Ở Hà Nội từ mấy chục năm nay có hai ông Thìn cùng bán phở và cùng nổi tiếng như nhau đó là ông Thìn Bờ Hồ và ông Thìn Lò Đúc.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên này đã làm cho rất nhiều người ở Hà Nội hiểu nhầm trong suốt mấy chục năm qua, có người cho rằng hai ông này có quan hệ “anh em họ hàng” và chỉ là một cơ sở với hai cửa hàng.
Nhưng thực chất thì không phải là như vậy. Và dưới đây là câu chuyện về nguồn gốc của hai ông Thìn bán phở ở Hà nội.
Đầu tiên là phở Thìn Bờ Hồ,
Đó là ông Bùi Chí Thìn sinh năm 1928 có một quán phở cùng tên từ năm 1954 đến nay ở Bờ Hồ.
Ông Thìn vốn là người Hà Tây, lên Hà nội xin làm thuê cho một quán phở của người Hoa rồi học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, sau đó tự mình nấu phở gánh để đi bán rong trên khắp các phố ở Hà nội.
Sau đó ông Thìn tìm được địa điểm ở Bờ Hồ để mở quán cho đỡ phải vất vả đi bán rong.
Và lúc bấy giờ ở đó cũng chỉ có duy nhất một quán phở của ông nằm trong một con ngõ nhỏ ở số 61 phố Đinh Tiên Hoàng, chật chội với những đồ nghề và bàn ghế đơn giản.
“Miếng ngon nhớ lâu”, trước kia thì ông phải đi tìm khách còn bây giờ khách họ tự tìm đến ông để thưởng thức cái hương vị phở đặc biệt của ông.
Phở Thìn Bờ Hồ nước dùng trong và không quá béo ngậy, có mùi thơm đặc trưng được hầm từ xương bò và thịt bò.
Đặc trưng của phở Thìn Bờ Hồ là phở bò tái, thịt bò được thái mỏng ướp hạt tiêu, gừng với một chút nước mắm. Khi có người ăn mới cho lên thớt đập và miết mạnh bằng một con dao to bản, rồi cho vào bát bánh phở đã chần nóng, hành, thơm rồi mới chan nước phở nóng già làm tái và chín thịt.
Bởi thế khi ăn người ta có cảm giác thịt chín và rất mềm chứ không hề sống như thường nghĩ là... phở tái.
Năm 2001 ông Thìn mất, con trai cả ông là Hoà thay cha tiếp tục sự nghiệp. Và bây giờ anh Bùi Chí Thành là cháu đích tôn của ông Thìn lại thay cha nối nghiệp.
Cho đến tận bây giờ đã ba thế hệ nấu phở, con cháu ông Thìn vẫn gìn giữ được cái truyền thống, cho nên phở Thìn Bờ Hồ vẫn ngon và có hương vị chuẩn như xưa.
Thứ hai là phở Thìn Lò Đúc,
25 năm sau kể từ khi có phở Thìn Bờ Hồ, ở Hà nội lại xuất hiện thêm một quán phở Thìn nữa ở số 13 phố Lò Đúc của ông Nguyễn Trọng Thìn, lúc đó là vào năm 1979.
Có thể nói nếu phở Thìn Bờ Hồ nổi tiếng là phở tái đập thì phở Thìn Lò Đúc là phở tái lăn.
Một trong những sự khác biệt, bí quyết nhà nghề để thành công và làm nên thương hiệu của phở Thìn Lò Đúc đó là cách xào thịt bò để làm phở tái lăn.
Với một cái bếp than hồng và chảo mỡ nóng già, phi thật thơm hành, tỏi và gừng rồi sau đó mới cho thịt bò thái mỏng vào, đảo thật nhanh đến mức độ lửa bốc cả vào trong chảo, cháy xém cả thịt, tạo ra một mùi thơm hơi khét khét đặc trưng và làm cho người ăn rất thích thú khi nhìn thấy. Thật đúng là một cách quảng cáo rất đơn giản, không mất tiền mà lại hữu hiệu.
Miếng thịt bò được xào tái và vừa chín tới, không dai mà lại mềm, khi ăn có một cảm giác và mùi vị rất thơm ngon.
Nước phở được nấu theo công thức gia truyền mà ông Thìn đã đúc kết học hỏi được từ người xưa và cộng thêm những gia vị đã có sẵn, chính điều này cũng là một phần quyết định cho chất lượng bát phở của ông.
Phở Thìn Lò Đúc đã từ lâu nổi tiếng bởi phở tái lăn với những cọng hành dài xanh mướt được phủ đầy, khi được chan muôi nước dùng sôi già vào thì dậy lên một mùi thơm ngào ngạt của thịt bò xào mà ai nhìn thấy cũng phải thèm và khi đã một lần ăn thì khó có thể quên.
Chính vì những cái đó phở Thìn Lò Đúc đã giữ được những gì tinh túy nhất và nét đặc trưng riêng của mình, mà trong suốt mấy chục năm qua cho đến tận bây giờ vẫn chưa hề có ai làm được.
Người Hà nội với phở và phở với người Hà nội.
Đó là một câu chuyện muôn thuở, cho đến tận bây giờ sau cả gần 100 năm, kể từ khi người ta biết nấu những bát phở đầu tiên cho đến nay vẫn không bao giờ hết chuyện
Chả trách được tại làm sao người ta đã phải mất quá nhiều thời gian và giấy bút để viết về nó.
Nhớ lắm, nhưng mà càng nhớ lại càng viết, mà càng viết thì lại càng thèm...
Tuệ Phong.
Tư liệu & Ảnh St.
Bình luận của bạn