Nhà số 22 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật – Hội quán Quảng Đông tại 22 Hàng Buồm
Qua các tài liệu liên quan đến cộng đồng người Hoa kiều ở Việt Nam, công trình Hội quán Quảng Đông tọa lạc tại 22 Hàng Buồm, Hà Nội đã có lịch sử hơn 200 năm. Vào đầu thế kỉ XIX, một nhóm người Hoa tiên phong từ vùng Châu thổ sông Châu Giang (Quảng Đông, Trung Quốc) di cư đến Hà Nội, đã gây quĩ xây dựng lên một ngôi đền (trong hai năm 1801 - 1802) để làm nơi hội họp và thờ cúng thần linh, dòng họ, tổ tiên ; đây chính là tiền thân của Hội quán Quảng Đông sau này. Trước và sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, để tự bảo vệ mình, Hoa kiều ở Hà Nội đã tham gia vào nhiều băng nhóm, hội đoàn địa phương như hội Quảng Đông, hội Phúc Kiến, hội trấn Cửu Giang, hay gia nhập đội quân Cờ đen hoạt động ở biên giới Việt - Trung do Lưu Vĩnh Phúc làm thủ lĩnh chỉ huy đấu tranh vũ trang chống lại quân Pháp. Ngôi đền ở Hàng Buồm được bảo vệ và gìn giữ bởi hội Quảng Đông, sau đó được đổi tên thành Hội quán Quảng Đông. Ngoài việc để tỏ lòng thành kính với thần linh và tổ tiên, Hội quán Quảng Đông còn mở các Trường tư thục Hoa kiều (tiền thân của Trường trung cấp Trung Hoa ở Hà Nội), và các lớp dạy võ.
Từ khi thành lập cho tới trước khi được trùng tu gần đây, trong lịch sử Hội quán Quảng Đông đã trải qua hai lần cải tạo, tái thiết và mở rộng qui mô lớn. Các thợ thủ công và vật liệu cần thiết phục vụ việc xây dựng đều được chuyển từ vùng Quảng Đông (Trung Quốc). Lần trùng tu đầu tiên diễn ra vào thế kỉ XIX, ngoài sự quyên góp của Hoa kiều tại Hà Nội, cũng có sự tài trợ một phần kinh phí từ chính quyền Hà Nội khi đó. Lần cải tạo mở rộng qui mô lớn lần thứ hai diễn ra vào thời Trung Hoa Dân Quốc, và hoàn thành vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 9 (1920). Các bức tường đá granite ở hai bên mặt trước của Hội quán có gắn danh sách quyên góp của Hoa kiều tại Hà Nội kèm theo số tiền họ quyên góp.
Ông Tôn Trung Sơn - người tiên phong của Cách Mạng Trung Quốc, để lật đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh, trốn lệnh truy nã và gây quĩ cho cách mạng, đã nhiều lần trú ngụ tại Hội quán Quảng Đông. Các hoạt động của ông nhận được sự hưởng ứng tích cực của Hoa kiều tại Hà Nội.
Ngày 19/12/1946, quân Pháp mở cuộc tổng tấn công vào Hà Nội sau khi “xé bỏ” Hiệp định Sơ bộ (06/03/1946) và Tạm ước (14/09/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là sự kiện mở đầu cho cuộc chiến tranh Đông Dương. Sau nhiều ngày đêm, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã anh dũng chiến đấu, giành thế chủ động dù đã chịu thiệt hại nặng nề nhưng phá vỡ được kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp. Vào thời điểm xảy ra chiến sự này, phần lớn các con phố có người Hoa sinh sống ít bị đạn pháo tấn công trực diện, tính mạng và tài sản của người dân được giữ tương đối an toàn (Năm 1930, giữa Pháp và Trung Hoa Dân Quốc đã có Hiệp ước nhất trí rằng, Hoa kiều tại Việt Nam là công dân nước ngoài, được hưởng chế độ đãi ngộ Tối Huệ Quốc. Tính mạng và tài sản của họ được quân đội Pháp bảo vệ). Hội quán Quảng Đông trên phố Hàng Buồm và ngôi nhà số 26 cạnh đó đã trở thành nơi ẩn náu và cấp cứu những người bị thương của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong khi quân đội Pháp đang chờ quân tiếp viện, Lãnh sự quán Trung Hoa Dân Quốc tại Việt Nam đã đưa ra yêu cầu ngừng bắn với Pháp và thu xếp việc di tản Hoa kiều ; cùng lúc đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Hoàng Minh Giám cùng các ông Hoàng Hữu Nam (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) và Nguyễn Văn Trân đã có cuộc Hội đàm với Tổng Lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc, Hoa Kỳ và Anh nhằm thảo luận các vấn đề cụ thể về việc đình chiến và đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 15/01/1947, đồng thời sắp xếp việc sơ tán an toàn cho những Hoa kiều đổ về Hội quán Quảng Đông trên phố Hàng Buồm trong thời kì chiến tranh. Tận dụng cơ hội này, hơn trăm cán bộ chỉ huy vũ trang Việt Minh cùng một nhóm quần chúng tại Liên khu I ở Hà Nội đã xâm nhập vào quần chúng Hoa kiều, sơ tán công khai an toàn khỏi Hà Nội trở về hậu phương ...
Năm 1954, khi bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, một nhóm Hoa kiều từ vùng Tây Bắc Việt Nam đã đến Hội quán Quảng Đông để trốn chiến sự.
Năm 1961, vào buổi tối trước lễ kỉ niệm 50 năm Cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật đến thăm Hội quán Quảng Đông trong trang phục thường dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất kính trọng và ngưỡng mộ ông Tôn Trung Sơn. Trong chuyến thăm này, Bác đã ra chỉ thị cho ông Trần Duy Hưng cùng các quan chức tháp tùng đưa Hội quán Quảng Đông trở thành Di tích văn hóa trọng điểm của quốc gia Việt Nam.
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, lễ đặt tấm biển đá tưởng niệm Ông ở Hà Nội đã được tổ chức tại Hội quán Quảng Đông vào chiều ngày 12/11/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến tham dự và tặng lẵng hoa khai trương tấm biển đá được khắc bằng tiếng Việt và 27 kí tự tiếng Trung với nội dung : “CỤ TÔN TRUNG SƠN, NGƯỜI ĐI TRƯỚC TRONG CUỘC CÁCH MẠNG DÂN CHỦ VĨ ĐẠI CỦA TRUNG QUỐC, NĂM 1904 ĐÃ TỪNG Ở ĐÂY”.
Sau “sự kiện nạn kiều”, phần lớn cộng đồng Hoa kiều ở Hà Nội đã rời khỏi Việt Nam. Từ năm 1978, Hội quán Quảng Đông trở thành cơ sở của Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ. Trong quá trình nhiều năm sử dụng làm Trường học, kiến trúc và công năng của Hội quán Quảng Đông bị thay đổi, nhiều họa tiết trang trí và phù điêu đã bị hư hại nghiêm trọng.
Gần đây, cơ sở mới của Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ được xây dựng khang trang tại nhà số 88 Hàng Buồm (nơi xưa kia vốn là cửa hàng Đông Hưng Viên và rạp Kim Môn của chủ người Hoa kiều), khu đất của Hội quán Quảng Đông ở 22 Hàng Buồm được hoàn trả lại mặt bằng.
Công việc tu bổ bắt đầu được tiến hành từ cuối năm 2019 cho tới nay đã hoàn thành. Hiện nay, bên cạnh những gian thờ tự tín ngưỡng tôn kính trang nghiêm, phần lớn nơi đây đã trở thành một không gian sinh hoạt, giao lưu văn hóa, nơi công chúng có thể tiếp cận được với những giá trị kiến trúc nghệ thuật cổ truyền lẫn các loại hình nghệ thuật hiện đại, sáng tạo.
Nguồn - Đàm Quốc Trung
Bình luận của bạn