Hội thảo thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển

Thứ 2, 28/11/2022, 16:18 (GMT+7)

Chia sẻ

Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở VHTT Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016-2021).

113589img-0101-2-1.jpg

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo là hoạt động quan trọng của ngành văn hóa, nơi các đại biểu tham gia cùng nhau trao đổi, chia sẻ và đánh giá về một chặng đường phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong 5 năm qua.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, vào năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. “Với tư duy và cách tiếp cận tổng thể, Chiến lược hướng tới việc nâng cao giá trị của văn hóa trên mọi phương diện như tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy hòa nhập xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu địa phương và quốc gia…”

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam (VICAS) nhấn mạnh: Ngành công nghiệp văn hóa tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền. Công nghiệp văn hóa góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội, mở rộng mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng.

Được biết, những năm qua, bức tranh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có nhiều điểm sáng, nhưng cũng có nhiều hạn chế như: Có nhiều việc chúng ta làm được và nhiều việc chưa làm được, thậm chí có nhiều việc còn lúng túng. Dẫu đã có nhiều bước phát triển tích cực, có những kết quả cụ thể nhưng để phát triển một cách hệ thống, đạt được những mục tiêu lớn như Chiến lược đề ra thì khối lượng công việc để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều. Cùng với đó là sự cần thiết hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời gian tới./.

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác