Đình Làng Thanh Am

Thứ 7, 10/08/2024, 21:58 (GMT+7)

Chia sẻ

Thanh Am là một làng Việt cổ, có tên Nôm là Đuống, vì vậy mà dòng sông chảy qua đất này cũng được gọi là sông Đuống, chiếc cầu sắt bắc sau này cũng gọi là cầu Đuống, nhà máy Diêm - Gỗ mới mọc lên sau khi hòa bình (1954) cũng gọi là nhà máy Diêm - Gỗ cầu Đuống.

Làng Đuống ở phía bắc Thủ đô 8 cây số ngay bên quốc lộ 1, dân cư trù phú kể từ thế kỷ 16 và tên làng do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt là Hoa Am, đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) vì kiêng húy nên mới đổi là Thanh Am (giống như huyện Kim Hoa đổi là Kim Anh …), nay thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.


thg 6 2022 - Đường Ngô Gia Tự, lối vào 


12/2022


Di tích Đình Thanh Am đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1990

Trước đình là giếng hình bán nguyệt và hồ rộng với cánh đồng thoáng mát một màu xanh của lúa ngô khoai. Đình có quy mô kiến trúc lớn về chiều cao lẫn mặt bằng. Đình gồm 7 gian trên diện tích 328m2, chiều dài 29m, chiều rộng 11m. Mái lợp ngói mũi hài, dạng 4 mái với các đầu đao uốn cong. Chính giữa bờ nóc đắp Mặt trời lửa, hai bên có Rồng chầu, các bộ vị đều theo kiểu "chồng dường giá chiêng, hạ kè" trên 6 hàng chân. Giá chiêng được tạo thành bởi hai cột trốn, đặt trên câu đầu to dày. Đường nách được chồng thưa, đầu ăn sâu chân mộng cột quân và cột hiên. Các hàng cột có quy mô lớn đặt trên những phiến đá tảng to dầy. Cột cái cao 5,1m, chu vi 1,6m. Cột quân chu vi 1,4m. Cột hiên chu vi 1,2m. Cách mặt đất 30cm có những lỗ mộng hình chữ nhật, dấu vết của hệ thóng nền đình xưa kia. Bộ khung gỗ của Đại Đình được trang trí tỉ mỉ nhằm làm giảm bớt sự nặng nề cho vì chồng dường. Các con dường được trang trí hoa lá vân mây… bằng kỹ thuật chạm nổi, đường nét to mập cân xứng với kích thước của các dường. Đầu kẽ chạm sâu các hình Rồng Mây, phần trên cố hình tứ linh, tứ quý. Các câu đầu đều được gia công tỉ mỉ trau truốt song vẫn lộ rõ đặc trưng nghệ thuật của đời Lê Trung hưng và Nguyễn. Sau Đại Đình là Phương Đình có hai tầng mái Âm Dương. Tiếp đến là 3 gian Hậu Cung, tạo thành kết cấu hình chữ Công (I). Tả vu, Hữu vu là dãy nhà gạch nhỏ.

Dưới mái Đình cổ kính này cách đây hàng trăm năm, trải qua bao tháng năm ngôi Đình bị ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh làm mất đi phần nào về giá trị và độ bền vững của ngôi Đình tưởng như không giữ gìn được. Song với ý thức của nhân dân từ lòng tôn kính của những lớp người đi trước đã để lại cho con cháu kế tục truyền thống tốt đẹp với ý thức, đạo đức biết kính trọng tôn thờ những người có công với nước, với dân để làm nền tảng giáo dục các thế hệ mai sau. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân, các nhà hảo tâm công đức. Đình đã được trùng tu nhiều lần vào năm Kỷ Tị (1990) và năm Bính Tý (1996) với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Gần đây nhất là năm 2009 được UBND quận Long Biên đầu tư tu bổ toàn bộ các hạng mục giai đoạn 1 với kinh phí trên 17 tỷ đồng đây là công trình chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Đình Thanh Am - Phường Thượng Thanh đã được ghi nhận trong lịch sử. Đình thờ hai tướng võ thời Hai Bà Trưng là Đào Kỳ và Phương Dung, một Tướng văn thời Mạc là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Danh nhân văn hoá lớn của dân tộc vào thế kỷ thứ 16, một con người đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp văn hoá dân tộc, để lại cho hậu thế những tinh thần sáng chói. Từ vua chúa, sĩ phu học trò và nhân dân trong nước đều kính trọng ông, không những về tài năng học vấn mà còn về đức độ khí tiết. Đó là tấm lòng yêu nước thương dân căm ghét bọn áp bức bóc lột gây chiến tranh để tranh dành quyền lợi. Hiện Đình Thanh Am còn lưu giữ hiệu Sắc phong, Câu đối, Thần phả…

Phong tục cổ truyền và lễ hội truyền thống Thanh Am được diễn ra vào ngày mùng 9, 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

* Tục Rước nước

Thanh Am sống với nghề trồng lúa nước nên trong kễ hội của làng có Rước nước. Như chúng ta đã biết đối với nông nghiệp thì có 4 yếu tố quan trọng là nước, phân, cần, giống theo như người xưa tổng kết thì nước đứng hàng đầu. Rước nước là phong tục chung phổ biến của cư dân nông nghiệp, ẩn chứa điều mong muốn, niềm ngưỡng vọng ở trời đất cho mưa thuận gió hòa, nước nôi đầy đủ để hoa mầu tươi tốt, cây lúa nặng bông sai hạt, mùa màng bội thu… cuộc sống no đủ. Do vậy mà Rước nước trong ngày hội của Thanh Am có nét chung như ở các làng khác ở vùng đồng bằng châu thổ, nét riêng biệt có chăng là ở ven sông nên rước nước là rước từ sông về.

Dù ai đi Bắc vào Nam

Tháng Ba lễ hội Thanh Am nhớ về

Hội làng Thanh Am diễn ra vào cuối Xuân (tháng Ba) được tổ chức trong hai ngày từ ngày mồng 9 đến ngày 10 âm lịch. Ngày mồng 9 tất cả Ban tổ chức và nhân dân tập chung tại đình lúc 7 giờ sáng và tiến hành đi rước nước, địa điểm lấy nước là giữa dòng sông đuống, sau khi lấy nước về Đình sẽ tiến hành khai mạc lễ hội. Mồng 10 là chính hội. Không khí hội làm xóm làng náo nức hẳn lên. Mọi người quên đi những vất vả nhọc nhằn chạy theo thời vụ, cuốn theo mặt trời hai sương một nắng lận đận quanh năm suốt tháng. Giờ đây họ không phải sống cho riêng mình mà đang đem cuộc sống các nhân hòa vào nghĩa vụ chung. Từng người, từng nhà, từng giáp say sưa với công lo cho ngày hội của làng mình. Không những thế mà làm cho các làng lân cận, các làng kết chạ và ít nhiều khách thập phương cùng con cháu đi làm ăn xa cũng nhớ ngày trở về dự hội làng và đoàn tụ gia đình. Trước ngày hội, đường xá được phát quang, quét dọn sạch rác đường và cống rãnh, cờ ngũ sắc, cờ Tổ quốc cắm từ cổng làng, dọc theo đường làng cho đến Đình và Chùa. Các cụ ông chuẩn bị quần trắng áo thâm, khăn xếp, các chức sắc và Tư văn lo văn tế, tập tành nghi thức lễ bái. Đội tế nam xem xét chọn người, thay người đang có tang hoặc ốm yếu rồi ôn lại từng động tác theo từng câu hô xướng, theo nhịp trống nhịp chiêng… Nơi khác, các bà các cô gái làng rửa bát đĩa ấm chén, chuẩn bị hương hoa trái quả, cau trầu, bàn ghế, chiếu ngồi… Trai làng lo dựng rạp, mổ gà lợn… chạy đi chạy lại hỏi han công việc, miệng cười, miệng hát, rộn rã xóm làng từ khi gà gáy đến lúc tàn canh.

Hội làng Thanh Am xưa là thế đó. Lễ và Hội được kết thúc trong một tâm trạng thoải mái và phấn khởi. Ngày nay truyền thống đó vẫn giữ được và nhiều đổi mới hơn, thêm nhiều trò vui lành mạnh hơn.

* Tục kết chạ

Tục kết chạ là tục kết nghĩa giữa các làng của người Việt ta, biểu hiện tính cộng đồng – một trong những truyền thống lâu đời. Là một phong tục đẹp, phổ biến và có ý nghĩa quan trọng, vì nó đã liên kết được nhiều làng, tạo ra một sức mạnh tổng hợp để làm nhiệm vụ lớn hơn ở một phạm vi rộng lớn. Vì vậy việc kết nghĩa giữa các làng cũng là một yêu cầu cần thiết của bản thân mỗi làng, để xây dựng và bảo vệ cuộc sống làng mình. Như Thanh Am kết nghĩa với Cống Thôn; kết nghĩa với Lê Xá vì cùng thờ chung 2 vị thánh là Đào Kỳ và Phương Dung – Tướng kiệt xuất của Hai Bà Trưng – Người trị nhậm hạt Đông Ngàn thuở xưa.

xuatban.thuongthanh

Bình luận của bạn

Tin khác