Đền Tiên Hạ

Thứ 2, 30/09/2024, 17:37 (GMT+7)

Chia sẻ

Đền có từ thời Lê, được đại tu năm 1866. Thờ danh thần Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370). Vị trí: số 48 ngõ Phất Lộc, P. Hàng Buồm, 2VM3+PG Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. 

Giữa ngõ Phất Lộc. Panorama

Ngõ Phất Lộc - Nguyễn Hữu Huân ©NCCong 2019

Lịch sử: Số nhà 48 ngõ Phất Lộc là một trong những ngôi đền ở Hà Nội có thờ Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370), một danh thần thời Trần. Hiện tại nơi đây cũng thu hút khá đông con nhang đệ tử của đạo Mẫu. Đền Tiên Hạ được tôn tạo, sửa chữa nhiều lần, trong đó phải kể đến lần trùng tu lớn vào năm 1866 đã được văn bia ghi lại.

Nguyễn Trung Ngạn  một danh thần làm quan suốt mấy đời vua Trần. Ngài vốn tên là Cốt, tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, nổi tiếng thần đồng, đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi. Năm 1324, vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu, Dương Tông Thuỵ sang báo tin lên ngôi. Hai sứ thần đi lại nghênh ngang hống hách bị ngài lấy lý lẽ bẻ lại. Hợp Mưu đuối lý phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua Trần rất hài lòng.

Đền Tiên Hạ trong ngõ Phất Lộc. Ảnh ©NCCong 2019

Ngài có khả năng kiêm quản: năm 1332, vừa phụ trách việc trong triều, lại vừa làm An phủ sứ Thanh Hoá; năm 1337 vừa phụ trách Viện Quốc sử, lại vừa làm An phủ sứ Nghệ An. Hồi làm Tào viện sứ ở Khoái Châu, ngài có kế hoạch đặt kho chứa thóc để cấp chẩn cho dân đói, vua Trần xuống chiếu cho các lộ trong nước phỏng theo mà làm. Ngài từng theo các vua ra trận, đánh Ngưu Hống, Ai Lao.

Nguyễn Trung Ngạn cũng thành thạo về luật pháp, dựng nhà xử kiện, cùng với Trương Hán Siêu biên soạn bộ “Hoàng Triều đại điển” và khảo soạn bộ “Hình Thư” để vua ban hành. Suốt mấy chục năm đảm nhiệm các chức vụ cao: Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, Đại học sĩ, ngài được ban tước Trụ quốc khai huyện bá, Thân quốc công.

Khi đi sứ, ngài đã tuân đúng phép tắc, giữ gìn quốc thể. Trải thờ 5 đời vua, ngài bàn luận, tâu bày phần nhiều bổ ích, văn chương, sự nghiệp nổi tiếng một thời. Tác phẩm chính để lại là “Giới Hiên thi tập”, được Lê Quý Đôn chép lại đầy đủ trong “Toàn bộ thi lục”. Phan Huy Chú khen thơ ngài hùng hồn, mạnh mẽ, có phong cách của thơ Đỗ Phủ.

Kiến trúc: của đền được bố cục theo kiểu chữ “Công”. Cổng xây kiểu vòm cuốn, trên nóc là một nậm rượu, hai bên có hai cột đồng trụ, đỉnh trụ trang trí hình búp sen. Qua cổng là một sân nhỏ lát gạch Bát Tràng. Cuối sân có tượng hai ông Hộ pháp canh giữ cửa ra vào, phía sau là khu thờ tự gồm: tiền tế, nhà cầu và hậu cung. Tất cả được khuôn lại trong hệ thống tường bao.

Tiền tế là căn nhà nhỏ một gian hai dĩ, làm theo kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, kết cấu bộ khung gỗ nhà tiền tế gồm 4 vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” các thanh xà, rường, hoành, kẻ, được bào trơn, bào soi. Nhà cầu gồm 1 gian có hình vuông, trần nhà được bưng kín bằng ván gỗ. Phần kết cấu gỗ được đặt trên 4 cột xi măng vuông 20 cm x 20 cm. Hậu cung gồm một gian hai dĩ chạy ngang. Các bộ vì đỡ mái làm theo kiểu quá giang trụ trốn, bào trơn. Chính giữa hậu cung xây một bệ gạch cao 80 cm, phía trên bài trí hai bộ long ngai bài vị thờ thần, được đặt trang trọng trong khám thờ chạm rồng.

Di vật: Hiện nay trong đền còn lưu giữ các di vật văn hoá có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, khám thờ… Đặc sắc nhất là hệ thống bia đá, gồm 5 tấm, trong đó có tấm bia “Tiên Hạ linh từ trùng tu bi ký” lập năm Bính Dần niên hiệu Tự Đức thứ 19 (1866).

Biên tập: 36phophuong.vn ;  Nhà tài trợ: Nhà Hàng Bia Hơi 1b Bắc Sơn  

Bình luận của bạn

Tin khác