Với nhiều người Thủ đô, Cung Thiếu nhi (36 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà Nội) hơn 40 năm qua là điểm đến quen thuộc, thân thương và cũng là cả "bầu trời tuổi thơ", nơi từng ươm mầm các tài năng nghệ thuật của Hà Nội cũng như của cả nước.
Năm 1974, được sự giúp đỡ của Tiệp Khắc (cũ), một toà nhà 6 tầng gồm 100 phòng học, sinh hoạt được thiết kế, trang bị hiện đại trên nền của Câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội với diện tích hơn 10 nghìn m2 ra đời. Khu nhà Ấu trĩ viên cũ trở thành Bảo tàng Bác Hồ với Thiếu nhi. Câu lạc bộ Thiếu niên được đổi tên thành Nhà Văn hoá Thiếu nhi, đây là thời kỳ có những hoạt động quốc tế khá sôi động, hiệu quả, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các nước XHCN về hoạt động Cung, Nhà Thiếu nhi. Ngày 1/6/1985 đã trở thành mốc son vẻ vang của Nhà Văn hoá Thiếu nhi khi tập thể cán bộ, thiếu nhi Nhà văn hoá vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và quyết định nâng cấp thành Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Cung thiếu nhi khi mới hoàn thành (1978-1980)
Nhưng cạch đấy có khu nhà Ấu trĩ viên trước đây được toàn quyền Đông Dương cho xây dựng làm nơi vui chơi của con em quan chức người Pháp trong chính quyền Hà Nội thời thuộc địa. Từ khu vui chơi chỉ dành cho con em các gia đình giàu có, Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội – tiền thân của Cung Thiếu nhi – ra đời ngày 1/6/1955 là nơi tụ họp, học tập và vui chơi của hàng vạn thiếu nhi Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, khu vực Cung Thiếu nhi mang tên "Ấu Trĩ Viên” (vườn trẻ). Toà nhà kiến trúc Pháp trong cung là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Sơ bộ Pháp-Việt, công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp.
Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. Ảnh tư liệu
Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 là bản điều ước quốc tế song phương đầu tiên mà Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với nước ngoài. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX sẽ mãi ghi nhớ bản Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 giữa Việt Nam và Pháp như một mốc son chói lọi, một kỳ tích khởi đầu quá trình phát triển của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng vững vàng, tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật đàm phán có nguyên tắc và sách lược linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng ta trong những tháng ngày đầu tiên đầy khó khăn, gian khổ của chính quyền cách mạng, vừa phải chống cả thù trong lẫn giặc ngoài để giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.
Bình luận của bạn