THỜI KỲ PHONG KIẾN (1010 – 1875)
Kiến trúc đô thị Hà Nội đánh dấu sự bắt đầu từ khi Lý Công Uẩn ra chiếu dời đô từ Hoa Lư về Hà Nội năm 1010. Công việc đầu tiên của triều Lý khi định đô ở Thăng Long là kiến thiết cung điện làm nơi ở, nơi làm việc cho giới quý tộc, xây dựng thành luỹ bảo vệ. Kinh thành Thăng Long xây dựng khi ấy được chia làm hai phần: Hoàng Thành và Kinh Thành. Phía ngoài là khu thị dân bao gồm những xóm làng nông nghiệp, phố phường công thương nghiệp và hệ thống bến chợ. Một vòng thành ngoài cùng bao bọc toàn bộ khu vực thành và thị gọi là Đại La hay La Thành với chức năng phòng vệ, ngăn ngừa lũ lụt.
Bản đồ Hà Nội 1873
Từ những hạt nhân cơ bản là toà thành đô và khu dân cư bên cạnh để từ đó phát triển lên, mỗi triều đại, mỗi thế kỷ có sự vun đắp, bổ xung hình thành một đô thị thịnh vượng mang sắc thái đô thị phương đông thời phong kiến, khái quát bao gồm các khu chức năng sau:
– Khu hành chính – chính trị – quân sự: Hoàng Thành là nơi đặt bộ máy quyền lực cao nhất của Nhà nước phong kiến bao gồm vua, các quan và binh lính.
– Khu cư trú, thủ công và thương nghiệp: Vùng đất phía Đông, Đông – Bắc, lan xuống Đông – Nam của Hoàng Thành Thăng Long trải dài tới sông Hồng.
– Khu cư trú – nông nghiệp: Lui xuống phía Nam một chút, gần với đoạn sông Tô ở phía Tây và sông Kim Ngưu ở phía Nam.
– Khu văn hoá – giáo dục và sinh hoạt công cộng khác: Quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các trường dân lập, các khu vui chơi, văn hoá ở Hoàng Thành, khu vực Hồ Tây, sông Tô Lịch, hồ Hoàn Kiếm.
Bản đồ Hà Nội 20-8-1883
Kiến trúc thời kỳ này bao gồm các thể loại: Thành, cung điện, phủ, công trình tôn giáo tín ngưỡng (đình, chùa, đền, miếu, tháp), văn hoá – giáo dục (Văn Miếu – Quốc Tử Gám …), nhà ở là các công trình kiến trúc gỗ – gạch – đá truyền thống. Trải qua ngàn năm chiến tranh, xây dựng, phát triển, đến nay các công trình này còn lại rất ít, nằm rải rác trong khu vực trung tâm Hà Nội ngày nay, tuy nhiên giá trị lịch sử và nghệ thuật đã được khẳng định bởi các đặc trưng sau:
– Kiến trúc có tính dân tộc, tính địa phương rõ rệt.
– Phong cách kiến trúc giản dị khiêm tốn, nhẹ nhàng, khoáng đạt phù hợp với phong tục tập quán và đặc điểm khí hậu.
– Kết hợp chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên.
– Bố cục tương xứng – hài hoà, tỷ lệ tương xứng.
– Màu sắc trang trí đẹp mắt và giàu tính dân gian.
– Khai thác và sử dụng vật liệu địa phương là chủ yếu, hệ thống cấu trúc vững vàng có tính khoa học và kinh tế.
THỜI KỲ PHÁP THUỘC (1875 – 1954)
Giai đoạn bình định và khai thác thuộc địa (1875-1888:
Để củng cố phần đất chiếm đóng, thực dân Pháp cho triển khai xây dựng các công sự, các cửa hàng buôn bán dịch vụ ở phố Tràng Tiền, Hàng Khay. Mở các con đường nối các điểm xây dựng phân tán ấy, mở đường sắt liên hệ với bên ngoài. Phá huỷ Hoàng Thành cùng các công trình kiến trúc truyền thống của trung tâm hành chính phong kiến Việt Nam.
Loại hình kiến trúc xây dựng thời kỳ này là kiến trúc kiên cố trên khu đất nhượng địa, toà nhà Lãnh sự (phong cách cổ điển Pari), nhà ở cho các sĩ quan, trụ sở chỉ huy quân sự, kho tàng, trại lính … Đó là các kiến trúc mang tính thực dụng, dựa trên tinh thần chủ nghĩa công năng đơn giản trong kiến trúc, phản ánh chính sách thực dân trên nền tảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản sơ khai. Nhìn chung, chất lượng kỹ thuật không cao, ít giá trị về thẩm mỹ, tuy có chú ý đặc điểm khí hậu nhiệt đới (dùng hành lang rộng bao quanh, hệ thống cửa sổ kính chớp).
Giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất(1885-1920)
Đây là thời kỳ Pháp đã bình định được Việt Nam, bắt đầu tiến hành công cuộc quy hoạch, xây dựng và mở rộng Hà Nội với ý đồ biến Hà Nội thành Thủ đô của Đông Dương và giống như một “Pari thu nhỏ”. Hệ thống đường phố được quy hoạch theo mạng lưới ô cờ. Cấu trúc đô thị dần hình thành các khu chức năng riêng biệt như khu thương nghiệp dịch vụ trung tâm trên đường Tràng Tiền – Hàng Khay, khu hành chính, chính trị ở phía đông hồ Hoàn Kiếm và Hoàng Thành, khu ở của người Pháp ở phía nam hồ Hoàn Kiếm, khu vực kho tàng, nhà máy rải rác trong thành phố. Khu 36 phố phường vẫn là khu thương mại truyền thống.
Bản đồ thành phố Hà Nội năm 1902, Năm 1902, Pháp lập Hà Nội làm thủ phủ của toàn Đông Dương. Lúc này, Hà Nội có khu vực nội thành với diện tích rộng hơn 10 km2 và vùng ngoại thành nằm ở phía Đông Nam thành phố.
Với các công trình chính như Toà Đốc lý, kho bạc, Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), Dinh Thống sứ (nay là trụ sở Bộ Thương binh Xã hội), Trường Viễn Đông của Pháp (nay là Thư viện Khoa học Xã hội), có thể khẳng định kiến trúc giai đoạn này mang đặc trưng hình thái kiến trúc thuần Pháp, tân cổ điển hoặc địa phương Pháp. Các đặc điểm riêng của khí hậu và văn hoá địa phương chưa được quan tâm. Người Pháp muốn thông qua kiến trúc thể hiện sức mạnh áp đảo của thực dân.
Toàn cảnh Hà Nội “36 phố phường” vẫn mang nét truyền thống quen thuộc, với những lớp mái nhỏ nhấp nhô, đuổi nhau trải rộng một cách sinh động khác hẳn với “khu phố Tây” hình thành với những đường nét kiến trúc du nhập từ châu Âu. Sự tồn tại 2 thành phần cấu trúc đô thị khác biệt nhau, nhưng có ảnh hưởng lẫn nhau này tạo nên một hình ảnh văn hoá có bản sắc.
Giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ hai (1920-1945)
Nước Pháp ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất với tư cách là một nước thắng trận, cần tăng cường khai thác thuộc địa để bù đắp các thiệt hại chiến tranh.
Bản đồ Hà Nội năm 1936
Sự gia tăng các hoạt động kinh tế tập trung kéo theo một lượng lớn dòng người nhập cư vào thành phố đòi hỏi sự tăng cường xây dựng và mở rộng đô thị. Quy hoạch và kiến trúc thời kỳ này tiến bộ hơn so với các kỳ trước (cập nhật các nguyên tắc quy hoạch hiện đại kết hợp với truyền thống thẩm mỹ Beaux – Arts thịnh hành ở Pháp). Việc triển khai xây dựng ở Hà Nội không dừng lại ở các điểm phân tán như các giai đoạn khác mà tập trung hoàn chỉnh các khu vực trung tâm cho người Pháp.
Kiến trúc giai đoạn này đáng chú ý là sự xuất hiện các phong cách mới:
– Phong cách kiến trúc Á – Âu phục vụ cho ý đồ mỵ dâncủa nhà cầm quyền thực dândo KTS Ernest Hebrard khởi xướng gọi là “Phong cách kiến trúc Đông Dương” khai thác đặc điểm kiến trúc phương Đông kết hợp với kỹ thuật xây dựng phương Tây. Các công trình xây dựng theo phong cách này là Trường đại học Đông Dương, Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử), Sở Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao), Viện Pasteur.
– Phong cách kiến trúc hiện đại (Ngân hàng Đông Dương).
Khu vực nhà ở 36 phố phường kiến trúc có nhiều biến đổi. Chủ nhân là tầng lớp thị dân buôn bán mới cải tạo hoặc xây dựng mới theo trào lưu ảnh hưởng kiến trúc Pháp trong xử lý kiến trúc mặt ngoài cũng như trong nội thất.
Bản đồ đại lý Hoàn Long theo Dụ ngày 11/7/1942 và địa giới dự định mở rộng năm 1951, thiết lập bằng tài liệu của Sở Địa chính Bắc Việt.
THỜI KỲ SAU CÁCH MẠNG (1954 đến nay)
Giai đoạn 1954-1965
Hà Nội được cải tạo và mở rộng phục vụ nhiệm vụ trung tâm kinh tế, văn hoá của nhà nước (năm 1954 là 1.200 ha, đến năm 1959 mở rộng tới 2000 ha), chú trọng phát triển nhà ở, nhà công nghiệp và công trình công cộng.
Kiến trúc nhà ở: Các khu ở An Dương, Phúc Xá, Đại La được xây dựng trong thời gian đầu, về sau xây thêm các khu Nguyễn Công Trứ, Kim Liên gồm các dãy nhà tập thể song song kết hợp một số công trình công cộng. Nhà ở giai đoạn này cao 1-2 tầng, kết cấu gạch chịu lực, bố cục đơn giản, đơn điệu, các công trình phục vụ công cộng xây dựng chưa đẹp, chưa tạo được sức lôi cuốn.
Kiến trúc công cộng: Công trình Trụ sở Bộ Kiến trúc, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Học Viện Thuỷ lợi, Cục Thống kê, Hội trường Ba Đình được xây dựng với lối kiến trúc tân cổ điển có các đặc điểm đối xứng, trang nghiêm, mặt đứng có bệ nhà, hệ thống cột vượt nhiều tầng, mái đua, sênô và gờ chỉ phản ánh tính chất ổn định của tư tưởng xã hội.
Trường đại học Bách khoa do Liên Xô thiết kế có kiến trúc hiện đại, nhẹ nhàng, khung bê tông, kính lớn, tường hoa bê tông (cầu thang), sắc thái kiến trúc nhiệt đới.
Kiến trúc công nghiệp: Các khu công nghiệp Thượng Đình (tập trung Nhà máy Chế tạo công cụ số 1, Cao su-Xà phòng-Thuốc lá), Vĩnh Tuy, Chèm … được hình thành ở ngoại vi thành phố. Các nhà máy có kết cấu BTCT kết hợp với gạch, nội thất thể hiện tính chất môi trường sản xuất. Một số công trình gây ấn tượng nhẹ nhàng, các khu phân xưởng hình thành nhịp điệu gây ấn tượng mỹ cảm nhất định.
Giai đoạn 1966-1985:
Công cuộc xây dựng được đẩy mạnh. Mặc dù nửa những năm đầu gặp nhiều trở ngại do viêc mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Các khu ở mới (Trung Tự, Giảng Võ, Thanh Xuân): Là các khu ở hoàn chỉnh theo kiểu tiểu khu do Liên Xô và Triều Tiên thiết kế. Bao gồn các nhóm nhà lắp ghép cao 4, 5 tầng xếp song song hoặc vuông góc, vây quanh hồ nước, sân chơi, nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng bách hoá. Nhìn chung các khu ở này có giá trị kiến trúc thấp do hình khối đơn giản, bố cục tổng thể nghèo nàn, không gian căn hộ cứng nhắc, diện tích nhỏ.
Bản đồ thành phố năm 1979. Đây là năm Chính phủ ra quyết định về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì.
Công trình công cộng: Góp phần không nhỏ vào việc thay đổi bộ mặt kiến trúc Thủ đô, đánh dấu bước phát triển mới trong sáng tác kiến trúc thông qua nhiều tài năng sáng tạo của giới kiến trúc sư trong và ngoài nước. Kết cấu BTCT liền khối sử dụng rộng rãi. Phong cách kiến trúc hiện đại, tạo mảng, khối hài hoà, vẻ thanh thoát nhẹ nhàng hay hoành tráng, lộng lẫy tuỳ vào tính chất thể loại công trình, gần gũi với truyền thống dân tộc, giải quyết tốt mối quan hệ công trình với khí hậu địa phương. Các công trình tiêu biểu: Nhà Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội, Cung Văn hoá Hữu Nghị, Khách sạn Thắng Lợi, Viện Khoa học Việt Nam, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh …
Giai đoạn 1986 đến nay:
Hà Nội không ngừng được mở rộng địa giới với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu chức năng một số khu vực thay đổi, đặc biệt là sự xuất hiện các khu đô thị mới.
Sự chuyển hoá từ nền “kinh tế tập trung quan liêu bao cấp” sang nền “kinh tế thị trường” tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế Nhà nước, tập thể, tư nhân đua nhau phát triển tạo ra sự biến đổi lớn kiến trúc đô thị, đem lại nhiều niềm phấn khởi và cả những nỗi lo âu. Bộ mặt kiến trúc thời kỳ này có sự đóng góp đủ loại các dạng công trìnhvới nhiều phong cách: nhà ở thấp tâng và cao tầng, trụ sở các cơ quan, khách sạn, trường học … do trong nước hoặc liên doanh với nước ngoài xây dựng.
Nhà dân: Xây dựng tràn lan dọc theo các đường phố, len lỏi vào các ngõ nghách, mặt nhà hẹp rộng 3-6m, cao 2-5 tầng. Phong cách kiến trúc đa dạng, thường là sự chắp vá, bắt chước các phong cách khác nhau: hiện đại, cổ điển phương tây, dân tộc Việt Nam. Những ngôi nhà ở hoặc quần thể nhà ở có phong cách rõ ràng, trang nhã là rất hiếm. Nguyên nhân của tình trạng lộn xộn là do trình độ thẩm mỹ của người dân còn thấp, tâm lý trưởng giả, học làm sang, các kiến trúc sư thiết kế tay nghề còn non.
Các công trình khác do trong nước thiết kế: Xu hướng sáng tác kiến trúc chưa định hình, còn có tình trạng sao chép, bắt chước vụn vặt, thể hiện vốn hiểu biết còn hạn chế. Đa số rơi vào tình trạng “quay lại với phong cách cổ điển”. Tuy nhiên, một số thiết kế có sự đầu tư nghiên cứu đã đạt được thành công với các xu hướng dân tộc, hiện đại mới như là: làng SOS, làng Kiến trúc phong cảnh, trụ sở Tổng công ty dầu khí Việt Nam, nhà học H2 Đại học Xây dựng …
Các công trình do nước ngoài thiết kế: Là các tổ hợp trung tâm thương mại – văn phòng – nhà ở cao tầng, khách sạn, các trung tâm dịch vụ, trụ sở các hãng, các ngân hàng của Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan … thường được bố trí tại các khu vực trung tâm thành phố, các tuyến phố chính, thiết kế khá nghiêm túc từ dây chuyền công năng đến giải pháp kết cấu vật liệu tiên tiến, không có cái lố lăng với các phong cách chủ yếu là hiện đại, hiện đại mới hoặc hậu hiện đại. Các công trình lớn này có ảnh hưởng tích cực đến các sáng tác trong nước. Tuy nhiên về mặt hình thức và mối quan hệ giữa công trình với môi trường cảnh quan đô thị còn nhiều vấn đề phải bàn do hạn chế về hiểu biết văn hoá địa phương và quan điểm đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu trong hoạt động kinh doanh.
Bản đồ hành chính thành phố Hà Nội mở rộng năm 2008 (gồm 30 quận, huyện).
KẾT LUẬN:
– Hà Nội trải qua 1000 năm lịch sử chiến tranh, xây dựng và phát triển, kiến trúc Hà Nội gắn liền với tiến trình đô thị hoá, sự thay đổi quy hoạch và thể chế chính trị qua các thời kỳ: phong kiến, Pháp thuộc và sau cách mạng. Kho tàng kiến trúc đô thị ngày nay là kết quả của quá trình phát triển và kế thừa qua các thời kỳ ấy.
– Kiến trúc truyền thống thời kỳ phong kiến, nhà ở và công trình công cộng thời kỳ Pháp thuộc giai đoạn 1888-1945, kiến trúc công cộng thời kỳ sau cách mạng giai đoạn 1954-1985, kiến trúc khu vực 36 phố phường với các giá trị nghệ thuật được khẳng định là những nhân tố chính tạo nên một bản sắc kiến trúc cho Hà Nội.
– Thời kỳ đổi mới, kiến trúc phát triển không ổn định, phá vỡ trật tự xây dựng trở thành bài học cần khắc phục, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng với mục tiêu xây dựng bộ mặt kiến trúc thủ đô hiện đại và giàu bản sắc.
THS .KTS Ngô Trung Hải
Bình luận của bạn