Trong lịch sử cổ trung đại, kiến trúc cung điện còn gọi là kiến trúc cung đình, được xây dựng trong các kinh đô nhằm củng cố sự thống trị, thể hiện quyền lực tối cao của hoàng đế, phô diễn đẳng cấp, sự uy nghiêm và thoả mãn sự hưởng thụ cuộc sống tinh thần, cuộc sống vật chất của nhà vua và hoàng gia.
Những công trình kiến trúc này được xây dựng rất kiên cố, công phu, trang trí cầu kỳ, tinh xảo, nghệ thuật trang trí của nó mang đậm dấu ấn và hơi thở của thời đại, được xem là hình ảnh tiêu biểu phản chiếu trình độ khoa học, công nghệ cùng những sắc thái văn hóa riêng biệt hay tương đồng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong lịch sử.
Nằm trong chiếc nôi của nền văn minh châu Á hay nền văn minh phương Đông, kiến trúc cổ Việt Nam cũng giống như kiến trúc cổ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… chủ yếu phổ biến là loại kiến trúc có bộ khung chịu lực bằng gỗ hay gọi là kiến trúc gỗ. Chính vì được làm bằng gỗ, nên phần lớn các công trình đều rất khó bảo tồn nguyên vẹn theo thời gian. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân như: Sự di chuyển kinh đô, chiến tranh, hoả hoạn, xây dựng mới ở các giai đoạn sau… đã làm thay đổi hoặc làm mất đi các công trình kiến trúc gỗ cổ xưa, nên ngày nay các nhà khảo cổ học chủ yếu chỉ tìm thấy những phần nền móng của các công trình đó.
Các hiện vật kiến trúc có hình rồng, phượng được trưng bày trong khu di tích Hoàng Thàng Thăng Long
Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong những năm 2002-2004 và 2008-2009 đã tìm thấy phần còn lại của những tòa nhà kiên cố, thể hiện rõ qua dấu tích nền móng các công trình. Các dấu tích nền móng đó đã được giới khoa học xác định là dấu tích của những kiến trúc cung điện, lầu gác có qui mô to nhỏ khác nhau cùng hệ thống tường bao, cống nước, giếng nước, đường đi lối lại, khẳng định giá trị và tầm quan trọng đặc biệt của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Các hiện vật kiến trúc có hình rồng, phượng
Mặc dù, phát hiện khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu đã minh chứng thuyết phục rằng, các cung điện, lầu gác thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long đều là kiến trúc gỗ, có bộ mái lợp ngói rất công phu, tráng lệ, nhưng hình thái kiến trúc cung điện thời Lý vẫn chưa có đủ cơ sở dữ liệu khoa học để nhận diện như kiến trúc Cố Cung – Bắc Kinh (Trung Quốc), Changdokung – Seoul (Hàn Quốc) hay Nara (Nhật Bản). Bởi lẽ, kiến trúc cung điện thời Lý hay thời Trần hoặc muộn hơn là thời Lê đều thuộc loại kiến trúc cổ đã bị thất truyền. Ở Việt Nam hiện nay không còn lưu giữ được một công trình kiến trúc nào của các thời kỳ này.
Kiến trúc gỗ của Việt Nam còn lại đến ngày nay chủ yếu là những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nằm rải rác ở những làng quê, được xây dựng từ thời Mạc (thế kỷ 16), phổ biến nhất là từ thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18) trở lại đây. Trong số đó, tuy có một số công trình được xây dựng trên nền của những kiến trúc có từ thời Lý, Trần, nhưng hình thái kiến trúc của nó đã có nhiều thay đổi và mang phong cách của giai đoạn muộn hơn ở một số công trình còn may mắn lưu giữ được một phần cấu kiện kiến trúc của giai đoạn trước, nhưng chủ yếu thuộc thời Trần và không đủ dữ liệu phản ánh về hình thái kiến trúc thời Trần.
Tình hình tư liệu nêu trên cho thấy: Việc nghiên cứu nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần là vô cùng khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu cơ sở dữ liệu về phần giữa và phần trên của công trình kiến trúc, đó là hệ thống khung gỗ và khung giá đỡ bộ mái của các điện, gác, sảnh đường, lầu gác.
Trong bối cảnh quá nghèo nàn về tư liệu kiến trúc, tư liệu sử liệu và bản vẽ kiến trúc cổ của Việt Nam như vậy, từ năm 2011-2015, để có cơ sở đánh giá sâu hơn, toàn diện hơn về di tích kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long, chúng tôi đã đưa ra hướng nghiên cứu về hình thái kiến trúc thời Lý, Trần dựa trên cơ sở dữ liệu mô hình kiến trúc cổ hiện đang lưu giữ tại các bảo tàng ở Bắc Việt Nam, đồng thời kết hợp với việc nghiên cứu so sánh với các kiến trúc cung điện ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Mô hình kiến trúc là hình ảnh mô phỏng về kiến trúc, được xem như là tấm gương phản chiếu khách quan về hình thái kiến trúc Việt Nam đương đại. Tuy nó có những hạn chế nhất định (như: Chưa phản ánh một cách chính xác, toàn diện và đầy đủ về hình thái kiến trúc trong thực tế, chủ yếu thể hiện mặt ngoài của các công trình kiến trúc, không gợi ý kết cấu bên trong của công trình đó), nhưng đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy, rất có giá trị, giúp các nhà khoa học có cơ sở dữ liệu để nghiên cứu giả định về hình thái kiến trúc cổ Việt Nam thời Lý, Trần. Do đó, việc nghiên cứu mô hình kiến trúc đất nung, bao gồm cả những di vật khắc, vẽ hình kiến trúc là hướng tiếp cận nghiên cứu mới, rất quan trọng về hình thái kiến trúc gỗ Việt Nam thời Lý, Trần.
Trong nghiên cứu, đánh giá các công trình kiến trúc gỗ, từ kỹ thuật xây dựng đến hình thái kiến trúc, các chuyên gia kiến trúc thường sử dụng phương pháp tiếp cận nghiên cứu cấu trúc của công trình theo chiều dọc gồm 3 phần: Phần trên, Phần giữa và Phần dưới.1
- Phần dưới là mặt bằng nền móng của các công trình kiến trúc, bao gồm diện tích đất, phương vị, phương hướng, kết cấu và khoảng cách đặt cột trụ và tỉ lệ của chúng cùng với thềm bậc hay lan can của công trình.
- Phần giữa là hệ thống bộ khung gỗ chịu lực, số đo của cột trụ, tỉ lệ chiều cao, chiều rộng, chiều sâu của các gian, bao gồm hệ thống cánh cửa, tấm chắn (tường, ván bưng hoặc vách ngăn).
- Phần trên là hệ thống khung giá đỡ bộ mái, bao gồm các loại ngói lợp và các loại phù điêu, tượng tròn trang trí trên mái.
Từ phương pháp tiếp cận nêu trên và dựa vào kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, kết quả nghiên cứu mô hình kiến trúc cổ Việt Nam và kết quả nghiên cứu so sánh với các kiến trúc kinh đô cổ ở châu Á trong nhiều năm, bài viết này sẽ giới thiệu những thành tựu nổi bật trong kỹ thuật xây dựng kiến trúc cung điện của vương triều Lý trong Hoàng cung Thăng Long cùng những phân tích và lý giải về những thành tựu nghiên cứu mới về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.
Móng trụ và mặt bằng kiến trúc thời Lý
Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2002-2004 và 2008-2009 đã tìm thấy một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, 13 đường cống rãnh tiêu thoát nước minh chứng xác thực lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý.
Nhưng bằng chứng của khảo cổ học hôm nay chủ yếu chỉ tìm thấy vết tích còn lại của các kiến trúc cung điện, lầu, gác của thời Lý qua hệ thống nền nhà, móng trụ, chân tảng và sân. Hay nói theo cách khác, đó là phần dưới của công trình. Phần dưới của các công trình đó chủ yếu được nhận diện qua mặt bằng nền nhà bằng đất, có hệ thống móng trụ hình vuông được gia cố bằng sỏi, gạch ngói hoặc mảnh sành, được xếp thành hàng ngang dãy dọc khá qui chuẩn. Mặt bằng có những móng trụ đó được xác định là mặt bằng của các cột trụ của kiến trúc. Đây là thành tựu và cũng là đặc điểm rất quan trọng trong kỹ thuật xây dựng kiến trúc gỗ thời Lý.
Cung điện thời Lý dưới hầm nhà Quốc hội
Hệ thống móng trụ được gia cố rất vững chắc để kê chân tảng đá đỡ các cột của bộ khung nhà bằng gỗ. Các móng trụ đó có nhiều kích thước khác nhau, trung bình mỗi chiều rộng từ 110cm đến 150cm, được đào sâu từ 150cm đến hơn 300cm xuống lòng đất và gia cố đầm chặt bằng các mảnh ngói, mảnh sành, phổ biến nhất là sỏi sông trộn với đất đồi nhằm chống lún chân cột.
Trong các công trình nghiên cứu trước, chúng tôi đã đưa ra nhận xét rằng: Kỹ thuật gia cố móng trụ là một thành tựu quan trọng của vương triều Lý.2 Nó được phát minh trong điều kiện xây dựng các kiến trúc có qui mô to lớn trên nền đất yếu của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Kỹ thuật dùng sỏi pha cát để lót dưới đáy hố móng cột chôn đã thấy xuất hiện từ thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10), nhưng nó được xử lý khá đơn giản. Sang thời Lý, kỹ thuật này đã được xử lý rất hoàn hảo và phát triển trở thành hình mẫu về kỹ thuật xây dựng trong lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam.
Bên cạnh móng trụ hình vuông, khu di tích còn tìm thấy nhiều móng trụ hình chữ nhật có chiều dài đủ đặt hai chân tảng kê cột, được gọi là móng trụ kép hay móng trụ cột đôi. Loại móng trụ này chỉ xuất hiện ở những công trình kiến trúc có qui mô nhỏ, nhưng kết cấu bộ khung rất độc đáo.
Việc tìm thấy hệ thống móng trụ kê chân tảng đá và các loại chân tảng đá nêu trên phản ánh rõ: Các công trình kiến trúc cung điện thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long xưa phổ biến là kiến trúc gỗ, thành phần chịu lực chủ yếu là các cột trụ. Do đó, các chân cột thường được chú ý kê đỡ và gia cố với hai thành phần chính là chân tảng và móng trụ như đã nêu trên.
Giới thiệu bình vôi và tục ăn trầu
Tại khu di tích đã tìm thấy nhiều cột gỗ đang còn đứng nguyên ở vị trí ban đầu cùng nhiều loại cấu kiện của kiến trúc gỗ. Bằng chứng này không những góp phần khẳng định về sự tồn tại của các công trình kiến trúc gỗ trong Hoàng cung Thăng Long xưa (đúng như sử cũ đã ghi chép) mà còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong việc nghiên cứu về kiến trúc gỗ Việt Nam trong lịch sử.
Đáng lưu ý, bên cạnh kiến trúc cột dương, bằng chứng về sự tồn tại kéo dài của loại kiến trúc sử dụng cột âm (hay cột chôn) cũng được tìm thấy ở một số công trình kiến trúc thời Lý. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng là các cột âm thời Lý thường được xây dựng kết hợp với hệ thống cột dương. Những cột âm này đều là hệ thống cột hiên, được chôn sâu xuống lòng đất, dưới chân kê đá tảng lớn và nằm đăng đối xung quang 4 mặt của tòa nhà, trong lòng nhà là hệ thống cột dương được dựng trên các chân tảng đá chạm cánh hoa sen rất khéo léo.3
Dựa vào dấu tích còn lại và sự phân bố qui luật của hệ thống móng trụ, chúng tôi đã xác định, mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý có rất nhiều loại gồm hình chữ nhật, hình vuông, hình lục giác, hình bát giác. Trong đó, kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật là phổ biến nhất với diễn biến kết cấu vì kèo khá đa dạng: 2 hàng cột, 3 hàng cột, 4 hàng cột, 6 hàng cột, 8 hàng cột. Kiến trúc 8 hàng cột là công trình có quy mô to lớn nhất và kiên cố nhất.
Bức tranh gốm ghép bằng gạch tìm thấy tại hố khai quật
Các công trình kiến trúc nói trên thường là kiến trúc kiểu nhà dài, có nhiều gian, trong đó kiến trúc có số gian chẵn 2 gian, 6 gian, 8 gian, 10 gian; nhiều và phổ biến nhất là kiến trúc có số gian lẻ 7 gian, 9 gian, 11 gian, 13 gian. Ngoài ra, tại khu di tích còn tìm thấy những kiến trúc hành lang kéo dài dọc tường bao hoặc bao quanh các công trình kiến trúc chính ở bên trong.
Số đo bước gian kiến trúc gỗ thời Lý phổ biến có chiều rộng rất lớn, trung bình là 5,7m, kiến trúc lớn thì bước gian rộng hơn 6,0m. Phát hiện năm 2008-2009 tại khu vực Tây Nam khu di tích đã tìm thấy 9 di tích kiến trúc kết cấu 2 hàng cột có bước gian rộng trung bình từ 6,0m đến 7,5m.
Đặc điểm lưu ý là, tất cả các kiến trúc cung điện thời Lý ở đây đều được xây dựng rất thống nhất, qui chuẩn về phương vị và thước đo. Các công trình đều nằm theo trục Bắc – Nam, Bắc lệch Đông khoảng 4-50 và đặc biệt là các số đo chiều dài, chiều rộng, bước gian, bước cột của tất cả các công trình đều có thể chia hết cho 3. Điều này phản ánh chắc chắn rằng: Kiến trúc thời Lý được xây dựng theo một chuẩn mực rất chặt chẽ và được quy hoạch rất bài bản khoa học khi xây dựng. Đây cũng là điều đã từng mang lại sự ngạc nhiên đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước khi tiếp cận nghiên cứu về kiến trúc cung điện thời Lý tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong nhiều năm qua.
Chân tảng
Cùng những phát hiện về hệ thống móng trụ, chân tảng và cột gỗ nêu trên, vết tích nền nhà của các kiến trúc cung điện thời Lý cũng được xác định rất rõ ràng. Nền được đắp bằng đất, nhiều chỗ được đắp cùng với phế thải đồ gốm hoặc gạch ngói vỡ. Xung quanh nền bó gạch hình chữ nhật, trên nền lát gạch vuông được làm từ loại đất sét vàng có độ nung rất cao. Nghiên cứu cấu trúc đất đắp nền nhà cho thấy, nền được đắp bằng nhiều loại đất sét và được đem từ nhiều nơi khác đến. Theo các nhà địa chất, các loại đất đắp nền nhà có nhiều khả năng được chuyên chở từ vùng đồi núi thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm khá xa kinh đô Thăng Long. Người xưa đã khai thác và chuyên chở bằng thuyền, đem về tôn tạo xây dựng các công trình trong kinh đô trong nhiều năm. Kỹ thuật tôn đắp và bó nền cho thấy rõ: Các kiến trúc ở đây được xây dựng rất công phu và vững chắc. Xung quanh nhiều kiến trúc còn có hành lang, tường bao, cống nước, giếng nước, đường đi được xây dựng rất qui chuẩn, minh chứng trình độ cao của vương triều Lý trong qui hoạch đô thị. Điều này cũng gợi ý rằng: Để làm được như vậy, vương triều Lý đã phải huy động rất nhiều sức người, sức của khi tiến hành xây dựng và tôn tạo các công trình kiến trúc trong Hoàng cung sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.
Hoàng Thành Thăng Long
Các loại ngói và hình thái bộ mái kiến trúc thời Lý
Bên cạnh dấu tích nền móng các công trình kiến trúc, trong phạm vi rộng lớn của khu khai quật hơn 42.000m2, từ khu A đến khu E, các nhà nghiên cứu tìm thấy rất nhiều loại hình vật liệu kiến trúc, trong đó có nhiều loại ngói lợp mái. Phát hiện này là cơ sở khẳng định: Các công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều là kiến trúc gỗ và trên mái được lợp ngói. “Trong kinh thành, tất cả mọi nhà đều làm bằng gỗ” như A. de Rhodes quan sát tại Thăng Long vào giữa thế kỷ 17.4
Nghiên cứu mặt bằng cột trụ và tư liệu mô hình kiến trúc đất nung cho thấy: Cung điện thời Lý có kết cấu 4 mái, hai mái phía trước, phía sau và hai mái ở hai bên hay gọi là mái đầu hồi. Trên mái được lợp bằng loại ngói âm dương và một số lợp loại ngói sen (hay ngói phẳng). Các loại ngói dương chủ yếu là ngói ống và ngói úp với những sắc thái rất đặc sắc.
Ngói ống là loại ngói phổ biến nhất ở thời Lý. Nó có thân nửa hình ống, được lợp bên trên ngói cong nên còn gọi là ngói dương và gồm hai loại rõ rệt: ngói lợp diềm mái (ngói diềm mái) và ngói lợp thân mái (ngói thân mái). Xét về hình dáng, tên gọi và kỹ thuật lợp, loại ngói này được sử dụng khá phổ biến và rộng rãi ở các công trình kiến trúc gỗ trong khu vực châu Á, từ thời Hán trở đi. Trên các công trình kiến trúc cung điện tại Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc chúng ta đều có thể nhìn thấy phổ biến các loại ngói này. Nhưng điểm rất khác biệt của loại ngói ống diềm mái thời Lý là trên lưng của nó thường được gắn hình một chiếc lá đề cân, bên trong trang trí hình rồng, hình phượng với đường nét tạo tác rất khéo léo và mang tính nghệ thuật rất cao.
Để tạo nên tính thống nhất với trang trí ở phần diềm mái, trên lưng các loại ngói úp thời Lý được gắn hình lá đề lệch trang trí rồng, phượng hay gắn tượng uyên ương (uyên ngõa)5. Đối với ngói úp loại lớn (dùng để lợp ở chính giữa nóc mái) thường được gắn hình lá đề cân có kích thước to lớn, hai mặt trang trí tinh xảo hình rồng hoặc hình phượng. Đặc biệt, loại ngói úp ở hai đầu bờ nóc lại thường được tạo tác dưới dạng phù điêu hay tượng tròn hình đầu rồng, hoặc đầu chim phượng có kích thước khá to lớn với cái cổ cao vươn lên trời, ở đó có những lỗ nhỏ để xâu dây buộc chặt vào bờ nóc mái. Với đặc điểm này, loại ngói úp thời Lý còn được gọi là ngói trang trí mái.
Xét về chất liệu, ngói thời Lý có 2 loại: Ngói đất nung màu đỏ và ngói tráng men (men trắng và men xanh lục), trong đó ngói đất nung màu đỏ là phổ biến nhất, được làm từ đất sét đồi lẫn nhiều đất sét trắng. Ngói tráng men được làm chủ yếu từ loại đất nguyên liệu làm đồ gốm sứ, bao gồm đất sét trắng và thạch anh. Ngói thời Lý rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ, nhưng về chất liệu, kỹ thuật chế tác và phong cách trang trí nghệ thuật (từ khối hình đến đường nét hoa văn) thì lại có tính thống nhất rất cao, thể hiện sự đồng bộ cùng với những qui tắc tạo hình khá chặt chẽ, tạo nên phong cách rất riêng cho kiến trúc Lý.
Hình lá đề gắn trên ngói ống diềm mái hay trên các loại ngói úp nêu trên dường như là một phát minh quan trọng của thời Lý, nó đã tạo nên một sự khởi sắc mới cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Nếu nghiên cứu so sánh với các loại ngói ống lợp mái cung điện ở các kinh đô cổ trung đại của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có thể nói, loại ngói lợp diềm mái và loại ngói úp trang trí rồng, phượng của thời Lý là loại ngói độc đáo nhất trong khu vực châu Á, mang bản sắc riêng của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Tại các di tích kinh đô của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc người ta chỉ nhìn thấy chủ yếu là loại ngói ống có đầu trang trí linh thú hay hoa sen, hoa cúc, chưa có nơi nào có loại ngói ống gắn lá đề trang trí rồng, phượng như Kinh đô Thăng Long.
Cách đây gần 12 năm, khoảng đầu xuân năm 2004, trước yêu cầu của công tác tuyên truyền quảng bá về tầm quan trọng đặc biệt của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, dựa trên tư liệu khai quật và tư liệu nghiên cứu các di tích kinh đô cổ ở châu Á, lần đầu tiên chúng tôi đã đưa ra phác thảo giả định về hình thái của bộ mái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần. Tuy nhiên, lúc đó do còn quá thiếu tư liệu nên chúng tôi đã tạm mượn hình ảnh mái đình thời Lê Trung hưng để diễn giải về chức năng và những sắc thái riêng biệt của các loại ngói lợp mái kiến trúc cung điện thời Lý, Trần.
Kể từ đó đến nay, thành tựu nghiên cứu về chức năng cũng như kỹ thuật chế tác, kỹ thuật lợp của từng loại ngói thời Lý, Trần đã có những bước tiến rất dài, khẳng định và làm rõ hỡn những nhận thức cơ bản của chúng tôi đã đưa ra từ năm 2004. Đồng thời, trong nhiều năm qua, bên cạnh công tác phân loại, nghiên cứu các loại hình vật liệu kiến trúc thời Lý, Trần tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi cũng đã đầu tư nghiên cứu so sánh để ngày một nhận diện rõ hơn về hình thái của bộ mái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý. Trong năm 2014-2015, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành chương trình nghiên cứu này với những bản vẽ giả định được thể hiện công phu về các loại ngói trang trí trên mái kiến trúc cung điện thời Lý và hy vọng nó sẽ mang lại cho giới khoa học và công chúng nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và nét độc đáo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.6
Nếu những bản vẽ giả định của chúng tôi phản ánh đúng hoặc gần đúng với hình ảnh hiện thực của kiến trúc cung điện thời Lý đương đại thì đó là điều hạnh phúc lớn. Bởi đây là điều mơ ước từ lâu của giới khoa học kể từ sau khi phát lộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long và cũng là kỳ vọng của công chúng mong muốn được chiêm ngưỡng hình dáng kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa. Những dấu vết nền móng và những loại ngói lợp mái tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã cho chúng ta một ý niệm về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, làm cho chúng ta luyến tiếc về những công trình kiến trúc gỗ độc đáo và rộng lớn từng tồn tại trong Hoàng cung Thăng Long dưới vương triều Lý với bộ mái rất đặc sắc mà hiếm nơi nào có được.
1. Phan Cốc Tây và Hà Kiến Trung 2005: Doanh tạo pháp thức – Giải độc, Nxb. Đại học Đông Nam, Nam Kinh, Trung Quốc.
2. Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí 2007: Về một số dấu tích kiến trúc trong Cấm thành Thăng Long thời Lý – Trần qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2005 – 2006, Khảo cổ học, số 1, tr. 58-70.
3. Bùi Minh Trí 2015: Kiến trúc thời Lý ở khu A-B, khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Những thành tựu sau 10 năm nghiên cứu, Thông báo Khoa học – Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Hà Nội, tr. 19-63.
4. A. de Rhodes: Historie du Royame de Tonquin (1627-1646), Revue Indochinoise, 1908, p.179.
5. Trong văn bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi thời Lý, tạo năm 1118, có ghi chép về loại ngói trang trí hình uyên ương gọi là “uyên ngõa”. “Quán kỳ ẩm thủy hồng lương nhi hồi xuất, lâm phong uyên ngõa nhi dực phi” nghĩa là “trông kìa: rường cầu vồng uống mưa hồi xuất, ngói uyên ương đón gió muốn bay” (theo Phan Lê Huy, 2016 Cấu kiện và kiến trúc thời Lý – Trần nhìn từ nguồn tư liệu chữ viết đồng đại, Kỷ yếu Tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý – Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu”, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành tổ chức tại Hà Nội ngày 22-24/2/2016).
6. Bản vẽ hình thái bộ mái kiến trúc cung điện thời Lý giới thiệu ở đây được thiết lập từ mặt bằng của một khuôn viên kiến trúc thời Lý tìm thấy dưới lòng đất khu vực xây dựng Nhà Quốc hội năm 2008-2009.
Kỳ sau: Hệ khung đỡ mái của kiến trúc cung điện thời Lý
PGS.TS. Bùi Minh Trí
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5/2016)-Nguồn
Bình luận của bạn