Giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại (Phú Yên) tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, số 28 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thứ 5, 09/01/2025, 14:48 (GMT+7)

Chia sẻ

Triển lãm giới thiệu nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại, tỉnh Phú Yên diễn ra từ 19/4 đến hết ngày 15/5 tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, số 28 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Photo - May 2024

Giới thiệu làng nghề thổ cẩm Xí Thoại

Khám phá nét đẹp huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên 

Xí Thoại là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cũng là làng nghề truyền thống đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có thời điểm, nghề dệt ở đây bị mai một.

Với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị nghề thủ công truyền thống, quảng bá nét đẹp văn hóa địa phương, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức, giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên tại Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội.

Nghề dệt thổ cẩm được xem là một nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Gần đây, nghề dệt được hồi sinh nhờ vào các chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số.

Theo những người cao tuổi tại thôn Xí Thoại, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống tồn tại hàng trăm năm trước của đồng bào dân tộc Ba Na. Riêng tại thôn Xí Thoại, nghề dệt bắt đầu xuất hiện ở các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần dần được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ra các thôn khác của xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

Bà So Thị Nghiệp (82 tuổi), người trực tiếp truyền nghề ở thôn Xí Thoại cho biết: “Ngày xưa, các cô gái Ba Na khoảng 14-15 tuổi đã bắt đầu học dệt để may váy, quần áo, dệt những tấm khăn để địu con đi rẫy. Còn thế hệ trẻ bây giờ hầu như không biết dệt, vì thế tôi đã cố gắng truyền nghề và luôn nhắc con cháu rằng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm là giữ linh hồn của đồng bào mình. Đó là nét văn hóa đặc trưng, nếu không giữ gìn thì sẽ dần mai một rồi mất đi”.

“Chị em dần yêu thích công việc này nên hăng hái đăng ký tham gia tổ dệt thổ cẩm. Ngoài dệt trang phục truyền thống, chúng tôi còn làm ra hàng chục sản phẩm khác như: túi đựng điện thoại, khăn choàng cổ, túi đựng phụ kiện. Các sản phẩm cũng đã dần tiếp cận thị trường, giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định”, chị La O Thị Tím, thành viên tổ dệt phấn khởi nói.

Chị Sò Thị Chuyển, nghệ nhân làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết: “Đặc sắc nhất là đan máy chỉ có một mặt thôi, còn như dệt bằng tay ở Phú Yên có hai mặt, mặt trước, mặt sau rất rõ nét. Trang phục nam và trang phục nữ, hoa văn cũng tương tự nhưng khác nhau là nam chỉ áo khoác ngắn tay, còn nữ áo dài tay, đặc biệt là trang phục nữ có những phụ kiện, làm từ cây tên Ca liếc, cây này ra hoa, ra trái, già rồi mới lấy hạt, phơi thêm 2-3 nắng nữa mới gắn lên áo. Điểm khác biệt nữa là có một cái mũ quấn lên đầu, có một dây để mình thả tóc rồi quấn lên. Lễ hội là mình phải mặc những trang phục này, dệt xong một bộ này chắc cũng hơn 1 tháng”.

Thời gian qua, huyện Đồng Xuân đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên tổ dệt thổ cẩm tham gia các lớp đào tạo nghề, tham gia xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh sản phẩm gắn liền với thương hiệu của làng nghề dệt thổ cẩm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP, và hiện nay, đã có 40 hộ tham gia vào sản xuất dệt thổ cẩm.

Với gần 80 năm đưa vào hoạt động, làng nghề dệt thổ cẩm đã sản xuất ra nhiều sản phẩm đa dạng kiểu dáng, màu sắc để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân và phục vụ khách du lịch, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định với nhiều mặt hàng sản phẩm du lịch phong phú, như: vải thổ cẩm, trang phục của người đồng bào dân tộc Ba Na, ví, túi thơm, khăn choàng,... tạo thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đến với sự kiện, khách tham quan được thưởng thức tài nghệ dệt thổ cẩm trên khung cửi của các nghệ nhân làng Xí Thoại, được hướng dẫn mặc trang phục của người Ba Na, được tìm hiểu ý nghĩa của hoa văn cũng như các phụ kiện trên trang phục.

Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân được hình thành từ năm 1945, ban đầu xuất hiện ở các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần dần được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

Thổ cẩm là loại vải được dệt thủ công từ các sợi vải có nguồn gốc từ cây lanh, cây bông và cây gai. Bề mặt vải thổ cẩm được dệt rất chi tiết, có các ô hoa văn nổi lên như thêu bằng tay, nhưng thực chất tất cả quá trình để tạo ra tấm vải thổ cẩm đều được thực hiện trên khung cửi. Vải thổ cẩm được làm thủ công bởi những người dân xã Xuân Lãnh.

Mỗi hoa văn được dệt lên vải thể hiện cho từng bản sắc riêng của dân tộc nơi đây. Dệt thổ cẩm thường khó hơn rất nhiều vì phải nhớ từng con chỉ và hoa văn để thay các ống chỉ màu cho đúng. Nếu trong quá trình dệt có bị sai hay quên thì phải tháo ra và sửa ngay lại chỗ đó.

Với lối tư duy đơn giản, các họa tiết trong các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Bana là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời - đất, âm - dương lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học. Những hoa văn trên bề mặt vải thể hiện cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Ngoài ra hoa văn còn biểu tượng cho thiên nhiên, rừng núi, hoa lá.

Với các màu chủ đạo là trắng, đỏ và đen. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu. Màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Trong các màu thì đồng bào Ba Na coi trọng màu đen hơn cả và tôn sùng nó như một sức mạnh siêu nhiên.

Theo TS. Trần Đoàn Lâm, sự kiện Giới thiệu thổ cẩm Xí Thoại diễn ra tại thủ đô Hà Nội – “tấm gương phản chiếu những tinh tuý vùng miền của đất nước, cũng như “đầu tàu của cả nước về bảo tồn, phát huy di sản” sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm văn hoá, du lịch của tỉnh Phú Yên, mở ra triển vọng về đầu ra cho các hộ làm nghề, cũng như tiềm năng phát triển du lịch làng nghề trong tương lai./.

Nguồn - Biên tập: 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác