Tấm bản đồ này cho thấy toà thành Hà Nội kiểu vauban chiếm một diện tích lớn. Trong thành có vài đầm nước, gần như bỏ trống, bởi các trại lính, kho tàng đã bị phá huỷ hết rồi. Bên phải toà thành là khu phố phường đông đúc. Phía Nam hồ Gươm chỉ có khu Nhượng địa, còn lại vẫn là làng và ruộng.
Sông Tô Lịch nối với hào thành, rồi chảy xuyên ngang khu phố cổ, đổ ra sông Hồng, nhưng đã hẹp lại rất nhiều, và không còn là con đường thuỷ để thuyền buôn đi vào thành được nữa.
Trong khu phố cổ vẫn còn mấy hồ nước. Hồ Thái Cực nối với hồ Gươm bởi một con lạch. Bắc ngang con lạch đó là cây cầu bằng gỗ, vì thế mới có tên Cầu Gỗ. Khu nhà bên cạnh hồ Thái Cực còn đánh cá ở hồ, nên gọi là khu Gia Ngư, sau này mới có phố Gia Ngư.
Bên trên hồ Thái Cực còn hồ Ngư Võng, hồ Đồng Xuân, hồ Huyền Thiên thì bao quanh quán Huyền Thiên. Sau này khi lấp các hồ đi, mới có các phố trên nền đất đó. Vì vậy hiện nay ngay giữa khu phố cổ vẫn có những phố không mang tên cổ, như Đinh Liệt, Nguyễn Quyền,…, đều là phố lập sau này.