Ngày 25/12/2021 trong khuôn khổ Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo đã diễn ra tọa đàm: “Di sản đô thị – Duy trì và phát triển tiếp nối”. Tọa đàm vinh dự có sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính; Thạc sĩ, Kiến trúc sư Phạm Tuấn Long – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm; và Kiến trúc sư Di sản Nguyễn Hoàng Phương – Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội.
Tọa đàm được hình thành với 03 mục đích chính: Truyền tải công việc mà các kiến trúc sư về lĩnh vực di sản đã làm trong thời gian qua; Giới thiệu để cộng đồng hiểu tầm quan trọng của các di sản mà chúng ta phải gìn giữ; Tài sản kế thừa do thế hệ trước để lại cần được gìn giữ và phát huy như thế nào?
Tọa đàm: “Di sản đô thị – Duy trì và phát triển tiếp nối” được chia thành ba phần. Phần một: “Di sản đô thị – Khải lược sự tiếp nối” được dẫn dắt bởi Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính. Phần hai: Vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản được trình bày bởi Thạc sĩ, Kiến trúc sư Phạm Tuấn Long – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm. Phần 3: Trùng tu khu phố cổ – Hồi sinh những không gian cũ được trình bày bởi Kiến trúc sư Di sản Nguyễn Hoàng Phương – Ban Quản lý phố cổ Hà Nội.
Trong phần đầu tiên của tọa đàm, Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã cắt nghĩa các khái niệm: Di tích, di sản đô thị và cách ứng xử đúng với các di sản đô thị. Giáo sư cũng đưa ra quan điểm rõ ràng trong việc phải làm cho các di sản vừa sống vừa phát triển trong đời sống đương đại.
Đô thị là đỉnh cao của nền văn minh cộng cư. Đô thị di sản tồn tại trong thời gian dài. Đô thị trong lịch sử đều sở hữu tài sản – di sản của quá khứ dù lớn dù nhỏ. Mỗi đô thị chỉ có thể duy trì, giữ lại, bảo lưu và củng cố được diện mạo riêng, tâm hồn riêng và bản sắc riêng, cái tôi của mình khi đô thị ấy giữ được dĩ vãng vật chất và dĩ vãng tinh thần của mình. Đặc biệt, nếu đô thị ấy duy trì được dòng chảy tự nhiên, phát triển đô thị không đứt quãng, không gián đoạn vì lý do này hay lý do khác mà cuộc đời đô thị luôn xảy ra. Nếu cuộc đời các đô thị duy trì được dòng chảy, thậm chí trong thời đại phát triển cấp tốc, nhanh như chúng ta hiện tại mà vẫn giữ được dòng chảy tự nhiên trong sự sàng lọc tự nhiên thì nghĩa là đô thị ấy mới có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh các đô thị rất khốc liệt.
Hà Nội là đô thị sở hữu di sản, gồm: khu phố cổ, khu Pháp thuộc, Hà Nội cổ với các làng cổ… Công trình kiến trúc cổ của người Việt không to tát, hoành tráng. Nghệ thuật tạo cảnh Việt Nam dung hoà, ứng xử mềm mại, khai thác tối đa, phát huy cái tự nhiên và cái của mình một cách nhuần nhị. Cái đẹp của Hà Nội chính trong sự nhuần nhị, hoà quyện giữa khu phố tây và ta, hài hoà với nền cảnh quan thiên nhiên với nền là các làng cổ và các dòng sông.
Di sản trong các đô thị giống như các sinh thể, chúng có đời sống riêng. Vì vậy chúng ta nên ứng xử đúng đắn với các di sản này, khơi dòng cho di sản, trở thành một phần trong cuộc sống hiện đại. Không nên “thắt ca-rô”cuộc sống và dòng chảy. Không nên coi di sản là hiện vật đóng khung trong bảo tàng. Lấy ví dụ cụ thể như Hội quán 22 Hàng Buồm là công trình hiện hữu trong quá khứ của sự cộng sinh của các cộng đồng khác nhau, hiện thân của sự cộng sinh về văn hoá. Cách chúng ta chuyển đổi giá trị sử dụng một cách đúng đắn, văn minh như ngày hôm nay, chính là bảo tồn sự cộng sinh văn hoá, đồng thời khơi nguồn cho sự cộng sinh ấy tiếp diễn trong cuộc sống đương đại.
Trong hai phần tiếp theo của tọa đàm, THS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm đã nêu lên vai trò của chính quyền và cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn di sản. Quận Hoàn Kiếm được biết đến với kiến trúc chuyên biệt, mang lợi thế về quy hoạch. Quận hướng tới tu bổ các di tích bị bỏ sót, bỏ quên, chuyển đổi thành không gian văn hoá, sáng tạo cộng đồng. Một mặt giảm mật độ dân cư, mặt khác tạo ra không gian sinh hoạt chung cho khu vực đó.
KTS Di sản Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ các thông tin hết sức hữu ích về công tác “Trùng tu khu phố cổ – Hồi sinh những không gian cũ” bằng những công trình đã tôn tạo thành công trong những năm gần đây. Các công trình: Khu phố Tạ Hiện, phố Lãn Ông, số nhà 50 Đào Duy Từ, Hội quán Phúc Kiến và mới nhất là Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm trở thành Trung tâm văn hoá nghệ thuật. Đối với công trình 22 Hàng Buồm, nhóm tu tạo ngoài nghiên cứu kiến trúc, còn nghiên cứu chức năng để công trình không bị “đóng khung” như bảo tàng. May mắn khi dự án vừa hoàn thành thì có Tạp chí Kiến trúc và các nghệ sĩ vào làm đầy không gian bằng những triển lãm, những tọa đàm và sự kiện biểu diễn đặc sắc.
Ở phần cuối của tọa đàm, các khách mời và khán giả tham gia sôi nổi chia sẻ cảm nhận và quan điểm của mình khi đến với Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Chứng kiến một công trình di sản kiến trúc được ứng xử văn minh, được bảo tồn và trao cho đời sống mới nhưng không mất đi bản sắc, cái tôi của mình, nhiều khán giả đã chia sẻ sự “ngạc nhiên, choáng ngợp” và “thán phục”. Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm từng là địa điểm kết nối, giao thoa của văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật Đông Tây. Nay được hồi sinh, khơi dòng chảy cuộc sống mới trong cơ thể đô thị Hà Nội sống động; trở thành không gian sáng tạo cởi mở, khơi gợi cảm hứng sáng tác cho cá nhân và cộng đồng bản địa. Hy vọng các công trình di sản tiếp sau đây sẽ nhận được ứng xử đúng đắn như công trình Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Xem thêm các hình ảnh về buổi tọa đàm:
Bình luận của bạn