Đi tản bộ dọc theo phố Hàng Bài, nhiều người đã rất ngạc nhiên khi thấy giữa những tòa nhà cao tầng của các cơ quan Công an và BĐBP là một chiếc cổng mang đường nét kiến trúc cổ hàng trăm năm trước, được gắn biển số 40A. Dưới tán lá xanh màu ngọc bích, chiếc cổng từng là cửa ngõ ra vào trại lính khố xanh (dưới thời thực dân Pháp) và trại Bảo an binh (dưới thời của chính quyền Trần Trọng Kim) nổi bật màu sơn vàng và nét trang trí tinh xảo với thủ pháp đắp họa tiết bằng vữa truyền thống. Công trình kiến trúc độc đáo này được gắn biển di tích lịch sử cấp quốc gia, ẩn chứa trong nó những câu chuyện đáng tự hào trong những ngày Cách mạng tháng Tám.
Những trại bảo an thời Pháp thuộc ở Hà Nội
Cổng trại Bảo an binh năm 1945. Ảnh: Tư liệu.
Tuổi 20 cho ngày độc lập
Những cựu đoàn viên Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (Đoàn TNCQTHD) mà chúng tôi có vinh hạnh được gặp trong dịp kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám giờ đây đều đã lên ông, lên bà. Những cán bộ chủ chốt nhiều người khuất bóng đã lâu. 70 năm trước, trong những ngày cả nước rực cờ khởi nghĩa, họ mới chỉ mười tám, đôi mươi, đem lửa nhiệt tình và lòng yêu nước của mình cùng toàn dân tộc làm nên cao trào cách mạng. Cũng chính họ là đội quân bán vũ trang do Đảng thành lập và lãnh đạo từ năm 1944, gồm 60 đoàn viên, đa phần là học sinh các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang...
Những người trẻ năm ấy đã mưu trí, quyết liệt tổ chức nhiều hoạt động gây tiếng vang lớn trong nhân dân, khiến cho kẻ địch nhiều phen kinh hoàng như diễn thuyết ở chợ Mễ Trì, phá kho thóc của Nhật ở Mọc Quan Nhân, diễn thuyết, treo cờ đỏ sao vàng trên tàu điện các tuyến Vọng - Bờ Hồ, Hà Đông - Hà Nội, Cầu Giấy - Bờ Hồ, diễn thuyết tại các rạp hát, rạp chiếu phim, tham gia diệt ác trừ gian cùng Đội A.S (mật danh của Đội Danh dự Việt Minh)...
Ngày 19-8-1945, các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa phát đi lời hiệu triệu đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, những đoàn viên này đã tỏa đi khắp nội thành Hà Nội, tổ chức cho quần chúng đánh chiếm phủ Khâm sai, Tòa Đốc lý, Sở Mật thám, Sở Tài chính...
Tuy nhiên, một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm lĩnh mới có thể coi là thắng lợi hoàn toàn là trại Bảo an binh nằm trên phố Hàng Bài. Nơi đây có hàng ngàn lính Bảo an đồn trú, được trang bị đầy đủ vũ khí, là một lực lượng quan trọng của địch ở Hà Nội và trên miền Bắc lúc bấy giờ. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho Đoàn TNCQTHD là lực lượng chủ công.
Đại tá Lê Trọng Nghĩa - nguyên Cục trưởng Cục Quân báo khi trả lời phỏng vấn đoàn làm phim "Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội" cho biết, người được giao phụ trách việc đánh chiếm trại Bảo an binh lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy Hà Nội, người sau này trở thành Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Còn đồng chí Phạm Hy Đào (tức Thái Hy), Đoàn phó Đoàn TNCQTHD trực tiếp chỉ huy các đoàn viên cùng quần chúng từ Nhà hát Lớn theo phố Tràng Tiền tiến xuống Hàng Bài. Không khí lúc đó hết sức khẩn trương và đầy khí thế.
Ông Nguyễn Phúc Chí (tức Hoàng Đạt), ông Đinh Quang Hàm (tức Ngô Hàm) kể lại rằng, họ được trang bị vũ khí và dẫn đầu đoàn người đến cổng trại. Dọc đường, nhiều thanh niên yêu nước từ các tổ Tự vệ khác gia nhập đội hình. Kẻ gươm, người súng, người cầm dao, cũng có người tay không... tất cả đều hô to "Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa". Khi đoàn biểu tình đến nơi, cổng trại được khóa chặt và có hai tên lính gác bên ngoài.
Sau nhiều lần kêu gọi đầu hàng không được, một đoàn viên đã dùng kiếm chặt đứt dây xích khóa cổng, dòng người tràn vào trong, chia nhau chiếm giữ các vị trí trọng yếu của địch và khống chế lính Bảo an. Cột cờ giữa trại được nhanh chóng thay bằng cờ đỏ sao vàng. Ông Hoàng Đạt được một số lính Bảo an giác ngộ chỉ dẫn đường cho ta đến chiếm kho vũ khí. Một số quần chúng khác bao vây ngoài trại, luôn hô vang khẩu hiệu "ủng hộ Việt Minh" gây áp lực tâm lý cho hầu hết lính Bảo an. Tên chỉ huy trại lúc bấy giờ đành thúc thủ và đề nghị được gặp chỉ huy Việt Minh.
Theo chủ trương chung, các cán bộ Việt Minh mềm dẻo thuyết phục quân Nhật để chúng hiểu rằng, ta chỉ đứng lên giành lại đất nước mình. Nếu chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa thì ta cũng sẽ không đối kháng gây tổn hại đến chúng. Một số nữ đoàn viên Phụ nữ Cứu quốc được tăng cường vào trại Bảo an binh để tuyên truyền về 10 chính sách của Việt Minh.
Đối đầu với lính Nhật
Điều không lường trước là giữa thời điểm ấy, quân Nhật tuy đã có kế hoạch rút về nước, song phải tuân thủ cam kết của quân Đồng minh là bảo vệ trật tự trị an tại Việt Nam trong lúc chờ bàn giao. Chúng đưa 4 xe tăng và hàng trăm lính đến bao vây trại Bảo an binh, đòi ta hạ vũ khí và bàn giao lại trại Bảo an binh. Lúc này, đồng chí Nguyễn Quyết và đồng chí Hà Minh Tuân, Đoàn trưởng Đoàn TNCQTHD từ rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám) vào trại và nhanh chóng cử người về báo cáo với Ủy ban khởi nghĩa, đồng thời bố trí lực lượng cảnh giác sẵn sàng chiến đấu.
Đại tá Lê Trọng Nghĩa nhớ lại: "Tại Tổng hành dinh của Ủy ban khởi nghĩa, vấn đề được đặt ra là: Đánh hay không đánh? Anh Khang cùng anh Bình, anh Long lập tức giao cho tôi lấy xe Limousine trong phủ, cắm cờ đỏ sao vàng, đàng hoàng đến gặp viên chỉ huy Nhật ở trước rạp Majestic để điều đình thương lượng. Tôi nói rõ rằng chủ trương của Việt Minh là chỉ muốn đấu tranh giành lại đất nước mình chứ không gây hấn với người Nhật. Nếu quân Nhật không đàn áp cách mạng thì chúng tôi cũng sẽ tôn trọng, không gây tổn hại đến họ. Cuộc điều đình diễn ra khá gay go, nhưng cuối cùng viên chỉ huy Nhật đã chấp thuận rút quân. Ta đã giải tỏa một cách êm thấm và tránh được cuộc đối đầu với quân đội Nhật".
Vậy là trong ngày 19, ta đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ở Thủ đô mà không phải nổ một phát súng, đồng thời, ngăn chặn được cuộc can thiệp của quân đội Nhật.
Khi trại Bảo an binh hoàn toàn do ta làm chủ, ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Khang đã giao cho đồng chí Lê Trọng Nghĩa và đồng chí Trần Đình Long chủ động tìm gặp Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật là tướng Txu-chi-ha-si tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là Nhà khách Quân đội, số 33 Phạm Ngũ Lão), để chuyển thông điệp rằng, ta yêu cầu họ không can thiệp vào công việc của Việt Minh và cam kết sẽ không đụng đến người Nhật.
Sau 30 phút đàm phán, phía Nhật chấp nhận sẽ không tham gia vào các công việc nội bộ của người Việt. Điều vô cùng quan trọng là hai đại diện của ta khi đó đã khiến cho quân đội Nhật phải thừa nhận các ông là nhà chức trách đương quyền tại Bắc bộ phủ và điện báo về Tô-ki-ô, đồng thời cử sĩ quan liên lạc.
Tin thắng lợi được báo về cho đồng chí Nguyễn Khang, ông reo lên: "Thế thì mình chính thức công khai chính quyền của mình đi". Một cuộc hội ý chớp nhoáng được diễn ra. Sáng 20-8, trước trụ sở Bắc bộ phủ, Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc bộ đã chính thức ra mắt đồng bào và thông báo cho phía Nhật và người nước ngoài biết.
Đồng thời lực lượng Bảo an binh, cảnh sát được giải thể một cách êm thấm. Ta cũng đồng thời tuyên bố những ai muốn theo cách mạng thì sẽ được tiếp nhận, còn những ai muốn về quê thì cho về. Song, đa phần lính Bảo an đều tình nguyện đi theo cách mạng. Trong đó có một bộ phận quan trọng là đơn vị nhạc binh do ông Quản Liên chỉ huy. Đơn vị này có mặt trong hầu hết các sự kiện quan trọng và hòa tấu các bản nhạc cách mạng, trong đó có Quốc ca của nước Việt Nam độc lập.
Thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo một sự rung động mạnh mẽ và làm tan vỡ hệ thống chính quyền thân Nhật ở nhiều nơi. Trại Bảo an binh sau này được bàn giao cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang đóng quân. Cho đến nay, chiếc cổng trại cổ kính cùng tòa nhà trung tâm của trại vẫn do lực lượng BĐBP quản lý và sử dụng với tất cả sự trân trọng lịch sử cũng như di tích.
Tuệ Lâm - vtc2.vn
Bình luận của bạn