Chùa Mai Động (Thiện Khánh tự – Hoàng Mai, Hà Nội)

Thứ 3, 04/02/2025, 14:34 (GMT+7)

Chia sẻ

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Mai Động, tên chữ là Thiện Khánh tự, tọa lạc tại số 254 đường Minh Khai, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Lịch sử địa điểm



Mai Động là một làng có bề dày lịch sử tồn tại và phát triển. Trong tấm bia niên hiệu cảnh Trị (1669) còn lưu lại tại chùa mô tả rằng: “… phía trước đầm Thịnh Liệt sóng muôn ngựa dạt dào cuộn, mạch tụ Thăng Long. Bên trái Mai Động nổi gò hình phượng, rắn chuyển mình.”[1] Sách Hà Nội ngìn xưa có đoạn chép: “Nguyễn Tam Trinh người quận Cửu Chân (Thanh Hóa)  trước có làm quan cho nhà Hán. Chán ghét chế độ hà khắc, ông từ quan. Đến Mai Động, rừng mơ, đất lạ,người hiền, ông mến cảnh, mến người dừng chân ở lại. Ông mở trường dạy học bên bờ sông Kim Ngưu, lựa chọn, thu nhận 30 học trò có chí khí, nghị lực và sức khỏe. Ông đã truyền dạy cả ván lẫn võ cho các võ. Trong các môn võ thuật, ông chú trọng truyền dạy cho học trò cách thức đấu vật…Tiếng lành đồn xa, người các vùng kéo đến xin học rất đông.”[2]

Lịch sử

Hai tấm bia Trùng tu Thiện Khánh tự dựng năm Quý Mùi (1643) và Tạo lập hựu Phật bi dựng năm Vĩnh Trị 5 (1680) ghi chép về công đức của hai bà chúa họ Trịnh đã có công cúng ruộng vào chùa như sau: “… ở làng ốc Biện Thượng, xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hoá, nước Đại Việt có Vương từ quận chúa là Trịnh Thị Ngọc Thánh Vương tôn nhuận quận chúa là Trịnh Thị Ngọc, đều là dòng dõi con trời, mở lòng Bồ đề, noi theo các chúa, đôn hậu vui vẻ giúp đời, giúp đời thường lấy kinh Phật giữ lòng, của cải ban khắp để tu dưỡng điện Thiện Khánh được vẹn toàn, từ điện đường cho đến việc sắm trông, treo chuông lớn để hoà ngũ âm đều trợ giúp. Đặc biệt cấp ruộng tốt giao cho xã Mai Động gìn giữ việc hương đèn muôn năm, chọn đất làm chợ, lấy đó mà cúng tiền cho Tam Bảo, công đức ấy không đong đếm được, chỉ mong chờ nợ báo đền ngày càng rõ rệt về sau, do đó khắc vào bia đá để ca ngợi công đức”[3].

Hiện nay, chưa tìm được tư liệu ghi chép cụ thể về niên đại khởi dựng ngôi chùa, nhưng căn cứ vào bài ván khắc trên tấm bia dựng năm Quý Mùi (1643) có thể đoán định rằng ngôi chùa chắc hẳn được xây dựng trước thời điểm đó rất lâu nên nó mới hư hỏng và được các hội chủ hưng công tu tạo. Từ khi khởi dựng đến nay ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa lớn.

Bài văn khắc trên tấm bia Tạo lập hậu Phật bi dựng tháng 8 năm Vĩnh Trị 5 (1680) có ghi: “… tu sửa chùa Thiện Khánh từ Thượng Điện, Thiêu Hương, Tiền Đường, Hậu Điện, hành lang hai bên phải trái, lầu để trống, lầu để chuông cộng là 8 việc, cùng việc sơn vẽ tượng Phật, sắm trống lớn, chuông to và sửa chữa tường luỹ trong ngoài bốn bên các sở, lại xây một khu làm chợ của chùa để lấy đó dâng lên cúng Phật…”[4].

Năm Thiệu Trị 1(1841), chùa được trùng tu. Đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) ngôi chùa bị hư hỏng nặng phải trùng tu lại. Tấm bia “Hưng công bi ký” có đoạn viết: “… ở ấp ta chùa Thiện Khánh cũ trải nắng mưa đã đổ nát rồi, những muốn sửa sang mà tài lực chưa đủ, nên cùng xin với bà Diệu Tuấn hưng công tu sửa, đi quyên góp khắp nơi, tất cả có từ gỗ gạch, ngói đá thuê thợ xây dựng, chẳng bao lâu được làm mới to đẹp sáng sủa…”[5]. Năm Bảo Đại (1929), chùa lại trải qua một lần trùng tu lớn các hạng mục kiến trúc chùa chính, Nhà Tổ, tô lại tượng Phật.

Kiến trúc cảnh quan

Chùa Mai Động vốn có kết cấu kiểu Nội công ngoại quốc, quy mô bề thế cảnh quan đẹp, một ngôi chùa nổi tiếng phía Nam kinh thành Thăng Long. Trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, đến nay quy mô kiến trúc của chùa đã bị thu hẹp lại so với trước. Tuy vậy tổng thể các công trình kiến trúc của chùa hiện nay vẫn được bố cục hài hoà khép kín theo lối kiến trúc chùa cổ.

Tổng quan kiến trúc chùa gồm: Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Khách, Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Vườn Tháp, sân, vườn, hồ sen, và khu phụ.

Tam Quan xây kiểu nhà ba tầng mái, các góc đao được tạo hình rộng lá cong vút, giữa bờ nóc mái thượng trang trí hình mặt trời lửa. Tầng hai của tam quan làm sàn gỗ, treo một quả chuông lớn. Phía trước hai hồi Tam Quan xây các trụ biểu, kiểu trụ lồng đèn, đỉnh trụ đắp hình bốn chim phượng đuôi chụm vào nhau đầu quay bốn hướng tạo thành trái giành cách điệu, phần lồng đèn đắp hình tứ linh, hoa lá, thân trụ ghi câu đối chữ Hán. Tam Quan mở ba cửa vòm cuốn.

Qua Tam Quan theo đường chính đạo lát gạch Bát Tràng dẫn vào sân chùa. Hai bên đường đi có ao thả sen bên phải, vườn hoa, cây ăn quả ở bên trái.

Tòa Tam Bảo của chùa kết cấu kiểu chữ “Đinh”, gồm Tiền Đường và Thượng Điện quay về hướng Tây.

Tiền Đường 5 gian, 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Kết cấu bộ khung đỡ mái có 6 bộ vì kèo làm kiểu vì “chồng rường” và “chồng rường giá chiêng”.

Tòa Thượng Điện ba gian một đầu nối với gian giữa Tiền Đường xây chạy dọc về phía sau, kiểu tường hồi bít đốc, các vì kèo đỡ mái làm kiểu “giá chiêng chồng rường”. Trang trí trên kiến trúc tập trung ở các vì cốn, cốn nách, đấu kê, con rường với nghệ thuật chạm nổi đề tài văn hình học, hoa lá cách điệu. Tượng ở Thượng Điện bố trí gồm 5 lớp:

Lớp thứ nhất là bộ tượng Tam Thế thường trụ diệu pháp thân đại diện cho 3000 vị Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai

Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn

Lớp thứ ba là tượng Thích Ca, hai bên là tượng A Nan và Ca Diếp

Lớp thứ tư là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, hai bên là tượng Bồ Tát.

Lớp thứ năm là toà Cửu long và Phật Thích Ca sơ sinh, hai bên là tượng Phạm Thiên, Đế Thích.

Nhà Tổ, Nhà Mẫu ở phía sau Tam Bảo. Một nếp nhà 7 gian được trùng tu vào những năm đầu thế kỷ XX, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, kết cấu vì kèo đỡ mái kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ, bẩy hiên”, nền nhà lát gạch vuông đỏ sẫm. Ba gian giữa đặt ban thờ Tổ, hai gian bên trái thờ Mẫu. Trên ban thờ Tổ, có tượng bà “Chúa Đầm”, chính là bà quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh và Trịnh Thị Ngọc Nhị đã góp nhiều công của để tạo dựng ngôi chùa

Nhà Khách và trai phòng xây chạy dọc, nối Tam Bảo với Nhà Tổ, Nhà Mẫu. Nhà gồm 7 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, các vì kèo đỡ mái kiểu kèo cầu quá giang cột tròn, lòng nhà hẹp, toàn bộ các gian để trống thông nhau.

Vườn tháp mộ ở bên trái sân chùa, có hai tháp ba tầng là tháp mộ các vị sư Tổ của chùa.

Hiện vật

Hiện nay, chùa Mai Động còn lưu giữ được bộ sưu tập di vật nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại, gồm: 77 pho tượng tròn được tạo tác từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX; 12 tấm bia đá ghi việc trùng tu, sửa chữa và gửi giỗ hậu chùa; một quả chuông đồng đúc năm Minh Mệnh 5 (1824); 6 bức đại tự; 16 đôi câu đối sơn son thiếp vàng có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và sự linh thiêng của Phật pháp cùng nhiều đồ thờ tự khác. Trong số các di vật nêu trên, có nhiều di vật mang giá trị lịch sử nghệ thuật đặc sắc như: các pho tượng Tam Thế Phật, tượng Di Đà tam Tôn được tạo tác vào thế kỷ XVIII, tượng bà chúa Đầm được tạo tác vào thế kỷ XIX; Bia niên hiệu Phúc Thái nguyên niên (1643), bia Vĩnh Trị 5 (1680), bia Thiệu Trị nguyên niên (1841), bia Tự Đức 5 (1852).

Chú thích
[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010, tr. 312.

[2] Trần Quốc Vượng, Vũ Tấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Nxb Quân đội nhân dân, 2004,  tr. 94 – 95.

[3] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Sđd, tr. 313.

[4] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Sđd, tr. 314.

[5] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Sđd, tr. 314. 

Tham khảo
TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin.
Trần Quốc Vượng, Vũ Tấn Sán (2004), Hà Nội nghìn xưa, Nxb Quân đội nhân dân.

Bình luận của bạn

Tin khác