gian: Sử dụng các yếu tố gây ấn tượng như bố cục quy hoạch hay hình thức kiến trúc lớn để tạo điểm nhấn trong không gian quy hoạch.

Có ý nghĩa biểu tượng cao

  •  Biểu tượng về sự độc lập, quyền tự chủ và ý chí của nhân dân Việt Nam trong việc đấu tranh và giành độc lập;
    Biểu tượng về sự quật cường và lòng kiên trì của nhân dân Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước rất khó khăn;- Biểu tượng về tinh thần đoàn kết dân tộc và đồng lòng của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng quê hương;
    Biểu tượng về sự phát triển và tiến bộ của đất nước.

Kiến trúc có định hướng

  • Định hướng trong xây dựng: Chủ yếu các công trình cơ sở hạ tầng, nhà máy, khu công nghiệp và cơ sở sản xuất;
  • Định hướng phục vụ nhân dân: Đáp ứng các nhu cầu cơ bản của nhân dân, bao gồm nhà ở, tiện ích công cộng, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa và giải trí;
  • Định hướng văn hóa và nhân văn: Nhấn mạnh vào giá trị văn hóa và nhân văn, phản ánh và thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam;
  • Định hướng hiện đại hóa: Áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, sử dụng vật liệu mới và thiết kế theo xu hướng hiện đại.

Khai thác các giá trị truyền thống / văn hóa bản địa.

  • Thiết kế và sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng phù hợp với điều kiện khí hậu của MBVN;
  • Phản ánh bản sắc văn hóa và kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Sử dụng các yếu tố như màu sắc, họa tiết, kiến trúc cổ truyền và các kinh nghiệm trong kiến trúc truyền thống;
  • Sử dụng nguyên liệu địa phương và thân thiện môi trường, tạo ra các công trình kiến trúc bền vững và thân thiện với môi trường.

Giá trị về mặt sử dụng

  •  Thiết kế dựa trên nhu cầu sử dụng của người dân và xã hội.
  • Tối ưu hóa không gian và chức năng để có thể sử dụng hiệu quả và đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng nhưng tiết kiệm.
  • Linh hoạt và thích ứng với các yêu cầu sử dụng thay đổi theo thời gian với các yêu cầu sử dụng khác nhau.
  • Các thiết kế được dựa trên điều kiện kinh tế, vật liệu có sẵn và các yếu tố khác.
  • Là những công trình phi lợi nhuận, cung cấp dịch vụ công cộng và chỗ ở “miễn phí” cho người dân và vẫn còn giá trị sử dụng cho đến ngày nay.
  • Áp dụng nguyên tắc thiết kế linh hoạt và phù hợp với yêu cầu của từng địa phương, từng vùng đặc thù.
    Phân cấp theo tiêu chuẩn trong các quy định của Nhà nước.


Giá trị lịch sử

  • Đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ kiến trúc thuộc địa, mở ra thời kỳ phát triển của một nền kiến trúc mới.
  • Mở ra một giai đoạn phát triển mới của kiến trúc của MB nói riêng và Việt Nam nói chung, giai đoạn của kiến trúc Hiện đại
  • Đánh dấu mục tiêu Hiện đại hóa và công nghiệp hóa trong thiết kế và xây dựng.
  • Là minh chứng cho sự cố gắng, vươn lên không ngừng của nền kiến trúc Việt Nam trong những điều kiện rất khó khăn của lịch sử.
  • Tạo ra các tác phẩm kiến trúc rất đáng trân trọng trong điều kiện khắc nghiệt;
  • Tạo nên một thế hệ KTS đương đại tài năng được đào tạo bài bản tại các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài nước;
  • Để lại nhiều công trình nghiên cứu khoa học, những sách báo, tài liệu nghiên cứu, hệ thống quản lý, quy chuẩn quy phạm;
  • Xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.
  • Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986 là minh chứng cho những nỗ lực trên phương diện đổi mới tư duy sáng tạo trong kiến trúc
  • Đổi mới trong cách nhìn nhận, đánh giá nghệ thuật kiến trúc;
  • Đổi mới trong ứng dụng vật liệu và công nghệ mới;
  • Đổi mới trong sáng tạo kiến trúc, hướng tới một nền kiến trúc VN hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc;
  • Đổi mới trong tư duy thiết kế các khu nhà ở, các KTT có thể coi là những viên ngọc quý trên chặng đường XHCN đối với sự phát triển của Việt Nam.

Giá trị văn hóa – xã hội

  • Kiến trúc thể hiện tính nhân văn.
  • Xây dựng các công trình nhân văn, đáp ứng nhu cầu cơ bản của quảng đại nhân dân;
  • Ưu tiên lợi ích cộng đồng, chú trọng đến nhà ở và cơ sở hạ tầng dân sinh, chăm sóc và đảm bảo quyền lợi của quảng đại nhân dân;
  • Mang lại sự gắn kết cộng đồng thông qua các không gian công cộng và công trình mang tính thống nhất và đoàn kết.


• Tạo dựng một chế độ mới tốt đẹp, mọi người dân đều được chăm lo một cách bình đẳng.

  • Chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng giúp đảm bảo mọi người dân cùng nhau tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích cơ bản;
  • Chăm lo cho lợi ích cộng đồng, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt đẹp hơn;
  • Thể hiện tính bình đẳng: Mọi người có cơ hội tham gia vào các tiện ích cộng đồng và nhận được cùng mức độ chăm sóc và quan tâm từ Nhà nước;
  • Thể hiện tính công bằng: Công bằng trong quy hoạch đô thị tạo ra không gian sống và làm việc đồng nhất, đáp ứng nhu cầu nhà ở và tiện ích cơ bản của mọi người dân, không phân biệt địa vị xã hội hay thu nhập.
  • Đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về an sinh, xã hội, chăm sóc và phát triển con người
  • Xây dựng các công trình công cộng để phục vụ cộng đồng như: Các bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa, sân vận động, công viên và các cơ sở giải trí.

Giá trị kỹ thuật – vật liệu

Kiến trúc MBVN có giá trị về mặt sáng tạo trong việc sử dụng vật liệu xây dựng có sẵn nhằm đối phó với những khó khăn và hạn chế về kinh tế.

  • Tận dụng và khai thác vật liệu địa phương một cách hiệu quả. Thay cho việc sử dụng các vật liệu nhập khẩu khẩu từ nước ngoài rất tốn kém;
  • Tận dụng các vật liệu phế thải từ các công trình phá bỏ, tiết kiệm chi phí xây dựng

Kiến trúc MBVN có giá trị về áp dụng kỹ thuật xây dựng truyền thống

  • Sử dụng các vật liệu truyền thống: Như gạch, đá, gỗ, tre, rơm, và đất để xây dựng các công trình;Áp dụng các kỹ thuật xây dựng truyền thống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và mang lại tính chất ổn định, bền vững với kinh phí tiết kiệm cho các công trình.
  • Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986 đánh dấu sự nỗ lực trong việc bảo tồn và khai thác các nguyên liệu và kỹ thuật xây dựng địa phương.

Bảo tồn vật liệu truyền thống tạo nên sự liên kết với truyền thống văn hóa và xây dựng của Việt Nam, đảm bảo tính thẩm mỹ và thích ứng điều kiện khí hậu địa phương;

Bảo tồn kỹ thuật xây dựng truyền thống khai thác và phát triển các kỹ thuật xây dựng truyền thống của dân tộc Việt Nam;
Tiếp nhận kiến thức và kinh nghiệm xây dựng truyền thống để không bị mai một và được phát triển trong cộng đồng.
Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986 nghiên cứu áp dụng kỹ thuật xây dựng mới

  • Ứng dụng bê tông cốt thép trong xây dựng đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc lớn và cao tầng;
  • Áp dụng kỹ thuật xây dựng tiên tiến từ nước ngoài như hệ thống mô đun hóa (MĐH), tiêu chuẩn hóa (TCH), điển hình hóa (ĐHH) trong xây dựng, đồng thời áp dụng kỹ thuật xây dựng lắp ghép các pa-nen bê tông với thiết bị và công nghệ xây dựng mới.

Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986 sử dụng vật liệu hiện đại

  • Sử dụng bê tông cốt thép là vật liệu xây dựng trong kiến trúc MBVN;
  • Kính và thép được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc MBVN, thường được sử dụng cho các công trình do nước ngoài viện trợ xây dựng.

Giá trị khoa học – công nghệ

  • Xây dựng phong cách kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa hiện đại và dân tộc
  • Kết hợp các yếu tố hiện đại phương Tây như hình thức đơn giản, không trang trí, sử dụng các đường thẳng, mảng phẳng, các góc vuông và sử dụng các vật liệu hiện đại như kính, thép, và bê tông cốt thép;
  • Kết hợp yếu tố dân tộc, các yếu tố kiến trúc truyền thống và văn hóa của dân tộc trong thiết kế, các yếu tố trang trí, các hoa văn, họa tiết dân gian, hình thức mái cong, thức cột.

Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam phù hợp khí hậu và thích ứng với môi trường địa phương.

  • Sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng phù hợp với khí hậu và điều kiện địa phương;
  • Thiết kế tối ưu hóa thông gió và ánh sáng tự nhiên trong các công trình, tận dụng sự luân chuyển không khí tự nhiên và ánh sáng mặt trời, tạo ra một môi trường sống thóang đãng, có khả năng giữ nhiệt về mùa đông và thóang mát về mùa hè, thích hợp với khí hậu nóng ẩm ở MBVN;
  • Khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên như việc sử dụng không gian sân vườn, không gian cây xanh và các không gian mở để tạo ra cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên.

Khám phá và khai thác văn hóa địa phương

  • Khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống, các kiến trúc dân gian như kết cấu gỗ, nhà cổ truyền, đình làng và kiến trúc tiêu biểu các dân tộc đã được nghiên cứu và lấy cảm hứng để tạo ra các công trình phù hợp với bối cảnh văn hóa địa phương;
  • Kết hợp yếu tố văn hóa trong thiết kế với các họa tiết trang trí truyền thống, màu sắc đặc trưng, hình ảnh và biểu tượng văn hóa đã được áp dụng;
  • Gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc giúp gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa địa phương;
  • Khai thác và kết hợp các văn hóa dân tộc đa dạng tạo nên sự đa dạng và độc đáo trong kiến trúc tại các vùng miền.

Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986: Dưới góc độ giá trị di sản

  • Kiến trúc MBVN nói chung và kiến trúc Hà Nội nói riêng mang sức hấp dẫn đặc biệt nhờ quỹ di sản đô thị đa dạng và có giá trị. Quỹ di sản đô thị thời kỳ phong kiến rất phong phú, bao gồm các kinh thành, hệ thống công trình tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nhà phố, đặc trưng bởi mạng lưới phố thị với những giá trị kiến trúc và văn hóa như lối sống, phương pháp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, và hệ thống buôn bán lẻ. Ngoài ra, di sản đô thị thời kỳ Pháp thuộc cũng rất đáng chú ý, với các phong cách kiến trúc Tân cổ điển, Địa phương Pháp, Tân Gothic, Art Nouveau, Art Decor; và đặc biệt là phong cách Đông Dương mang tính giao thoa hài hòa. Các TP như Hà Nội và Hải Phòng là những minh chứng điển hình cho sự ảnh hưởng kiến trúc này. Bên cạnh đó, quỹ các công trình kiến trúc kiểu XHCN giai đoạn 1954-1986 cũng góp phần tạo nên nét độc đáo cho cảnh quan kiến trúc đô thị miền Bắc.
  • Di sản đô thị là một hệ thống hữu cơ bao gồm các giá trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình xây dựng đô thị, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội. Khái niệm “phát triển tiếp nối” (development in continuation) đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây khi nhắc đến di sản đô thị. Theo khái niệm này, di sản đô thị được xem như những sản phẩm vật chất, xã hội và nhân văn, được hình thành qua nhiều thế hệ cư dân, tạo nên một thực thể liên kết chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại. Phát triển tiếp nối là dòng chảy tự nhiên, duy trì sự liên tục và mạch lạc trong quá trình phát triển đô thị.
  • Bảo tồn và phát triển tiếp nối các di sản đô thị miền (MBVN) là nhiệm vụ thiết yếu để giữ gìn và tôn vinh bề dày lịch sử cũng như giá trị văn hóa của các đô thị. Di sản đô thị không chỉ đơn thuần là những công trình kiến trúc hay cảnh quan vật chất, mà còn là những di sản văn hóa sống động, gắn liền với lối sống cộng đồng, thể hiện sự tương tác sâu sắc giữa con người và môi trường sống. Từ góc nhìn này, việc bảo tồn và gìn giữ các công trình tiêu biểu từ giai đoạn 1954 – 1986 tại MBVN là vô cùng quan trọng, bởi chúng phản ánh một thời kỳ đặc thù với những điều kiện xã hội và lối sống bao cấp. Những công trình này không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là biểu tượng của một thời đại, cần được bảo vệ và công nhận như những di sản kiến trúc khác tại Việt Nam. Việc công nhận các công trình kiến trúc tiêu biểu từ giai đoạn 1954 – 1986 như những di sản văn hóa là sự thể hiện sự công bằng, bình đẳng và tôn trọng giá trị lịch sử của mọi thời kỳ.

Kết luận và kiến nghị

Kết luận

Giai đoạn 1954 – 1986 ở MBVN là một giai đoạn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của đất nước. Kiến trúc MBVN giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy vậy, nhiều công trình mới đã được xây dựng với sự lao động miệt mài, sáng tạo của đội ngũ KTS Việt Nam cũng như các KTS nước ngoài, để lại những giá trị, những dấu ấn lịch sử vô cùng to lớn, ghi dấu đậm nét trong đời sống người dân MBVN. Nhiều thử nghiệm, hình mẫu thiết kế tiên phong đã làm thay đổi cuộc sống của người dân, thay đổi bộ mặt đô thị các TP một cách rõ rệt. Đó là các khu tập thể, một mô hình nhà ở hoàn toàn mới, lần đầu xuất hiện tại MBVN.

Các công trình kiến trúc được xây dựng tại MBVN giai đoạn 1954 – 1986 đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, Các công trình đã có vai trò tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Không những thế, trong thời bình, các công trình cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu về nhà ở và hưởng thụ văn hóa trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Các công trình kiến trúc MBVN giai đoạn này bị ảnh hưởng rõ rệt phong cách kiến trúc của Liên Xô và các nước XHCN, với kiểu hình thức đơn giản, sử dụng nhiều góc vuông và các tấm tường phẳng không trang trí, theo nguyên tắc hình thức đi sau công năng. Các công trình công cộng thường là đơn chức năng và có vị trí quan trọng trong quy hoạch các đô thị. Đặc biệt các khu nhà ở với cơ cấu hoàn chỉnh, khép kín có thể coi là biểu tượng kiến trúc của giai đoạn hình thành và phát triển phong cách kiến trúc XHCN ở MBVN.

Các công trình kiến trúc là minh chứng văn hóa của một giai đoạn phát triển xã hội nhất định. Giai đoạn 1954 – 1986 là thời kỳ phát triển có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử phát triển của Việt Nam nói chung và MBVN nói riêng, các công trình kiến trúc xây dựng trong thời kỳ này là quỹ công trình kiến trúc đánh dấu một giai đoạn phát triển, một mắt xích quan trọng của chuỗi tiếp biến trong lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam với đầy đủ những giá trị nghệ thuật đặc trưng. Các công trình kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986 hiện nay chưa được công nhận là di sản kiến trúc, bị dỡ bỏ nhiều để xây dựng các công trình mới, làm dần dần mất đi một quỹ di sản kiến trúc rất có giá trị, đánh dấu một thời kỳ đặc biệt. Nếu cứ để như hiện nay mà không có một cơ chế chính sách nào để bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc trong giai đoạn đặc biệt này thì có lẽ đến một lúc nào đó chúng ta sẽ không còn nhìn thấy một công trình kiến trúc tiêu biểu thời kỳ này nữa.

Những công trình kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986 cần được nghiên cứu bảo tồn để lưu giữ những ký ức về một giai đoạn đã góp phần tạo nên hồn nơi chốn của đô thị, phát huy giá trị di sản thông qua việc tái tạo lại cuộc sống thời kỳ bao cấp. Những giá trị tích cực của kiến trúc giai đoạn này rất cần được tiếp tục phát huy trong sự phát triển tiếp nối của kiến trúc Việt Nam đương đại. [1], [2], [5]
 Chợ hoa Bờ Hồ góc Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng xưa
Chợ hoa Bờ Hồ góc Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng xưa
 
Kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 – 1986 được nhận diện đặc điểm, đánh giá giá trị một cách bài bản và toàn diện nhằm xác định các đặc điểm và giá trị thực sự. Những nhìn nhận đánh giá khách quan các công trình kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn này nhằm để giúp bảo vệ, giữ gìn các công trình còn sót lại của thời kỳ này, tránh bị phá bỏ, dẫn tới sự biến mất, tạo sự đứt gãy trong lịch sử phát triển kiến trúc MBVN nói riêng cũng như kiến trúc Việt Nam nói chung.

Kiến nghị

Những công trình kiến trúc giai đoạn 1954 – 1986 ở MBVN nói riêng và ở Việt Nam nói chung vẫn chưa được coi là di sản kiến trúc do những quy định về luật pháp và luật di sản tại Việt Nam. Rất cần thiết các có cơ chế chính sách bảo tồn trước khi quá muộn.
Cần có kế hoạch khai thác, phát huy những giá trị của kiến trúc MBVN nói riêng và kiến trúc Việt Nam nói chung giai đoạn 1954 – 1986 trong kiến trúc Việt Nam đương đại.

Cần nhận diện những giá trị tích cực của kiến trúc MBVN giai đoạn 1954 -1986 để phát huy và làm mới trong kiến trúc Việt Nam đương đại.

TS.KTS Đặng Hoàng Vũ
Phó Trưởng Khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội
TS.KTS Nguyễn Đình Phong
Giảng viên khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên  Tạp chí Kiến trúc số 8-2024)

 
Tài liệu tham khảo
1. Dương Đức Tuấn (2007) – “Cải tạo và bảo tồn các khu chung cư cũ ở Hà Nội” – Luận án tiến sĩ. ĐH Kiến trúc Hà Nội;
2. Đào Ngọc Nghiêm (2012) – “Nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc là di sản giai đoạn 1954 – 1986 tại nội đô Hà Nội” – Báo cáo tổng kết;
3. Đặng Hoàng Vũ (2016) – “Ảnh hưởng của kiến trúc Xô Viết đối với kiến trúc nhà ở và công trình tại Hà Nội giai đoạn 1954 – 1986”. Luận án TS, ĐH Kiến trúc Hà Nội;
4. Đặng Hoàng Vũ (2015) – “Dấu ấn của phong cách kiến trúc Xô Viết trên các công trình nhà ở và công cộng tại Hà Nội giai đoạn 1954-1986” – Tạp chí Kiến trúc & Xây dựng, số tháng 3/2015;
5. Đặng Hoàng Vũ (2015) – “Khai thác và phát huy những giá trị tích cực của phong cách kiến trúc Xô Viết trong kiến trúc Việt Nam đương đại” – Tạp chí Xây dựng & Đô thị, số 39+40/2015;
6. Đặng Hoàng Vũ (2009) – “Nhìn lại chung cư Hà Nội sau năm 1975” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số tháng 5/2009;
7. Đặng Thái Hoàng (1992) – “Tính dân tộc trong kiến trúc và những chặng đường khó khăn của Kiến trúc Việt nam từ sau Cách mạng Tháng tám đến nay” – Tạp chí Kiến trúc Đời sống, số 6;
8. Hội KTS Việt Nam (2010) – “55 năm kiến trúc Hà Nội” – NXB Thời đại;
9. Hội KTS Việt Nam (2010) – “Nửa thế kỷ Kiến trúc Việt Nam” – NXB Thời đại;
10. Ngô Doãn Đức (1999) – “Các khuynh hướng kiến trúc trong các công trình văn hóa ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay” – Luận án tiến sĩ. ĐH Kiến trúc Hà Nội;
11. Ngô Huy Quỳnh (1991) – “Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam” – NXB Xây dựng;
12. Ngô Huy Quỳnh (1998) – “Lịch sử Kiến trúc Việt Nam” – NXB Văn hóa thông tin;
13. Sở Xây dựng Hà Nội (2021) – “Kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ” giai đoạn 2021-2025” – Báo cáo tổng kết;
14. William S. Logan. (2013). Russians on the Red River: “The Soviet Impact on Hanoi’s Townscape, 1955 90” – EUROPE-ASIA STUDIES, Vol. 47, No. 3, 1995, 443-468;
15. William S. Logan. (2010) – “Hà Nội tiểu sử một đô thị” – NXB Hà Nội.

Bình luận của bạn

Tin khác