Không gian quanh Hồ Hoàn Kiếm từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn của Hà Nội, đặc biệt từ khi không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận chính thức được khai trương thì nơi đây càng trở nên hấp dẫn vì người dân có thể tìm thấy một “không gian sống chậm” cho riêng mình. Nhưng chắc chắn sẽ ít người biết ý tưởng về một khu phố đi bộ quanh Hồ đã được người Pháp đưa ra và thực hiện ngay từ những năm đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Dự án đại lộ quanh Hồ (boulevard autour du Petit Lac) được hình thành từ năm 1884, việc san đất thi công được thông báo vào ngày 15/4/1885(1). Và trong thư gửi quyền Tổng Trú sứ Trung – Bắc Kỳ ngày 09/5/1888, Phó Công sứ Hà Nội đã nêu rõ “…đây là một tuyến phố đi bộ – công trình công ích…”(2).
Sau nhiều lần mở rộng địa giới hành chính, diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi và người dân đang dần mất đi không gian công cộng - yếu tố quan trọng của một thành phố đáng sống.
Sơ đồ từng phần của dự án đường quanh Hồ vẽ ngày 05/5/1888
Để thực hiện mục đích nhào nặn Hà Nội thành một thành phố Châu Âu, vào năm 1883, chính quyền Pháp đã mở một con đường nối khu nhượng địa với khu vực Trường Thi và Hoàng Thành cũ – nơi đặt trụ sở của bộ máy chỉ huy quân sự(3). Đây cũng là trục đường chính để mở rộng các hoạt động xây dựng trong nhiều năm tiếp theo.
Từ đây, không gian kiến trúc cảnh quan của Hà Nội có nhiều biến chuyển lớn – từ thành lũy, phường thị sang thành phố quy hoạch theo kiểu Châu Âu, kéo theo sự thay đổi cả về hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc và không gian xanh xung quanh Hồ Hoàn Kiếm (Petit Lac).
Khi xây dựng khu vực Hồ, Tổng Trú sứ Trung – Bắc Kỳ đã yêu cầu Thống sứ Bắc Kỳ phải giữ lại khu vực quanh Hồ với chiều rộng ít nhất là 20 mét (4). Tuyến phố Paul Bert- des Inscruteurs (tuyến phố Tràng Tiền- Hàng Khay- Tràng Thi ngày nay) là tuyến phố đầu tiên được hình thành ở khu vực này. Các tuyến phố vuông góc với tuyến phố trên được hình thành tiếp theo là phố Francis Garnier (phố Đình Tiên Hoàng) và Beauchamps Ferry (phố Lê Thái Tổ), cùng với các tuyến phố song song tạo ra một hệ thống các tuyến phố bao quanh Hồ Hoàn Kiếm và trở thành hệ thống đường phố đầu tiên ở Hà Nội.
Ở phía Đông Nam Hồ Hoàn Kiếm, người Pháp tập trung hoàn thiện xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị của thành phố Hà Nội. Đây là khu vực dành cho các cơ quan hành chính chính trị đầu não của chính quyền Pháp ở Hà Nội như tòa Đốc lý, tòa Thống sứ Bắc Kỳ, kho bạc, bưu điện, ngân hàng,… Đại lộ Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) cùng với vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ) tạo ra ở khu vực này một không gian cây xanh và là trục đi bộ quan trọng của trung tâm đô thị.
Đại lộ Francis Garnier có quyết định xây dựng từ năm 1884 với tên gọi ban đầu là boulevard autour du Petit Lac (đại lộ quanh Hồ Nhỏ) hoặc boulevard du Petit Lac (đại lộ Hồ Nhỏ) hay boulevard du Lac (đại lộ ven Hồ), nhưng đến tháng 4/1885 mới được phác thảo(5). Dự toán cho việc xây dựng đại lộ này được lập ngày 01/7/1887 với tổng kinh phí là 2000 phờ-răng(6). Trong thư gửi quyền Tổng Trú sứ Trung- Bắc Kỳ ngày 17/10/1887, Phó Công sứ Hà Nội đã yêu cầu trưng dụng đất đai của người bản xứ ở phố Paul Bert và phố Brodeurs để chuẩn bị cho việc khởi công công trình(7). Và sơ đồ từng phần của con đường này đã được chốt lại vào ngày 5/1888(8).
Ngoài vai trò là tuyến đường giao thông quan trọng của khu vực phía Đông Hồ Hoàn Kiếm, đại lộ Francis Garnier được xây dựng còn góp phần làm đẹp cảnh quan khu phố Tây, làm tăng giá trị đất đai quanh Hồ và đây là một tuyến phố đi bộ – công trình công ích (9).
Thư số 58 của Phó Công sứ Hà Nội gửi quyền Tổng Trú sứ Trung – Bắc Kỳ ngày 09/5/1888 về dự án làm đường đi bộ quanh Hồ
Năm 1888, Hội đồng thành phố bỏ đã đồng ý chi 2600 đồng bạc Đông Dương để thi công đại lộ(10) nhưng một số chủ đất ở khu vực này đã đòi bồi thường quá cao nên việc trưng dụng đã kéo dài nhiều năm(11). Do công trình chưa được khởi công nên chính quyền đã phải đưa ra những biện pháp để ngăn chặn việc xây dựng trên các khu đất đai cần trưng dụng(12). Đại lộ quanh Hồ Nhỏ được bắt đầu xây dựng năm 1891 nhưng do còn vướng mắc với chủ đất ven Hồ nên mãi đến năm 1893 mới hoàn thành(13) và được đặt tên là đại lộ Francis Garnier, năm 1945 được sáp nhập với đại lộ Beauchamps đổi tên thành phố Lê Thái Tổ, năm 1951 tách khỏi đại lộ Beauchamps và đổi tên thành đại lộ Đinh Tiên Hoàng (tức phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay).
Đoạn đường ven Hồ Gươm phía đại lộ Beauchamps (nay là phố Lê Thái Tổ) mang tên “La promenade des journalistes”. Đoạn đường này được mở sau khi có quyết định ngày 22/8/1886 của Phó Công sứ Pháp ở Bắc Kỳ cho phép xây dựng một con đường rộng 10 mét xung quanh Hồ Gươm(14).
Đoạn giáp ranh giữa đại lộ Francis Garnier và đại lộ Beauchamps về phía Đông- Bắc thành phố là Place de Cocotier (nay là khu vực đài phun nước Bờ Hồ).
Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hà Nội đã có biết bao đổi thay. Một phố Tây xa hoa giữa lòng đô thị cổ mấy trăm năm tuổi không làm phá vỡ kiến trúc phố cổ, trái lại còn tạo nên một Hà Nội độc đáo, hấp dẫn với những sự đan xen giữa khu phố Tây – phố ta.
Ngày nay, tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (đại lộ Francis Garnier trước đây) là tuyến phố dài nhất, quan trọng nhất của khu vực Hồ Hoàn Kiếm (nơi tọa lạc Ủy ban Nhân dân thành phố, Bưu điện trung tâm cùng nhiều trụ sở cơ quan khác) cùng vườn hoa Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu,…tạo nên một không gian đi bộ lý tưởng vào mỗi dịp cuối tuần, nơi người dân Hà Nội có thể tìm được sự cân bằng giữa guồng quay tấp nập của cuộc sống thường ngày.
Tài liệu tham khảo
(1), (3),(5),(8). TTLTQG1/Tư liệu/S1163;
(2),(9),(10),(12). TTLTQGI/RST/4431;
(4). TTLTQGI/RST/5830;
(6). TTLTQGI/RST/2792;
(7). TTLTQGI/RST/40787;
(11). TTLTQGI/RST/40785;
(13). TTLTQGI/RST/5771;
(14). TTLTQGI/Tư liệu/TC2241.
* Tiêu đề bài viết do BBT đặt
Nguồn - Nguyễn Hằng
Bình luận của bạn