Chùa Vạn Phúc (quận Hà Đông)

Chủ nhật, 21/07/2024, 09:57 (GMT+7)

Chia sẻ

Chùa Vạn Phúc có từ khoảng thế kỷ XVIII. Tên chữ: 萬福寺 Vạn Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích thành phố (2005). Vị trí: số 69 Đường Vạn Phúc, XQHF+R6, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 233 Vạn Phúc - Hà Đông, hoặc BRT Vạn Phúc. Chùa Vạn Phúc hiện nay tọa lạc tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.


Apr 2019



Chùa Vạn Phúc là nơi thờ Phật theo phái Đại thừa, nhìn theo hướng nam, bao gồm các hạng mục công trình gác chuông (Tam quan), nhà ngoài, chùa chính kết cấu theo kiểu chữ “đinh”: Tiền đường và Thượng điện. Ngoài ra chùa còn có: nhà Tổ, nhà Mẫu, tháp mộ sư, giếng và hệ thống sân, vườn cây ăn quả rộng rãi, xung quanh chùa được xây tường bảo vệ. Tam quan gồm 3 lối đi chính mới được tu tạo gần đây. Cả 3 lối được cuốn vòm cong, đều làm hai tầng, tầng trên treo chuông chùa. Phía trên mái lợp ngói có bờ nóc, bờ chảy đắp rồng phượng bằng vôi vữa. Từ Tam quan là một con đường nhỏ đưa ta vào nhà ngoài được làm 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc, tay ngai, hai mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là 2 đấu đinh. Các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo 2 kiểu thức “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền xà nách” và “thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, quá giang”. Tiền đường gồm 3 gian nhà ngang, hai tầng 4 mái chảy lợp ngói ri, tường xây hồi bít đốc, bờ nóc đắp bờ đỉnh, hai bên hồi xây giật cấp bằng vôi vữa. Các bộ vì đỡ mái được làm theo hai kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, bẩy hiên và “Thượng chồng rường con nhị hạ cốn và bẩy hiện”. Nối từ Tiền đường vào là 3 gian Thượng điện được làm kiểu nhà dọc, hai tầng bốn mái, hồi bít đốc.

Bên trong các bộ vì được làm thống nhất theo một kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ”. Trong Thượng điện có xây các bệ thờ từ cao xuống thấp làm nơi toạ lạc của tượng Phật. Ở vị trí cao nhất là bộ tượng Di Đà Tam tôn với tượng A Di Đà ở giữa hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. A Di Đà có chiều cao 155cm, ngang vai 59cm, rộng lòng đùi 95cm, bệ sen cao 24cm với 3 lớp cánh đơn ngửa. Tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, được tạo tác tương tự nhau có số đo cao 107cm, ngang vai 39cm, rộng gối 63cm. Đài sen cao 23cm gồm 2 lớp cánh đơn ngửa. Ở vị trí tiếp theo trung tâm là Thích Ca thành đạo, hai bên là tượng Quan Âm được tạo dáng tương tự nhau có số đo: cao 77cm, rộng vai 29cm, rộng gối 53cm. Đài sen cao 23cm, gồm 4 lớp cánh đơn, hai lớp ngửa, hai lớp úp. Lớp tiếp theo là tượng Ngọc Hoàng ở giữa có số đo cao 109cm, rộng vai 39cm, rộng gối 43cm. Hai bên là tượng Nhị thiên vương có số đo cao 109cm, ngang vai 31cm, ngang gối 37cm. Lớp tiếp theo trung tâm là tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, bên tả là tượng Quan Âm tống tử, bên hữu là tượng Di Lặc. Toà Cửu long chạm kiểu vòm cầu cao 121cm, vòm cầu rộng 49cm, để hình bát giác. Sát hồi bên tả Thượng điện là nơi toạ lạc của bộ tượng Đức ông cùng Già lam, Chân tể, hồi bên hữu là bộ tượng Thánh tăng cùng Diệm nhiên và Đại sĩ.

Chùa Vạn Phúc đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bình luận của bạn

Tin khác