Có lẽ không ở đâu người ta lại có cái thú ngồi vỉa hè uống trà đá như ở Hà Nội. Chẳng kén không gian, mà cũng không phải bày biện gì nhiều, trà đá xuất hiện ở khắp mọi nơi từ vỉa hè, gốc cây, cho đến mọi ngõ hẻm như một thói quen giản dị gắn với cuộc sống đô thị hàng ngày. Không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị hay cảm xúc hay thời gian... tất cả quanh ly trà đá với những mẩu chuyện "không đầu, không cuối" như phần nào gác lại lo toan cơm, áo... để rồi những thứ đó dường như đã tạo nên một nét văn hóa bình dân và gần gũi của người Hà Nội
Không phải là thức uống cao sang, không nằm trong “danh mục” nghệ thuật trà của Việt Nam, tuy nhiên trà đá lại có mặt khắp nơi từ nông thôn ra thành thị. Với người Hà Nội, trà đá tối hè như một phần không thể thiếu, nó trở thành thói quen thường trực, nên nét văn hoá bình dân độc đáo .
Nếu như người Sài Gòn có văn hóa uống cafe bệt thì người Hà Nội có văn hóa trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
“Trung tâm văn hóa của một khu phố”
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng nghe đến câu nói: “Hà Nội không vội được đâu”. Trà đá vỉa hè đã trở thành một thứ văn hóa rất độc đáo của người Hà Nội. Một điều giản dị, gần gũi bình thường nhưng len lỏi vào đời sống một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Để thấy lâu lâu không ngồi thì nhớ, thấy xuyến xao như Trịnh Công Sơn đã từng thốt lên rằng: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Trà đá vỉa hè được người Hà Nội lẫn du khách nước ngoài tìm đến như một thói quen, nhấm nháp vị chan chát, rồi ngọt dần trong miệng mát xuống tận ruột, hòa mình trong những chuyện “không đầu - không cuối”.
"Đồ nghề" của người chủ cũng chỉ gồm một chiếc bàn nhỏ với vài ba chén sứ ngả vàng, dăm bảy loại lọ thủy tinh trắng đựng nào là kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dừa cùng một hộp kính đủ loại thuốc lá, thuốc lào và một chiếc điếu cày.
Không treo bày bảng hiệu, cũng chẳng màu mè trang hoàng nhưng không gian tổng thể giản dị ấy ai cũng có thể ngồi. Ở đó không có sự phân biệt giới tính, tuổi tác, hay học vấn. Từ những cụ già, anh công nhân, bác thợ điện, nhóm sinh viên hay cả những nhân viên công sở chỉnh tề trang phục đều có mặt tại những bàn trà đá vỉa hè.
Trà đá vỉa hè như một thói quen ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của con người tại thủ đô nhộn nhịp. Cốc trà đá bình dân mà vơi đi cả cơn khát cùng sự khó chịu trong ngày hè nóng nực, cái oi nồng của nắng hạ còn kéo sang cả tiết trời đầu thu.
Có lẽ, đằng sau tất cả những ồn ào và xô bồ thì trà đá vỉa hè là một nét văn hóa đậm chất riêng của Hà Nội. Đừng vội đánh đồng những con người ngồi vỉa hè đó là những người vô công rồi nghề, ít học và nông nổi, suy cho cùng, chuyện đời quanh chén trà nó có nhiều cái thú, có nhiều cái mà chẳng sách vở, trường lớp nào dạy bạn.
Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng, quán trà đá là “trung tâm văn hóa” của cả một khu phố hay với cái tên kêu hơn “thông tấn xã vỉa hè”. Bên cốc trà đá, người ta nói mọi thứ từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến y tế, thể thao, có thể là cả chuyện đầu ngõ cuối xóm.
Sự lắng đọng của tâm hồn
Không phải ai cũng đến với trà đá vỉa hè để “chém gió”, có người đến với nó để tìm sự bình yên giữa cuộc sống đầy xô bồ này. Giữa góc quán quen, tôi đã thấy những người xoay xoay cốc trà, ánh mắt nhìn xa xăm, thỉnh thoảng rít từng hơi thuốc lá...
Khói thuốc và khói trà hòa quyện với nhau trong không gian của một sự trở về với hoài niệm, trở về của chính tâm hồn mình, bản ngã mình giữa nhịp sống đầy bon chen ngoài kia. Họ đến lặng lẽ, uống lặng lẽ và đi cũng lặng lẽ như vậy.
Dường như trà đá vỉa hè đã trở thành chốn nghỉ chân của tâm hồn, để người ta tạm quên đi những gánh nặng cơm áo gạo tiền, quên đi những chuyện buồn nhỏ nhen vặt vãnh, để thấy lòng mình rộng hơn, vị tha hơn. Đôi khi nó là nơi ngồi lặng ngoái lại nhìn cuộc đời để thấy những biến cố thăng trầm suốt những năm tháng dài đã qua, và hướng về tương lai với những hy vọng tươi sáng còn đang ấp ủ.
Bình luận của bạn