Di tích cách mạng nhà số 5D Hàm Long

Thứ 2, 05/02/2024, 14:31 (GMT+7)

Chia sẻ

Di tích nhà số 5D Hàm Long - Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3/1929) thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Từ cuối năm 1928, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng lên cao, sự giác ngộ giai cấp của hội viên và quần chúng được nâng cao, xu hướng cộng sản chủ nghĩa ngày càng rõ rệt. Trước tình hình đó, Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng không còn đủ khả năng lãnh đạo, cần phải có một tổ chức chặt chẽ hơn, có cương lĩnh rõ ràng, có phương pháp hoạt động đúng đắn với cơ sở quần chúng rộng rãi hơn mới có thể đáp ứng được những đòi hỏi của phong trào, lãnh đạo phong trào đi lên theo con đường cách mạng vô sản.

 Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội -Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3/1929).

Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội -Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3/1929).

Những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội nhận thức rõ những bức xúc của lịch sử và xu hướng tất yếu của phong trào cách mạng Việt Nam đã bí mật họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội để thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một đêm cuối tháng 3/1929, 7 người đã họp và quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên. Chi bộ này gồm 8 người: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc vì có công tác đột xuất nên vắng mặt, đồng chí đã tuyên bố tán thành nghị quyết của cuộc họp nên được công nhận là thành viên chính thức của chi bộ. Đồng chí Trần Văn Cung (bí danh Quốc Anh) được cử làm Bí thư chi bộ.

Tại hội nghị này, chi bộ đã đề ra một số nhiệm vụ trước hết là tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, việc phát triển tổ chức công hội, nông hội, việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại Hà Nội tháng 3-1929 là một thắng lợi quan trọng của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với tư tưởng phi vô sản và các xu hướng quốc gia khác, mở ra quá trình trực tiếp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hà Nội, nơi kết tinh truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, nơi tập trung giai cấp công nhân, đã vượt qua mọi sự khủng bố, phá hoại của kẻ thù để quyết tâm phất cao ngọn cờ cách mạng do Nguyễn Ái Quốc giương lên. Tại Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ II (28-3-1929), chủ trương thành lập Đảng Cộng sản được nhiệt liệt tán thành. Nhưng đến Đại hội Thanh niên toàn quốc họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) từ ngày 1-5-1929, đề nghị thành lập Đảng Cộng sản của đoàn Bắc Kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự dẫn đầu đã bị Tổng bộ Thanh niên bác bỏ. Ngay sau đó, đoàn Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về, triệu tập cuộc họp tại ngõ chùa Hương Tuyết (Bạch Mai) để bàn việc xúc tiến thành lập Đảng. Và ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức thành lập. Chính cương và Tuyên ngôn của Đảng được công bố. Tờ báo Búa Liềm, cơ quan Trung ương của Đảng và các tổ chức quần chúng của Đảng cũng lần lượt ra đời tại Hà Nội. Chi bộ 5D Hàm Long đã thực sự trở thành nòng cốt của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ngôi nhà 5D Hàm Long là một trong số 4 nhà 5A, 5B, 5C, 5D cùng dãy nhà gạch một tầng của một gia đình tư sản cho thuê. Riêng nhà 5D có lợi thế bởi bên trái giáp một ngõ hẻm nhỏ thông sang phố Lê Văn Hưu, khi bị “động” các đồng chí đang họp có thể luồn ra phía sau vượt qua bức tường theo ngõ này thoát ra ngoài. Nhà 5D Hàm Long chỉ có một gian diện tích 24m2, phía sau có sân nhỏ, bếp và nhà vệ sinh.

Cuối năm 1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã thuê nhà 5D làm trụ sở bí mật và giao cho đồng chí Trần Văn Cung (Quốc Anh) cùng vợ là Nguyễn Thị Liên đến ở và trông nom ngôi nhà. Đồ đạc, tài sản giá trị nhất chỉ có bộ tràng kỷ và một chiếc hòm hai đáy dùng để cất giấu tài liệu. Trên nắp hòm đặt chiếc đèn dầu con, ban đêm đồng chí Cung thường dùng mặt hòm làm bàn để làm việc.

 Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932), một trong bảy người tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nước ta.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932), một trong bảy người tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nước ta.

Thường xuyên đi lại và làm việc tại nhà 5D Hàm Long còn có các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu… Cũng tại đây, các đồng chí đã thảo luận về vấn đề cần thiết phải tổ chức ở Việt Nam một Đảng Cộng sản gồm những người tiên tiến giác ngộ quyền lợi giai cấp công nhân, theo chủ nghĩa Mác - Lênin để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ngày 25-11-1959, nhà số 5D Hàm Long được khôi phục thành nhà lưu niệm, trưng bày các tài liệu, kỷ vật gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Bộ tràng kỷ, bộ ấm tích, 4 ghế đẩu, một giường gỗ, 2 hòm gỗ, nồi chảo, bát đĩa… là những hiện vật đã được phục chế.

 Những kỷ vật trong ngôi nhà số 5D Hàm Long.

Những kỷ vật trong ngôi nhà số 5D Hàm Long.

Năm 1964, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội chính thức công nhận nhà số 5D Hàm Long là Di tích cách mạng và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 29-VH/QĐ-1964 công nhận là Di tích cách mạng Hà Nội.

Năm 2000, nhà 5D Hàm Long đã được tu bổ, cố gắng khôi phục diện mạo như thời điểm ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3/1929).

Di tích 5D Hàm Long hiện nay do Bảo tàng Hà Nội trực tiếp quản lý, các đồ đạc bày biện trong nhà còn lại gần như nguyên vẹn.

Di tích 5D Hàm Long cùng với các di tích 90 Thợ Nhuộm, 48 Hàng Ngang, Quảng trường Cách mạng tháng Tám… đã tô thêm cho trang sử hào hùng của Cách mạng Việt Nam.

Lê Khiêm (tổng hợp)

Nguồn:

- Doãn Đoan Trinh, “5D Hàm Long - Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên”, Hà Nội - Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh thắng,H.:Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2000, tr.16-17.

- Doãn Đoan Trinh, Nguyễn Doãn Tuân, Nguyễn Thị Thanh Mai, “Di tích cách mạng nhà số 5D Hàm Long - Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3 năm 1929”,Hà Nội - Di tích cách mạng và kháng chiến, H.: Chính trị quốc gia, 2005, tr. 42-44.

- Lưu Minh Trị, “Nhà số 5D Hàm Long, nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên”, Hà Nội danh thắng và di tích, tập 2, H.: Nxb Hà Nội, 2011, tr.784-786.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác