Bia thời hội nhập và phát triển

Thứ 4, 31/07/2024, 16:34 (GMT+7)

Chia sẻ

Xây dựng văn hóa rượu bia của Việt Nam thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Hanoi Beer Gallery   |  Bia hơi Hà Nội những ngày hè

1. Rượu bia là tinh hoa của thiên nhiên và là một di sản văn hóa

Trước hết phải khẳng định rằng rượu, bia là một phát minh, sáng tạo vĩ đại, có giá trị rất lớn của con người. Có nhiều người còn cho rằng tầm quan trọng của phát minh này chỉ đứng sau việc con người tìm ra lửa. Nhiều nghiên cứu và kết quả khảo cổ cho thấy bia và rượu được phát minh từ thời kỳ đồ đá cũ cách đây 5-6 ngàn năm và đã được tôn sùng như một vị thần hay được bảo trợ bởi thần, được sử dụng như một thứ đồ uống yêu thích trong các xã hội cổ đại ở Ai Cập, Hy Lạp, Trung Hoa, Ấn Độ... Rượu bia cùng với bánh mỳ được coi trọng là món quà thiêng liêng được Đức Chúa Trời ban tặng cho loài người, giúp cho người khỏe mạnh và phát triển về thể chất và tinh thần. Các hoàng đế, vua chúa ở Âu - Á sau đó vẫn coi rượu bia là một vật phẩm quý để ban thưởng cho cấp dưới hoặc làm tặng phẩm, triều cống bang giao… Quốc tửu là một sản phẩm quan trọng bậc nhất trong các quốc yến hoặc các sự kiện mời dự tiệc ngoại giao.

Mặt trái của rượu cũng được phát hiện ngay từ thời cổ đại, nhiều lệnh cấm sản xuất, uống rượu đã được ban hành và thực thi nhiều lần rồi sau một thời gian đều được bãi bỏ khi người ta nhận thấy thứ nước uống này hóa ra cũng thuộc loại nhu cầu thiết yếu, không thể bỏ được của con người. Ví dụ, ở Trung Quốc, việc sử dụng rượu đã có từ khoảng 7000 năm trước đây. Một chỉ dụ của triều đình Trung Quốc vào khoảng năm 1116 TCN đã nói rõ về việc sử dụng rượu có chừng mực đã được trời quy định. Trời đã quy định có hay không có nó, điều này hiển nhiên có lợi cho ngân khố quốc gia. Vào thời Marco Polo (1254-1324), người ta uống rượu hàng ngày và đó là một trong những nguồn thu lớn nhất của ngân khố. Đồ uống có cồn đã được sử dụng rộng rãi trong tất cả các tầng lớp của xã hội Trung Quốc, nó được dùng như một nguồn cảm hứng, thể hiện cho lòng mến khách, là một phương thuốc giải quyết mệt mỏi, và đôi khi được sử dụng sai mục đích. Các bộ luật cấm làm rượu đã được ban hành và bãi bỏ 41 lần từ năm 1100 TCN tới năm 1400 sau công nguyên. Tuy nhiên, một nhà bình luận viết vào khoảng năm 650 TCN rằng thiên hạ “sẽ không làm việc nếu thiếu rượu. Việc cấm nó và kiêng rượu đã vượt quá sức mạnh của các nhà hiền triết. Do đó, chúng tôi phải cảnh báo về sự lạm dụng rượu”.

 

Văn hoá bia rượu bao gồm nhiều yếu tố, quy trình hợp thành một hệ thống: sản xuất, thương mại, sử dụng - tiêu dùng và các hoạt động khoa học, văn hoá nghệ thuật kèm theo: lễ hội, phim ảnh, âm nhạc, thời trang, kiến trúc, sưu tầm… Nó là một yếu tố không thể thiếu không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn cả trong lĩnh vực “công nghiệp văn hóa” tại các quốc gia.

Văn hoá rượu bia tại Pháp, sử dụng 3% diện tích đất nông nghiệp để trồng nho, tuy nhiên nghề này tiêu thụ tới 20% lượng thuốc trừ sâu của toàn ngành nông nghiệp. Theo số liệu năm 2004 thì sản lượng rượu vang của Pháp khoảng 50 đến 60 triệu hectôlít.Khoảng 1/3 trong số này được dùng để xuất khẩu với doanh thu gần 6 tỷ USD. Hiện nay rượu vang Pháp phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ trên thế giới, từ các nước sản xuất rượu vang truyền thống khác như Tây Ban Nha, Ý đến các quốc gia mới nổi như Hoa Kỳ, Úc và Nam Phi.

Xét về thị trường trong nước thì người dân Pháp là một trong những dân tộc sử dụng nhiều rượu vang nhất thế giới, tuy nhiên xu hướng này đang giảm dần trong 40 năm qua, từ trung bình 135 lít một năm trên mỗi người vào năm 1960 xuống còn 69 lít vào năm 1999. Tuy dùng rất nhiều rượu nhưng tồn tại một nghịch lý tại Pháp là người Pháp có tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim thấp hơn nhiều nước tiêu thụ rượu vang ít hơn. Một số nghiên cứu về y học cho thấy nếu uống rượu vang điều độ, sẽ tốt cho sức khỏe và làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch.

Phần trình bày trên cho thấy rượu bia hay đồ uống có cồn đã có lịch sử hàng nghìn năm do con người phát minh, sử dụng và có văn hóa sử dụng của nó. Tuy nhiên, mỗi nước do điều kiện tự nhiên và đặc điểm chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội khác nhau nên cũng có phương thức sử dụng rượu bia khác nhau nên chúng ta không thể dùng các quan điểm, chuẩn mực văn hóa của nước này để đánh giá và áp dụng cho nước khác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xã hội đa văn hóa hiện nay, chúng ta cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn, tiêu chí để nhận biết đánh giá về văn hóa sử dụng rượu bia một cách văn minh, lành mạnh, đồng thời vẫn tôn trọng sự khác biệt và bản sắc của mỗi dân tộc, quốc gia…

2. Văn hóa và các tiêu chuẩn đánh giá văn hóa sử dụng rượu, bia

Văn hóa là gì? Trong bìa cuốn Nhật ký trong tù viết năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan niệm rất hiện đại về văn hóa: “Văn hóa là tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Sau khi Việt Nam được độc lập, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tới vai trò của văn hóa theo nghĩa rộng này: Văn hóa có chức năng “trồng người” và phát triển xã hội; Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi đến văn minh, tự do, hạnh phúc.

 
Uống rượu, bia có văn hoá thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội

Dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh, quan niệm của UNESCO và thực tiễn hiện nay, theo tôi có thể định nghĩa văn hóa như sau: Văn hóa là phương thức sinh hoạt với các biểu hiện qua hành vi, hoạt động và sản phẩm của con người được định hướng theo các hệ thống giá trị và chuẩn mực, trung tâm là các giá trị chân, thiện, mỹ.

Bản chất đời sống của con người là theo đuổi các nhu cầu, quyền lợi được định hướng, định chuẩn, đánh giá theo hệ thống giá trị nhất định. Đó chính là các giá trị cơ bản như quyền sống, độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng, bác ái, sức khỏe, giàu có, an lành, tình yêu, sự đam mê... Tuy nhiên, không phải hoạt động nào, sản phẩm gì của con người cũng là văn hóa hay có mức độ văn hóa chân - thiện - mỹ cao, đủ tiêu chuẩn là văn hóa. Chúng ta đã chứng kiến nhiều hành vi, hàng hóa và dịch vụ đi ngược, trái ngược với các giá trị chân, thiện, mỹ như sản xuất rượu có nhiều độc tố, thực phẩm bẩn, hành vi xả rác bừa bãi, say rượu vẫn lái xe… Chúng ta cần có một nền văn hóa bia rượu khôn ngoan kế thừa những tinh hoa của dân tộc đồng thời tiếp thu những yếu tố văn minh và hội nhập với thế giới hiện đại. Theo cách tiếp cận này, trước hết cần có các hệ tiêu chí để đánh giá một sản phẩm, hàng hóa hay hành vi cụ thể có đủ tiêu chuẩn, mức độ văn hóa hay không để xây dựng văn hóa hoạt động, đời sống trong lĩnh vực đó. Theo nghiên cứu của chúng tôi, văn hóa của một tổ chức hay lĩnh vực cụ thể là tổng hợp của 3 tiêu chuẩn, tiêu chí sau đây:

(1) Tính cộng đồng tuân thủ một cách tự nhiên, tự nguyện, tự giác. Đây là tiêu chí đánh giá về mức độ mạnh và bao trùm của văn hóa.

(2) Tính ổn định, bảo tồn, di truyền xã hội: Văn hóa thể hiện và bảo tồn qua nhiều đời bằng các thói quen, phong tục, nghi lễ, luật lệ, sử sách, kỷ niệm, sự kiện… Nó là một dạng tài nguyên, nguồn lực phát triển cần được trân trọng, gạn đục khơi trong, tạo nên tinh hoa, bản sắc dân tộc. Không thể ứng xử với văn hoá theo kiểu hành chính khó quản thì cấm, nay cho mai dừng.

(3) Tính tinh hoa, giá trị, chuẩn mực: Văn hóa thể hiện mức độ đẹp, tinh hoa, hoàn hảo là hiện thân của các giá trị chân - thiện – mỹ. Trong đó, chân là sự trung thực và cái đúng, là chân lý và công lý, là cái có tính khoa học, hiệu quả, là trình độ phát triển của công nghệ, kinh tế, chính trị, xã hội, là mức độ văn minh, tiến bộ… Thiện là giá trị trung tâm của đạo đức, là sự nhân ái, khoan dung, thiện tâm, lòng tốt, thân thiện, an lành, không làm hại tới sức khỏe, lợi ích và sinh mạng của con người; là phạm trù đối nghịch với cái ác, cái có hại, cái dã man… Mỹ là cái đẹp thẩm mỹ, là sự hoàn hảo, có khởi nguồn của tình yêu, sự đam mê, hành động văn hóa. Mặt khác, sự theo đuổi, đấu tranh cho chân lý, lòng nhân ái, sự tử tế với mọi người cũng là cái đẹp của con người.

Giữa văn hoá và pháp luật có quan hệ biện chứng, hữu cơ với nhau. Pháp luật chế định các quan hệ xã hội cơ bản dựa theo các tiêu chí của văn hoá. Ngược lại, đúng luật là một một tiêu chuẩn đầu tiên, thiết yếu của một nền văn hoá tiên tiến, văn minh. Văn hoá bia rượu có tiêu chí đầu tiên là đúng luật, là sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu bia có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội.

Trong ba tiêu chí trên thì quan trọng nhất là tiêu chí thứ 3: có giá trị, là cái tinh hoa. Nếu một hiện tượng, hành vi, hàng hóa, dịch vụ có đủ 2 tiêu chí trên (1) và (2) nhưng thiếu tiêu chí thứ (3) thì nó mới có tính văn hóa hay là cái văn hóa dưới chuẩn, thậm chí là “văn hóa xấu”, chưa thực sự là văn hóa. Mặt khác, một sản phẩm tinh hoa, có giá trị cao muốn được cộng đồng, xã hội coi là văn hóa cũng cần đòi hỏi họ chấp nhận một cách tự nhiên, tự giác và cần được duy trì, bảo tồn, phát huy một cách bền vững. Một cái đẹp, một phong trào tốt song chỉ duy trì trong một thời gian ngắn hay chỉ có một vài người biết thì chưa trở thành văn hóa. Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí trên đây để nhận diện, đánh giá thực trạng sử dụng rượu bia ở nước ta hiện nay.

Nguồn - PGS.TS Đõ Minh Cương

Bình luận của bạn

Tin khác