Kiến trúc bát giác thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long

Thứ 3, 06/12/2022, 15:19 (GMT+7)

Chia sẻ

Các cuộc khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long từ năm 2002 đến nay đã làm phát lộ dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ nối tiếp nhau; từ giai đoạn Đại La, đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Riêng thời Lý đã xác lập một quần thể kiến trúc rất độc đáo, đa dạng và qui chuẩn. Đặc biệt là hệ thống dấu tích nền móng của kiến trúc bát giác phát lộ tại hố C4-C5 ở phía Nam khu C.

22a05015-10-1.jpg

Hình 1: Quần thể kiến trúc thời Lý – Trần với mô hình 3D cấu trúc bát giác theo dấu tích khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long
(Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội)

1. Mặt bằng kiến trúc
Dựa trên kết quả khai quật khảo cổ học, mặt bằng tổng thể tổ hợp kiến trúc bát giác có diện tích mặt nền 454m2, trong đó diện tích kiến trúc Bát giác là 324m2, nhà dẫn mặt Bắc là 130m2. Kiến trúc Bát giác được nhận diện qua dấu tích 17 móng cột, phân bố theo hình bát giác (hình 2-3). Góc tạo bởi các cạnh là 450 đối xứng và giao nhau qua một móng trụ trung tâm, mặt chính của kiến trúc quay về phía nam. Khoảng cách giữa vòng cột ngoài cùng đến thứ hai là 3m, từ vòng thứ hai đến tâm là 7,65m, bán kính rộng 10,65m [1].

Hệ thống móng cột trong kiến trúc Bát giác có kích thước rất lớn, móng trung tâm kích thước rộng 2,4m, các móng khác dao động từ 1,8m – 2m, đặc trưng kỹ thuật gia cố móng cột có nhiều điểm khác biệt khi sử dụng gạch vuông còn nguyên lót dưới đáy móng, trên là các lớp sỏi, đất sét đầm từng lớp riêng biệt (hình 4.1). Đặc trưng tạo móng cột lớn, có lát gạch vuông dưới đáy gần như chỉ xuất hiện ở các kiến trúc nằm trên trục trung tâm ở khu C.

22a05015-1-1.jpg

Hình 2: Bản vẽ hiện trạng nền móng kiến trúc Bát Giác, thời Lý, Trần thế kỷ XI-XIII. (Nguồn: Viện Khảo cổ học)

2. Bó nền kiến trúc Bát giác
Dấu tích kiến trúc phát lộ cho thấy có hai giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn 1: Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, đây là giai đoạn kiến trúc được khởi dựng từ thời Lý. Dấu tích bó nền bao sát hàng móng cột ngoài cùng được đóng bằng cọc gỗ, khoảng cách giữa các cọc trên mặt bằng hiện trạng xuất lộ sau khai quật khảo cổ học không đều nhau. Kỹ thuật bó nền giai đoạn này là kỹ thuật đóng cọc chèn gạch, kỹ thuật này không những nhằm gia cố chắc chắn mà còn tạo cho nền kiến trúc vươn cao lên theo ý muốn của những người thiết kế (hình 4.2).

Giai đoạn 2: Dựa vào kỹ thuật và chất liệu vật liệu xây dựng, các nhà nghiên cứu xác định là giai đoạn tái sử dụng có trùng tu vào thời Trần. Bó nền và sân là các hạng mục được tu sửa rõ nhất. Bó nền mới được xây hoàn toàn bằng gạch, kích thước rộng 106cm, cao 40cm, vát thoải từ mặt hiên đến sân gạch chùm lên 2 hàng gạch vuông, chân và đầu gạch được chôn nghiêng theo chiều ngang, thân sử dụng các viên gạch vỡ xếp nghiêng sát nhau theo chiều dọc viên gạch (hình 4.3), dốc thoải từ mặt hiên xuống dưới chân bao xung quanh nền bát giác. Nền sân cũng được đôn lên so với nền sân kiến trúc giai đoạn thời Lý, được lát bằng gạch hình vuông trang trí hoa cúc (kích thước 37,5 x 38 x 5cm). Giai đoạn tu sửa thời Trần chỉ mở rộng bó nền còn cấu trúc và kích thước các gian vẫn giữ nguyên từ thời Lý không thay đổi.

22a05015-2-1.jpg

Hình 3: Dấu tích móng cột kiến trúc Bát Giác thời Lý (Nguồn: Viện Khảo cổ học)

22a05015-1.jpg

Hình 4: Móng cột và bó nền kiến trúc Bát giác thời Lý – Trần, thế kỷ XI – XIV (Nguồn: Viện Khảo cổ học)

3. Nhận xét bước đầu về kiến trúc Bát giác
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dấu tích kiến trúc Bát giác ở khu C, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có thể là nhà chứa kinh (1021) hoặc kiến trúc kiểu tháp Phật nhiều tầng. Tuy nhiên, với vị trí nằm đúng trên trục đối xứng bắc – nam của một quần thể kiến trúc rất rộng lớn, nhiều khả năng đây là dấu tích của một cung điện thời Lý trong khu vực Cấm thành Thăng Long [3].

22a05015-6-e1652351244516-1.jpg

Hình 5: Các hiện vật trang trí trên mái phát hiện tại vị trí dấu tích kiến trúc Bát giác. (Nguồn: Viện Khảo cổ học)

22a05015-9-1.jpg

Hình 6: Thể hiện trang trí góc mái trên các mô hình đất nung thời Trần, thế kỷ XIII-XIV

Hình 6: Thể hiện trang trí góc mái trên các mô hình đất nung thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Nguồn: Tomoda Masahiko (2015), Thể hiện kiến trúc trên các mô hình thời Lý – Trần. Thông báo khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Nxb Khoa học Xã hội, tr.60, 69.


TS.KTS Trần Việt Anh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)

Tài liệu tham khảo

Đỗ Đức Tuệ, Chu Thị Ngọc Thủy, Kiến trúc tròn, lục giác và bát giác thời Lý tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thông tin di sản 2019, tr.28-41.
Tomoda Masahiko (2015), Thể hiện kiến trúc trên các mô hình thời Lý – Trần. Thông báo khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Nxb Khoa học Xã hội, tr.60, 69.
Phạm Lê Huy, Phạm Văn Triệu (2019), Dấu tích kiến trúc bát giác tại Hoàng thành Thăng Long: Tư liệu và Nghiên cứu, Tạp chí Khảo cổ học số 6/ 2019, tr.48-71.

 Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác