Đình Đồng Thuận – thờ phụng danh tướng Lý Tiến thời Hùng Vương thứ 6 - Đình Đồng Thuận thờ thành hoàng Lý Tiến, Ngài tham gia cùng Thánh Gióng ở vùng Vũ Ninh đánh giặc Ân, bị thương rất nặng, ngài chạy về tới quê nhà mới hoá. Mộ và đền thờ phụng nằm ngay trên nền nhà của ngài.
Phố Hàng Cá ở trên đất thôn Đồng Thuận, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Trước kia, sông Tô Lịch từng chảy ra sông Hồng qua đầu phố này, nơi đó có một chỗ tập trung bán cá tên là trại Tiên Ngư (nghĩa là “trại cá tươi”), nằm ở khu vực giáp ranh giữa phường Đông Hà và phường Vĩnh Thái. Ngày nay vẫn còn di tích của ngôi đình thôn Đồng Thuận ở số nhà 27, cũng gọi là đình Hàng Cá hoặc đền Lý Tiến.
Đình Đồng Thuận thờ thành hoàng Lý Tiến, một trong những vị anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên của nước ta. Theo truyền thuyết, Ngài sinh ra và lớn lên ở trại Tiên Ngư, dưới đời Hùng Vương thứ 6. Ngài tham gia cùng Thánh Gióng ở vùng Vũ Ninh đánh giặc phương Bắc nhưng bị thương rất nặng, chạy về tới quê nhà mới chịu hoá.
Nền nhà trở thành nấm mộ và về sau dân trại lập ngay bên mộ đó một ngôi đền thờ Ngài. Ngày nay di tích đền Lý Tiến tức đình thôn Đông Thuận ở số 27 phố Hàng Cá thực ra chỉ là phần hậu cung còn sót lại sau khi người Pháp mở các đường phố mới đi qua thôn này (ngoài ra, Ngài còn được thờ ở đình Ngũ Giáp, số 54 phố Hàng Cót gần đó).
Ngôi đền Lý Tiến cách phố Hàng Buồm 100m và cách phố Trần Nhật Duật (xưa là đê sông Hồng) chỉ khoảng 500m. Cho đến cuối thế kỷ XIX từng có chợ Cầu Đông và một cái hồ lắm cá ở phía đông phố Hàng Cá, tên là hồ Hàng Đào. Phía nam hồ này lại có một xóm ngư dân khác, nay còn di tích ở tên phố Gia Ngư.
Sau khi chiếm thành Hà Nội và lập quy hoạch mở rộng đô thị, năm 1889 người Pháp lấp khúc sông Tô Lịch từ phố Phan Đình Phùng đến phố Chợ Gạo bây giờ, lấp cả hồ Hàng Đào và xây một ngôi chợ mới để chuyển chợ Cầu Đông về đó, gọi là chợ Đồng Xuân. Họ dịch nghĩa tên phố Hàng Cá sang tiếng Pháp là “Rue de la Poissonnerie”. Đến giữa năm 1945, bác sĩ Trần Văn Lai thị trưởng TP Hà Nội đã lấy lại tên cũ đặt cho phố. Tên phố Hàng Cá từ đó được giữ nguyên đến nay.
Bình luận của bạn