Năm 1888, người Pháp đã hợp thức hóa việc chiếm khu vực này bằng cách ép vua Đồng Khánh ra chỉ dụ cắt đất cho họ để lập khu nhượng địa và gọi là thành phố Hà Nội. Như vậy ngoài tỉnh Hà Nội thành lập thời Minh Mạng còn có thành phố Hà Nội thuộc Pháp.
Quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882
Địa giới thành phố Hà Nội (thuộc Pháp) hẹp hơn địa giới kinh đô Thăng Long cũ. Nó bắt đầu từ dốc Yên Hoa (nay là Yên Phụ) theo chiều kim đồng hồ xuống đến Cơ Xá Nam (tương ứng với cảng Hà Nội hiện nay), sau đó vòng ra cửa ô Thanh Bảo (tương ứng với khu vực bến xe Kim Mã) rồi vòng trở lại dốc Yên Hoa.
Diện tích Hà Nội nhượng địa rộng khoảng 945ha, dân số khoảng chừng 100.000 người. Thành phố chia ra làm 8 hộ (hộ tương đương cấp phường ngày nay), mỗi hộ lại đặt ra chức “hộ phố” (tương tự chức lý trưởng cũ) để thay mặt dân quan hệ với nhà chức trách. Dù chiếm thành Hà Nội và đóng quân ở đây nhưng, từ năm 1883 quân Pháp và chính quyền thuộc địa luôn bị uy hiếp bởi nghĩa sỹ chống Pháp.
Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội, sau đó chiếm tỉnh lỵ Hà Nội năm 1883 (bao gồm khu vực kinh thành Thăng Long và vùng xung quanh, tương ứng với quận Hoàn Kiếm và Ba Đình ngày nay). Cũng trong năm này, Pháp lập Tòa Công sứ đầu tiên tại phố Hàng Gai và đưa ra kế hoạch cải tạo khu vực tỉnh lỵ trong đó có hồ Hoàn Kiếm.
Lại thêm các văn thân ở ngoài Bắc hưởng ứng phong trào Cần Vương nên quân Pháp liên tục bị uy hiếp. Ví dụ như ở bên kia sông Hồng, nghĩa quân Bãi Sậy (Hưng Yên) do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy cứ hàng đêm lại dẫn binh đi tập kích quân giặc. Phía Bắc có nghĩa quân Đề Thám đóng tại Yên Thế (Bắc Giang) và chân núi Tam Đảo, phía Tây có Đề Kiều, Đốc Ngữ đóng quân ở Sơn Tây, Hưng Hóa luôn mang quân vào quấy nhiễu và không ít lần bao vây quân Pháp đóng trong thành khiến chúng phải khốn đốn.
Để bảo vệ an ninh của thành phố nhượng địa Hà Nội, năm 1889 chính quyền Pháp thành lập khu “ngoại thành” Hà Nội gồm các xã của huyện Vĩnh Thuận và một số xã của huyện Thanh Trì. Cụ thể là từ Yên Phụ vòng ra Nhật Tân, chạy ra Cầu Giấy theo sông Tô Lịch đến khu vực Lương Yên ngày nay. Thế nhưng các nhà Nho lại gọi khu vực đó là “ngoại ô” (baulieue). Sở dĩ gọi như vậy vì hai lý do, thứ nhất những xã này thời Hậu Lê vốn đã được gọi là ngoại ô.
Từ “cửa ô” xuất hiện khi chúa Trịnh Doanh đắp lại vòng tường thành dài 16km năm 1749, trên cơ sở bức tường lũy thời Mạc (nay là đường La Thành, Đại Cồ Việt và Trần Khát Chân). Một số văn bản chữ Hán đã dùng từ “ổ môn” để gọi các cửa ô, với chữ “ổ” nghĩa là lũy, ụ. Việc lập ra cửa ô với lý do “kinh sư vốn là vùng đất căn bản, bá quan lục quân đều đóng ở đấy, thế mà bốn phía hở thông thống chẳng có thành lũy gì che chắn”.
Ngoài xác lập quyền lực của triều đình, khu vực dân cư ngoài cửa ô là lớp áo giáp đầu tiên bảo vệ thành. Thứ hai là gọi “ngoại ô” là ngầm chống đối lại cách gọi là “ngoại thành” của người Pháp, vì các nhà Nho quan niệm “ngoại thành” có nghĩa là nằm ngoài thành phố chứ không phải ngoài kinh thành.
Từ khi lập ra khu “ngoại thành”, chính quyền Pháp lập thêm đồn chốt ở các con đường chính từ ngoại thành dẫn vào trong phố. Các chốt chính được lập tại chợ Bưởi, Cầu Giấy, đầu phố Yên Hoa, ngã tư Vọng và đầu phố Bạch Mai ngày nay. Họ cấm không cho ăn mày ăn xin vào trong phố, kiểm tra thẻ của những người lao động tự do vào làm công trong nội đô, ai không có thẻ là không cho vào.
Những biện pháp đó khiến Hà Nội yên ổn hơn. Tuy nhiên năm 1898, Quốc sư Vương Quốc Chính ở Từ Liêm toan đưa các đồng chí của ông vào đánh úp thành phố Hà Nội, nhưng do kế hoạch không thống nhất nên ông bị bắt và bị tử hình. Sau khi lập vùng “ngoại thành”, Pháp buộc tỉnh lỵ Hà Nội phải dọn về Cầu Đơ và đổi tên thành tỉnh Cầu Đơ. Năm 1902, tỉnh Cầu Đơ được thay tên là tỉnh Hà Đông.
Nhưng đến năm 1915 do thấy không còn cần thiết nữa, người Pháp trả khu “ngoại thành” nói trên về cho tỉnh Hà Đông và gọi nó là huyện Hoàn Long. Năm 1942, người Pháp thành lập “Đại lý đặc biệt Hà Nội” gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc phủ Hoài Đức, được chia thành 8 tổng, 60 xã, trụ sở đặt ở ấp Thái Hà (nay là phố Thái Hà). Sở dĩ gọi là “đại lý” vì đất thì vẫn do tỉnh Hà Đông quản lý, nhưng các công việc hành chính và an ninh trật tự lại do Tòa đốc lý Hà Nội quản lý và điều hành.
Vì có đại lý khá đặc biệt như vậy nên địa giới thành phố mở rộng về phía Tây và phía Nam, đường ranh giới đi từ làng Phú Gia qua Xuân Tảo, Dịch Vọng, vòng sang Khương Đình và đến Giáp Nhị, Yên Sở. Chính vì thế nên diện tích thành phố rộng thêm 12.000ha, cộng với 975ha cũ của nội thành nên đã lên đến gần 13.000ha với dân số khoảng 300.000 người. Thực tế là khu vực trên thuộc Hà Nội, nhưng báo chí và dân chúng vẫn quen gọi là “ngoại ô”.
Sau năm 1954, một số xã “ngoại ô” được sáp nhập vào nội thành, số còn lại cùng với các xã mới gọi là ngoại thành gồm 4 huyện là: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Từ Liêm.
Nguồn - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Biên tập: 36phophuong.vn Tài trợ: Nhà Hàng Bia Hơi 1b Bắc Sơn
Bình luận của bạn