Địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc và tạm chiếm

Thứ 6, 26/07/2024, 14:55 (GMT+7)

Chia sẻ

Các đơn vị hành chính do chính quyền qui định theo yêu cầu quản lý nhà nước nên luôn luôn biến động với việc thay đổi đơn vị hành chính, xoá bỏ hay thành lập những đơn vị mới và lúc tách, lúc nhập rất phức tạp.

quanh-he1bb93-hoc3a0n-kie1babfm1-1.jpg

Lịch sử luôn diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định.Vì vậy xác định khung không gian của các sự kiện giữ một vị trí quan trọng trong nghiên cứu lịch sử. Khung không gian ở đây liên quan đến nhiều mặt như không gian địa lý, môi trường sinh thái, không gian địa-chính trị, địa- văn hoá, không gian hành chính,...Không gian hành chính lại gắn liền với các đơn vị hành chính, các địa danh lịch sử... 

Giai đoạn này ghi nhận nhiều chuyển biến sâu sắc của địa giới Hà Nội.

Giai đoạn từ năm 1873 đến năm 1954 là một giai đoạn ghi nhận nhiều chuyển biến sâu sắc của Hà Nội, từ một đô thị của nhà nước phong kiến độc lập trở thành thủ phủ của chính quyền thực dân, từ quy hoạch và kết cấu của một đô thị mang dáng vẻ phương Đông đi vào quá trình cận đại hoá dưới ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa thực dân Pháp. Những tư liệu, tài liệu về địa giới không chỉ cung cấp những hiểu biết về những thay đổi trên các lĩnh vực quy hoạch, hệ thống các đơn vị hành chính, tên phố mà còn phản ánh những biến chuyển sâu sắc của Hà Nội về nhiều phương diện.

ản đồ Hà Nội năm 1873

Bản đồ Hà Nội năm 1873

Bản đồ Hà Nội năm 1891

Bản đồ Hà Nội năm 1891 

Để thiết thực góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử Hà Nội, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc đôi nét về tài liệu và tư liệu lưu trữ về địa giới hành chính Hà Nội hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đang lưu giữ một khối tài liệu, tư liệu lưu trữ rất lớn và đa dạng về Hà Nội nói chung và về địa giới hành chính Hà Nội nói riêng. Các tài liệu này mang những hình thức văn bản rất phong phú, đa dạng. Về chữ viết có văn bản chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ. Về thể loại văn bản cũng có nhiều loại từ chỉ dụ, nghị định, quyết định, tờ trình, tờ truyền, đơn từ, thống kê, biên bản,…cho đến các loại công văn giấy tờ, thư giao dịch giữa các cơ quan chính quyền các cấp…Ngoài một số bản sao, hầu hết là nguyên bản. Những tài liệu, tư liệu này chủ yếu phản ánh sự phân định danh giới của tỉnh và thành phố Hà Nội từ khi thành lập và quá trình thay đổi, bao gồm về việc thành lập, tách, sát nhập, chuyển đổi phạm vi quản lý, đổi tên, tái thành lập...từ tỉnh đến các phủ,huyện, tổng, xã, thôn; các khu phố, quận, phường; các tổng, xã, thôn, xóm thuộc các huyện ngoại thành từ 1873 đến 1954 và là nguồn tài liệu có giá trị đặc biệt về mặt sử học.

Khối các phông tài liệu tiếng Pháp:

Trong các phông tài liệu tiếng Pháp hiện bảo quản ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thì phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ là phông có nhiều tài liệu liên quan đến địa giới hành chính Hà Nội nhất. Tiếp đó là các phông Toà sứ Hà Đông, Sở Địa chính Hà Nội, Toà Đốc lý Hà Nội, và phông Sở Địa chính Bắc Kỳ.

Tài liệu của các phông này chủ yếu phản ánh quá trình thay đổi về địa giới hành chính của Thành phố Hà Nội, việc quy hoạch tổng thể của Thành phố và các khu phố nội, ngoại thành trong suốt thời kỳ dài hơn 80 năm từ 1873 đến 1954.

Các phông tài liệu tiếng Pháp còn có nhiều bản đồ, bản vẽ về địa giới các khu vực hành chính nội, ngoại thành được vẽ trên các chất liệu khác nhau. Đặc biệt, còn có bản đồ về địa giới hành chính Hà Nội các nằm trong phông Sở Địa dư Đông Dương và Sưu tập Bản đồ Hành chính các tỉnh.

Khối tư liệu tiếng Pháp:

Phần này gồm các sắc lệnh, nghị định, quyết định do Chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương ban hành có liên quan đến địa giới hành chính Hà Nội, được tập hợp từ một số ấn phẩm định kỳ như Công báo Đông Dương (Journal...), Niên giám Đông Dương (Annuaire de l’Indochine francais), Người hướng dẫn xứ bảo hộ Trung-Bắc Kỳ (Moniteur du Protectorat de l’Annam et du Tonkin), Công báo Hành chính Bắc Kỳ (Bulletin administratif du Tonkin).

Hệ thống văn bản pháp quy trong khối tư liệu tiếng Pháp này thực sự đóng góp vai trò bổ trợ cho các phông tài liệu lưu trữ tiếng Pháp.

Địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc (1858-1945) và thời kỳ tạm chiếm (1946-1954) qua tài liệu và tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I:

Hà Nội thời kỳ thực dân Pháp xâm lược (1858-1945):

Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội trước khi có sự công nhận của Triều đình Huế.

Ngày 01/10/1888, Triều đình Đồng Khánh ký chỉ dụ cắt Hà Nội dâng cho thực dân Pháp làm nhượng địa.

Ngày 3/10/1888, Toàn quyền Đông Dương Richaud chính thức đưa Hà Nội trở thành một thành phố theo chế độ nhượng địa.

Thành phố Hà Nội lúc này chỉ gồm các khu phố nội thành được chia thành 63 phường có diện tích 3km2 với số dân khoảng 270.000 người.

Ranh giới Hà Nội lúc bấy giờ được bắt đầu từ Hồ Tây đi theo hướng Bắc Nam dọc đường Bưởi đến Cầu Giấy lại chuyển theo hướng Đông Đông Nam dọc đê La Thành rồi kéo thẳng qua phố Khâm Thiên, đến khu vực hồ Thiền Quang lại quay về hướng Nam Đông Nam cho đến làng Lương Yên (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng).

Năm 1889, Hà Nội thành lập ngoại thành Hà Nội, gồm một số xã của các huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Từ Liêm, Thanh Trì.

Năm 1914, nội thành Hà Nội được chia thành 8 quận (Nghị định số 791 ngày 17/7/1914 của Đốc lý Hà Nội về việc chia Thành phố Hà Nội thành 8 khu). Năm 1915, ngoại thành Hà Nội đổi thành huyện Hoàn Long (trực thuộc tỉnh Hà Đông).

Bản đồ Hà Nội năm 1936

Bản đồ Hà Nội năm 1936

Năm 1942, Pháp sáp nhập một phần huyện Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội, thành lập “Đại lý đặc biệt Hà Nội” gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc phủ Hoài Đức, được chia thành 8 tổng, 60 xã.

Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Hà Nội khi đó gồm 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành. Ngày 21/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 77 về việc thành lập thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, hoặc Kỳ, thị xã thuộc Kỳ hoặc tỉnh. Theo đó Hà Nội trở thành thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, gồm 17 khu nội thành và 5 khu hành chính ngoại thành.

Hà Nội thời kỳ bị thực dân Pháp tạm chiếm (năm 1946 -1954):

Ngày 14/5/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt y chia thành phố Hà Nội ra làm 17 khu, mỗi khu có tên riêng:

1. Khu Trúc Bạch

2. Khu Đồng Xuân

3. Khu Thăng Long

4. Khu Đông Thành

5. Khu Đông Kinh Nghĩa Thục

6. Khu Hoàn Kiếm

7. Khu Văn Miếu

8. Khu Quán Sứ

9. Khu Đại Học

10. Khu Bẩy Mẫu

11. Khu Chợ Hôm

12. Khu Lò Đúc

13. Khu Hồng Hà

14. Khu Long Biên

15. Khu Đồng Nhân

16. Khu Vạn Thái

17. Khu Bạch Mai

Ngày 26/5/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt y chia ngoại thành Hà Nội ra thành 5 khu:

1. Khu Lãng Bạch gồm 23 làng

2. Khu Đại La gồm 31 làng

3. Khu Đống Đa gồm 28 làng

4. Khu Đề Thám gồm 13 làng

5. Khu Mê Linh gồm 11 làng

Ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I đã thông qua Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Theo đó, thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 13/6/1949, Nghị quyết số 142-NQ/KC- Hà Nội của Uỷ ban Khánh chiến Hành chính Hà Nội chia nội thành Hà Nội làm 2 quận, lấy tên là quận 1, quận 2 và chia ngoại thành làm 3 quận, lấy tên là quận 4, quận 5 và quận 6.

Địa giới các quận nội, ngoại thành Hà Nội ấn định như sau:

Nội thành: lấy đường Kim Mã, Hàng Đẫy, Tràng Thi, Tràng Tiền ra tới bờ sông Đại Hà làm giới hạn.

Quận 1 gồm 9 khu phố và 7 làng

Quận 2 gồm 8 khu phố và 21 làng

Ngoại thành:

Quận 4 gồm 46 làng

Quận 5 gồm 27 làng

Quận 6 gồm 40 làng

Ngày 18/9/1950, Chính phủ ra Nghị định số 46-TTg hợp nhất các quận Hà Nội thành hai quận nội thành và ngoại thành. Theo đó, hai quận 1 và 2 nội thành hợp nhất thành một quận lấy tên là quận Nội thành Hà Nội, ba quận 4, 5 và 6 ngoại thành Hà Nội hợp nhất thành một quận lấy tên là quận Ngoại thành Hà Nội.

Và ngày 28 tháng 2 năm 1951 Thị trưởng Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị định số 138-ND (được Thủ hiến Bắc Việt duyệt y) về việc đặt tên mới các phố trong thành phố Hà Nội (có bảng tên phố mới và bảng đối chiếu phố cũ ra phố mới kèm theo).

Trên đây là một số nét về địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc và tạm chiếm qua tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I-Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Hy vọng bài giới thiệu này phần nào sẽ có ích đối với độc giả quan tâm đến vấn đề Hà Nội nói chung và địa giới hành chính Hà Nội nói riêng./.

Nguyễn Thu Hằng - Phòng Tổ chức sử dụng tài liệu -TTLTQGI

Tài liệu tham khảo:

1. Công báo Hành chính Bắc Kỳ. J183

2. Địa chính Bắc Kỳ. Hồ sơ 536, 577

3. RST 11628

4. Địa chính Hà Nội 804, 801, 816

5. GGA 17

Bình luận của bạn

Tin khác