« Dù có đi bốn phương trời – Lòng vẫn nhớ về Hà Nội » – Hà Nội đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện về mọi mặt nhưng vẫn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc cổ gắn liền với những thăng trầm của lịch sử…
Cách đây hơn 70 năm, Quảng trường Ba Đình là nơi chứng kiến thời khắc thiêng liêng khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu TTXVN
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam vẫn luôn hướng về Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là địa điểm thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đều mong muốn được ghé thăm.
Cột cờ Hà Nội (hay còn gọi là Kỳ đài Hà Nội) là công trình kiến trúc cổ kính được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX dưới thời nhà Nguyễn. Vào ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954, lễ thượng cờ Tổ quốc tại đây đã trở thành giây phút thiêng liêng đi vào lịch sử của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ảnh sưu tầm
Ngày nay, Cột cờ Hà Nội là một trong số những di tích lịch sử còn được bảo tồn nguyên vẹn. Lá cờ đỏ sao vàng – Quốc kỳ Việt Nam luôn tung bay như niềm kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng.
Bốt Hàng Trống (Trung tâm chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội) những năm đầu thế kỷ XX. Ảnh sưu tầm.
Công trình này hiện là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm với kiến trúc xây dựng được giữ gần như nguyên vẹn.
Là một ngọn tháp nhỏ nằm trên đảo giữa hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa đã trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Kiến trúc của Tháp Rùa là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Việt Nam và Châu Âu. Ảnh sưu tầm.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Tháp Rùa vẫn vẹn nguyên soi bóng mặt Hồ Gươm « lung linh mây trời ». Cùng với đền Ngọc Sơn, tháp Bút, cầu Thê Húc…, Tháp Rùa là điểm nhấn cổ kính của Thủ đô.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm ở phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc, quảng trường có tên là Place Négrier (Quảng trường Tướng Négrier). Ảnh sưu tầm.
Hiện nay, khu vực này đã trở thành phố đi bộ, là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Thủ đô và du khách.
Nhà hát Lớn Hà Nội được được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911 theo mẫu của Nhà hát Opera Garnier ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh sưu tầm.
Ngày nay, Nhà hát Lớn vẫn là một trong những địa điểm quen thuộc, đặc trưng và hút khách của TP Hà Nội – nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
Cầu Long Biên là cây cầu sắt đầu tiên bắc qua sông Hồng, được người Pháp xây dựng vào năm 1899. Trong kháng chiến chống Mỹ, dù trải qua 2 trận chiến lớn với nhiều lần bị ném bom nhưng cây cầu vẫn hiên ngang đứng vững, thách thức sự bào mòn của thời gian. Ảnh sưu tầm.
Qua nhiều năm tháng với những dấu ấn thời gian, cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử cho một thủ đô đã bước ra từ lửa đạn chiến tranh và đang phát triển ngày một hiện đại.
Bình luận của bạn