Bàn tiệc lộ thiên ở ngõ Cầu Gỗ

Thứ 5, 05/12/2024, 14:41 (GMT+7)

Chia sẻ

Con ngõ Cầu Gỗ thẳng thớm, rất rộng rãi, đủ chỗ cho 2 xe tránh nhau, kể cũng là một ngõ to của chốn Kẻ Chợ "tấc đất tấc vàng". Thế nhưng, cái tên của ngõ dường như bị nuốt chửng, ít khi được nhắc tới hay biết đến. Bởi người ta chỉ nói đến nó dưới một giả danh khác: Chợ Hàng Bè.

GIAO LỘ CỦA TRƯỞNG GIẢ

Ngõ của Hà Nội có nhiều đặc điểm thú vị, chẳng hạn như nó trùng tên luôn con phố dung chứa nó. Ngõ Huế ở phở Huế, ngõ Đồng Xuân ở phố Đồng Xuân, ngõ Nhà Chung ở phố Nhà Chung, ngõ Hàng Khoai ở phố Hàng Khoai... và đương nhiên, ngõ Cầu Gỗ ở phố Cầu Gỗ.

Ngõ Cầu Gỗ có mối liên quan đến con ngõ Trung Yên đã được viết ở kỳ 1 của loạt tùy bút này. Khi đó, giữa hồ Hoàn Kiếm và hồ Thái Cực (hay còn gọi là hồ Hàng Đào và nay là phố Hàng Đào, phố Gia Ngư và ngõ Trung Yên) có một con lạch nhỏ kết nối 2 hồ.

Ở giữa con lạch, bắc một chiếc cầu gỗ. Đến cuối thế kỷ 19, hồ Thái Cực và con lạch bị lấp để làm đường xá và xây dựng nhà cửa, thế nên, cái cầu gỗ cũng biến mất, chỉ để cái tên cho phố, con ngõ là hậu thân của nó. Thành ra, Hà Nội có một bộ sưu tập cầu bằng đủ chất liệu: Cầu Giấy, Cầu Gỗ, Cầu Đất...

Tuy nhiên, ban đầu, tên của ngõ không phải là Cầu Gỗ. Đầu tiên, nó được chính quyền thực dân Pháp đặt tên là phố Nguyễn Trọng Hợp (Đại thần triều Nguyễn từng giữ chức Kinh lược sứ Bắc Kỳ). Đến tháng 8 năm 1945, phố được đổi tên thành Trần Cao Vân (nhà nho yêu nước và là thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội).

Tuy nhiên, chính quyền thời tạm chiếm từ năm 1946 đến 1954 lại đổi tên phố thành Cao Bá Nhạ (cháu ruột của Cao Bá Quát). Đến năm 1994, chính quyền Hà Nội chính thức đặt tên là ngõ Cầu Gỗ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, rất ít người biết đến cái tên này.

Theo tài liệu địa chính, ngõ Cầu Gỗ dài khoảng 100 mét, dài gấp 4 lần phố Hồ Hoàn Kiếm nằm chéo cánh cách khoảng 10 bước chân. Lòng ngõ rộng rãi chẳng kém gì phố Cầu Gỗ, thẳng thớm, hai bên nhà cửa san sát, hầu như mở cửa hàng ở mặt tiền để kinh doanh, buôn bán.

Con ngõ này nối phố Cầu Gỗ và phố Gia Ngư, tạo thành giao lộ trưởng giả gồm: Phố Hàng Bè, phố Gia Ngư, ngõ Trung Yên và ngõ Cầu Gỗ. Giao lộ này chính là trái tim của chợ Hàng Bè, nơi được xưng tụng là cái chợ dành cho nhà giàu, bán những thực phẩm tươi ngon nhất, đắt giá nhất nhưng lúc nào cũng đông nườm nượp bởi “đắt nhưng xắt ra miếng”.

Chợ Hàng Bè của Hà Nội vô cùng nổi tiếng nhưng không phải chợ Hàng Bè mà cố thi sĩ Tố Hữu đã nhắc đến trong bài thơ “Lượm” bởi đó là Hàng Bè ở thành phố Huế. Chợ Hàng Bè trước đây họp ở đầu phố Hàng Bè trên một khu đất trống, có tập trung và công năng chuyên biệt.

Nhưng rồi, chợ dạt dần vào phố Gia Ngư, cũng không còn hình thái là chợ truyền thống mà chuyển sang hình thái phố thị - phố và chợ. Mỗi căn nhà trên phố đều mở sạp hàng trước ở mặt tiền, tạo thành một gian hàng của chợ, và khi tan chợ, chúng được dọn dẹp để trả lại chức năng đường phố cho nơi đó.

Hình thái phố thị cũng góp phần lớn trong việc hình thành một Hà Nội - Kẻ Chợ, một đô thị - chợ, một cái chợ khổng lồ được điều hành bằng nghìn vạn hình thức mua bán. Ở đó, chúng ta thấy mỗi con phố là một dãy bán hàng chuyên biệt như: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Giấy.

Hoặc phố là biểu tượng của ngành nghề như Lò Rèn hay biểu tượng cho phương thức vận chuyển mà bây giờ gọi là Logistic như Hàng Bè, nơi mà thuyền bè cập bến tận đây để luân chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện, giống như câu tục ngữ mô tả: “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Chứ Hàng Bè không bán bè, mảng gì cả.

Cho dù sự vận động của thời cuộc và hành chính như thế nào khiến chợ Hàng Bè phải di chuyển, nhưng cái danh tiếng của chợ ngày càng được trọng vọng. Chỉ có nơi đây mới có đủ năng lực cung cấp cho khách hàng một mâm cỗ cúng sang trọng, chuẩn mực trong vòng 30 phút. Bởi đó là một cái bếp, một bàn tiệc lộ thiên khổng lồ.

TẤT CẢ VÌ ĐỆ NHẤT TỨ KHOÁI

Chợ Hàng Bè khác biệt hoàn toàn với những cái chợ danh tiếng khác ở Hà Nội là chỉ bán những mặt hàng phục vụ khoái lạc ăn uống của con người. Ngoài thực phẩm, rau cỏ, đồ ăn sống chín, hoa quả bánh trái ra, không có gì khác hiện diện ở chợ Hàng Bè.

Đặc điểm của chợ Hàng Bè là chợ dành cho nhà giàu, có điều kiện hay những ai muốn mua các loại thực phẩm, đồ ăn uống có chất lượng cao, tươi mới. Giá cả các mặt hàng ở chợ Hàng Bè từ quả ớt, nhánh tỏi trở đi đều cao hơn các nơi khác vài giá.

Nhưng như đã nói, mọi người đều hài lòng vì “đắt xắt ra miếng”. Mớ rau thơm ở đây bao giờ cũng đã được nhặt gọn gàng, loại bỏ phần héo, già, thối và bùn đất, nên khi mua về không mất công nhặt. Những thực phẩm khác, cái nào cần sơ chế đều được làm trước khi đưa đến tay của “thượng đế”, còn thực phẩm chín lại được đóng gói gọn gàng, chỉn chu, về chỉ việc bỏ vào mâm cơm.

Do đó, hầu như chẳng thấy chuyện mặc cả to tiếng hay tranh cãi ồn ào giữa người bán và người mua ở đây. Cũng toàn là khách sộp, khách quen, khách sành cả, chẳng dại gì mà lừa lọc, “chăn gà” để rồi không những mất khách mà còn phải bán xới khỏi đây.

Ngõ Cầu Gỗ chỉ là một nhánh của chợ Hàng Bè, nhưng nó lại là nhánh quan trọng nhất. Những món ngon trong thiên hạ, những tinh hoa của ẩm thực Hà Nội đều có ở đây để phục vụ bữa cơm thường nhật hay cỗ bàn sang trọng. Lợn, bò, ngan, ngỗng, gà, vịt, thủy hải sản ở dạng tươi đành đạch hay sơ chế và đã chế biến đều có đủ.

Nói chuyện sắm sửa một mâm cỗ hoàn chỉnh với 4 bát 6 đĩa hay 6 bát 8 đĩa trong vòng 30 phút ở đây hoàn toàn không phải lối nói đại ngôn. Gà luộc dáng hạc xòe cánh tiên, mỏ ngậm hoa hồng, xôi vò chè đường, chim bồ câu quay, đĩa xào hạnh nhân luôn ê hề.

Những món cầu kỳ, tốn kém như canh bóng thả, canh măng hầm chân giò trong mâm cỗ tinh xảo của Hà Nội chỉ là chuyện nhỏ. Chả mực giã tay, chả cốm, giò lụa, bò lúc lắc, fillet bò làm beefsteak, tôm sú tươi hấp dừa xiêm, dê tái chanh cho chí dưa cà mắm muối hay những nguyên liệu lặt vặt phục vụ cho món mắm rươi, bún thang cầu kỳ đều có đủ.

Tuy nhiên, món trấn danh chi bảo của chợ Hàng Bè nhánh ngõ Gia Ngư chính là cá kho và mắm tép chưng thịt. Thương hiệu Trinh Cá Kho, Huyền Cá Kho ở đây là đệ nhất giang hồ, từ cá trắm kho 2 - 3 lửa trong 7 - 8 tiếng, đến cá nục kho, cá diếc kho, cá bống rim khô, tôm tép rang... đều thuộc hàng danh tiếng lẫy lừng.

Cá trắm kho phải dùng cá tươi khỏe, to từ 7kg trở lên và thịt chắc, dẻo được sơ chế sạch, khử mùi tanh, cắt khúc rồi ướp riềng, nước mắm, đường và muối. Cá được kho với nước hàng khoảng 2 tiếng, rồi được bổ sung thịt ba chỉ thái miếng vuông vức và bì lợn để tạo chất keo.

Nồi cá kho đó tiếp tục được kho chậm với lửa vừa trong khoảng 10 tiếng, đến khi mỡ lợn tan ra làm miếng cá béo ngậy, thơm phức còn bì kết keo giúp cá dẻo hơn. Sau 10 tiếng cá bắt đầu nhừ, nhưng vẫn được kho thêm 2 tiếng nữa cho nồi cá cạn nước, thịt cá chắc lại mới coi là hoàn thành.

Cá kho của chợ Hàng Bè vốn là lối kho cổ truyền, đòi hỏi nhiều công phu, sức lực và thời gian. Tất nhiên, nguyên liệu cũng thuộc hạng tố hảo nên giá tiền cũng không hề rẻ. Song, cá kho vẫn cứ bán đắt như tôm tươi, vào những dịp lễ Tết, nếu không đặt trước thì khó lòng mua được.

Thế mới nói, phố Cầu Gỗ tuy ngắn nhưng lại là cái bếp nấu nướng, cái bàn tiệc kỳ vĩ nhất chốn Hà Nội. Hoạt động trên con ngõ này, chợ Hàng Bè đã góp phần gìn giữ và giới thiệu nét tinh hoa ẩm thực của người Hà Nội từ xưa cho tới nay.

Nguồn 

Bình luận của bạn

Tin khác