Đình làng Vạn Phúc thờ tổ nghề dệt lụa

Chủ nhật, 21/07/2024, 09:49 (GMT+7)

Chia sẻ

Theo thần phả làng Vạn Phúc, đức thành hoàng làng là bà Ả Lã Đê Nương thuộc dòng dõi Hùng Vương. Niên hiệu sắc phong là Nga hoàng Đệ nhị vương phi. Sau khi xây xong thành Đại La, bà cùng chồng là tướng Cao Biền di du ngoạn qua đất Vạn Bảo, thấy núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, có ngôi chùa ở bên ngoài khu dân cư, hai bên giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh. Từ đó, bà xin ở lại dạy dân nghề canh cửi. Sau khi bà mất, triều đình phong thần hiệu, dân làng tôn thờ là thành hoàng làng.


Sep 2019



Vạn Phúc xưa là trang Vạn Bảo có dòng sông Nhuệ uốn quanh thơ mộng. Cảnh quê theo lời kể của người già là những nương dâu ngút ngàn xanh mướt bên sông. Lụa dệt xong trải dài hong nắng cả triền đê. Nay làng lên phố, đường sá vây quanh tấp nập. Thế nhưng chỉ cần bước qua tam quan, khung cảnh làng quê truyền thống hiện ra với cây đa, giếng nước, mái đình, phiên chợ chiều quê. Nằm ở vị trí trung tâm khu dân cư, đình Vạn Phúc là công trình văn hóa tâm linh gắn bó mật thiết với người dân nơi đây.

Có một làng nghề dệt cổ nằm bên dòng Nhuệ giang đã trải qua nghìn năm vẫn hiện hữu bình dị giữa lòng Hà Nội. Người thợ dệt Vạn Phúc (Hà Đông) vẫn tự hào về sản phẩm do bàn tay mình làm ra.
 
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc phấn khởi nhắc đến câu ca: “Dáng ai đi trong ngàn năm thanh lịch/ Tà áo nào không phải lụa Hà Đông”.

Đã ngoại thất thập nhưng đôi bàn tay ông Hà vẫn khéo léo nối sợi tơ bị đứt trên khung cửi. Tôi thực sự bất ngờ khi biết đôi bàn tay ấy đã từng cầm súng. Ông Hà là thương binh hạng 3/4. Người chiến sĩ đặc công trở về sau cuộc chiến đã tự nguyện gắn bó đời mình với nghề truyền thống quê hương. Cái nghề mà từ thuở ấu thơ, những đứa trẻ trong làng đã được nghe tiếng lách cách thoi đưa. Để rồi sau này được bầu là Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, ông cùng với các nghệ nhân phát triển làng nghề ngày thêm rực rỡ. Ông Hà chia sẻ: “Sống được với nghề, những người thợ dệt chúng tôi luôn tri ân tổ nghiệp. Nhờ có tổ khai canh, khai cơ mà con cháu mới được no ấm, thịnh vượng như thế này”.

Đình Vạn Phúc thờ tổ nghề dệt lụa làm thành hoàng.

Đình Vạn Phúc thờ tổ nghề dệt lụa làm thành hoàng. 

Hằng năm, tại đình Vạn Phúc, nhân dân tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng. Lễ hội đình làng là sự kiện văn hóa đặc sắc của địa phương. Tự hào về chốn tổ nghề lụa, ông Phạm Khắc Hà cho biết thêm: “Được sự nhất trí của chính quyền địa phương, hội làng tổ chức nhiều hoạt động như lễ dâng hương tế cáo tổ nghề, trưng bày các sản phẩm lụa truyền thống, tổ chức biểu diễn thời trang thiết kế từ lụa tơ tằm Vạn Phúc, tôn vinh các cơ sở sản xuất. Đây còn là dịp để người thợ dệt tri ân tổ nghề, thêm tự hào về nghề truyền thống của quê hương”.

Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc được lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển. Theo bà Lê Thị Kim Thư, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc, từ năm 2014, Vạn Phúc đã được công nhận là làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Thương hiệu lụa Vạn Phúc đã vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến Vạn Phúc, du khách không chỉ thích thú ngắm nhìn những tấm lụa rực rỡ sắc màu mà còn ấn tượng với ngôi đình thờ tổ nghề hội tụ nét đẹp tinh hoa, lưu giữ mỹ tục khả phong của người dân Vạn Phúc.

Bài và ảnh: MINH THU

Bình luận của bạn

Tin khác