Di tích lịch sử - văn hóa Văn chỉ Thọ Xương tọa lạc ở Phường Hồng Mai, phía Nam Huyện Thọ Xương xưa (nay là số 3 Ngõ 222, Phố Bạch Mai, Phường Cầu Dền, Quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội.
Văn chỉ Thọ Xương vốn được coi là một Văn Miếu thu nhỏ của Hà Nội khi đầu thế kỷ XIX, Hà Nội bị biến thành một tỉnh, Văn Miếu Quốc Tử Giám của Thăng Long bị Nhà Nguyễn "hạ cấp" chuyển vào Kinh đô Huế.
Gắn với truyền thống Văn Miếu, Văn chỉ Thọ Xương là nơi thờ các bậc Tiên Hiền Đạo Nho cũng như các bậc Hiền Tài Thăng Long - Hà Nội, cụ thể là các bậc khoa bảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX tương ứng với các triều đại Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn.
Điều đặc sắc, đây là một ngôi đền không mang tính tôn giáo thờ Thần, Phật, Lão như truyền thống mà hoàn toàn là một ngôi đền do dân tạo dựng lên, tôn thờ các bậc Hiền Tài Thăng Long - Hà Nội. Điều này không hề đi ngược với dòng chảy của lịch sử Việt Nam khi Thăng Long - Hà Nội từng trải qua lịch sử phát triển độc lập và sáng tạo 800 năm liên tục (với các Vương triều Lý, Trần, Lê lừng lẫy), bỗng chốc bị hạ thấp vai trò đại diện quốc gia cho Kinh đô mới Huế của Nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Đây là việc làm thể hiện tiếng nói, nguyện vọng tâm huyết của sĩ phu và dân chúng Bắc Hà nhằm ngăn chặn sự suy thoái về mọi mặt của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mở mang việc học hành, giữ gìn thuần phong mỹ tục Tràng An, phát triển những thành tựu kinh tế, văn hóa và văn học của cố đô có chiều dầy gần nghìn năm lịch sử, bồi dưỡng và nâng cao sức mạnh nội sinh của toàn quốc gia dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và bảo vệ đất nước.
Văn chỉ Thọ Xương.
Tìm hiểu về Văn chỉ Thọ Xương, lớp con cháu chúng ta có thể đúc rút được mấy điều sau:
1. Văn chỉ Thọ Xương được xây dựng nên là nhờ tâm sức của nhiều bậc danh sĩ Thăng Long như: Tiến sĩ Vũ Tông Phan, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu), Tiến sĩ Lê Duy Trung...và không thể tách rời với tâm đức của nhà văn hóa Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng, người đã cống hiến một khối tài sản lớn tới 10 mẫu, 2 sào, 7 thước dư, cùng hàng ngàn quan tiền, lại tự mình trông nom việc xây dựng từ đầu đến cuối. Năm 1832, Cụ Nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý đã khởi xướng thành lập Văn hội Thọ Xương do Cụ Tiến sĩ Vũ Tông Phan làm Hội trưởng, Cụ Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng là Phó hội trưởng. Năm 1836, Văn chỉ Thọ Xương được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế. Năm 1838, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý đã cho dựng tấm văn bia "Thọ Xương Tiên Hiền Từ Vũ Bi Ký" do chính Cụ soạn ghi lại toàn bộ quá trình xây dựng Văn chỉ Thọ Xương. Kể từ đó, Văn chỉ Thọ Xương đã trở thành địa điểm tập họp văn thân sĩ phu Hà Nội, xứng đáng là nơi khởi nguồn phong trào chấn hưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
2. Bài học của Văn chỉ Thọ Xương chỉ ra rằng: mô hình của sự kết hợp giữa nhà doanh nhân, những người giầu tâm đức hướng thiện và các bậc sĩ phu trí thức là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự thành công của sự nghiệp chấn hưng văn hóa. Văn hóa luôn là cốt lõi và động lực của sự phát triển.
3.Từ năm 1836 đến đầu thế kỷ XX, Văn chỉ Thọ Xương không chỉ là nơi thờ phụng các bậc Tiên Hiền của Đạo Nho và các bậc Hiền Tài của Thăng Long - Hà Nội mà còn giữ vị trí như một trung tâm truyền bá văn hóa của cố đô Thăng Long, thể hiện trên các tấm bia, câu đối, hoành phi, việc mở các Trường Đại tập và nhiều hoạt động khác của hội viên Văn hội Thọ Xương. Nơi đây còn là trụ sở Nhà in Như Nguyệt Đường của Cụ Bùi Huy Đoàn, cung cấp trực tiếp nhiều ấn phẩm cho công cuộc chấn hưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
4. Việc xây dựng Văn chỉ Thọ Xương và Đền Ngọc Sơn đều là hoạt động khởi phát từ Văn hội Thọ Xương do Tiến sĩ Vũ Tông Phan làm Hội trưởng và Cụ Tú lĩnh Bùi Huy Tùng là Phó Hội trưởng chủ trì. Như vậy, định hướng của Hội Hướng Thiện Đền Ngọc Sơn sau này là xuất phát từ Văn chỉ Thọ Xương. Nói cách khác, không có Văn chỉ Thọ Xương thì không có quần thể di tích Đền Ngọc Sơn - Tháp Bút nổi tiếng vào bậc nhất sau này.
Tiến sĩ Vũ Tông Phan
Văn chỉ Thọ Xương- trung tâm chấn hưng văn hóa Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XIX
Năm 1802, Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân và tuyên đế hiệu Gia Long, đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn, tiến vào Thăng Long, bố cáo thiên hạ: “Xây dựng nền trị bình, chấn hưng văn hóa” (Đại nam thực lục).
Lễ kỷ niệm 180 năm (1838-2018) lập bia tại Văn chỉ Thọ Xương mới được phục dựng. Ảnh: BTC
Vậy mà 30 năm hậu chiến đã qua rồi, năm 1831, vị tiến sĩ khoa thi 1826 của chính triều Nguyễn là Vũ Tông Phan, từ kinh đô Huế ra Bắc nhậm chức Giáo thụ phủ Thuận An tỉnh Bắc Ninh, miêu tả thực trạng Hà Nội trong bài thơ “Để Hà Nội giới thủ” (Đến đầu địa giới Hà Nội):
Nhân hỏi tân tỉnh thành Hà Nội
Khí sắc xem có được như xưa:
Người bảo từ ngày lao dịch mới
Trước mười nay tám chín phần thua.
Lại thêm dân cư Hoài Đức phủ
Nghe có lệnh vua tuyển binh ngũ
Nhà nhà thất kinh, người trốn đi,
Bất kể dân gốc hay dân ngụ,
Ba sáu phố phường không phu phen,
Chợ buổi, chợ phiên buôn bán bỏ,
Quanh thành trộm cướp nổi triền miên,
Một đêm năm lần cháy trong phố,
Thôn phường mười hộ chín trống không,
Dắt díu nhau đi tìm lạc thổ...
Đó là dân tình, còn đây, vẫn trong bài thơ ấy, là thế đạo nhân tâm:
Than ôi! Trăm nghìn năm phồn hoa,
Vật thịnh hay suy đều tại số.
Nhưng nay phát sinh nơi đô thành,
Nhiều hạng dân du thực du thủ,
Đi học chỉ cốt giật tiếng Nho,
Đi buôn chửa giầu đã khoe của,
Cư dân thường túm tụm ba hoa,
Bộ hành áo quần cực diêm dúa,
Sòng bạc tràn lan khắp gần xa,
Chiếu rượu, sạp ca thâu sớm tối,
Tâng bốc láng giềng, nịnh thân gia,
Không còn nửa phân lòng trung hậu...
Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ khoa 1832, người làng Đông Tác-Kim Liên, đồng môn và đồng chí thân thiết của Nghè Phan, phát biểu tâm huyết chung của kẻ sĩ Thăng Long buổi trầm luân ấy: "Quốc vận trung hưng, nhân đạo khởi vô tái chấn?" (trung hưng vận nước mà không chấn chỉnh đạo lý làm người được sao?).
1. Mùa xuân năm 1834, nhóm sĩ phu Hà thành tập họp xung quanh Vũ Tông Phan, vị tiến sĩ khai khoa cho huyện Thọ Xương, đã nhất loạt mở các tư thục quanh vùng hồ Hoàn Kiếm, như họ viết trên một về đối trong đền Ngọc Sơn, tạo “tân lương giác thế quan” - cầu bến cửa giác ngộ cho đời (xin đọc bài về Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu trong Thời báo Văn học Nghệ thuật, số ra ngày 14.10.2021). Nhưng xưa cũng như nay thôi: Không thể phát triển giáo dục bằng mấy ngôi trường chất lượng cao trong môi trường văn hóa suy đồi! Nhóm sĩ phu Hà thành đã nhất trí “minh thệ” (thề ước) với nhau tại các cuộc tụ hội luận bàn ở trường Hồ đình và trường Phương đình về “chính nhân tâm” (làm cho nhân tâm đúng đắn) “chính phong tục” (làm cho phong tục đúng đắn) và “chính học thuật” (làm cho sự học đúng đắn). Chữ “chính” hợp với chữ “phương” thành “PHƯƠNG CHÍNH” - phương châm tư tưởng và hành động của quân tử: NGAY THẲNG, CHÍNH TRỰC. Bởi thế, trong một bài họa đáp tại bữa tiệc khai trường Phương đình trên bờ sông Tô cuối xuân 1834, Nguyễn Văn Siêu đã nguyện cùng các đồng chí: Cố tri viên thị trí, nghĩa là: “Vẫn biết tròn là khôn ngoan / Xin nguyện giữ VUÔNG làm khuôn mẫu”. Bởi lẽ vuông thì chỉ thẳng một hướng mà tiến, chứ tròn thì lăn lông lốc ba vạ mọi nơi!
Nhưng để làm văn hóa, ngoài phương châm đúng đắn phải có phương tiện: Tổ chức và tài lực. Về tổ chức thì theo tấm bia đá lớn, dựng tại Văn chỉ Thọ Xương từ 1838, văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý viết: Năm 1832 các thân sĩ huyện Thọ Xương (bao gồm 4 huyện nội thành ngày nay) sau khi tham khảo quy chế phụng thờ tiên hiền của triều đình, đã lập ra Văn hội Thọ Xương. Nhưng Văn hội, tổ chức truyền thống từ xưa của Nho sĩ, có những khuôn khổ quá chật hẹp, không thể đáp ứng những mục tiêu của Vũ Tông Phan cùng các đồng chí. Chẳng hạn, hạn chế về khoa danh: Theo Bạ tịch Văn chỉ Thọ Xương, khắc in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), tính đến năm 1836 là năm khởi công xây dựng Văn chỉ, Văn hội mới có 39 thành viên, gồm 2 tiến sĩ (Phan và Lý), 7 cử nhân (Siêu bấy giờ cũng chỉ mới đỗ cử nhân) và 30 tú tài. Bởi thế, khoảng 1834 - 1836, Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu cùng các nho sĩ đồng chí hướng chấn hưng văn hóa-giáo dục Thăng Long, dựa nòng cốt Văn hội Thọ Xương do Nghè Phan “vi chủ”, sáng lập một tổ chức xã hội phi chính thống đầu tiên trong lịch sử Nho lâm đất Việt: Hướng Thiện hội, cũng do người khai khoa dưới triều Nguyễn cho huyện Thọ Xương làm Hội trưởng đầu tiên.
Văn chỉ Thọ Xương (hai khu nhà bên trái bản đồ Hà Nội 1873, phía sau là khu chùa Liên Phái). Ảnh: BTC
2. Về tài lực, cũng là do một nhân duyên đưa ông Nghè làng Tự Tháp ven Kiếm Hồ đến với sĩ phu Bùi Huy Tùng, bậc trưởng giả trong gia tộc họ Bùi thôn Phất Lộc (nay là ngõ) giầu có nhất nhì Hà thành thời bấy giờ, đã mở trường để diên sư giáo tử, tức mời thầy về nhà dạy con và ông thầy đó chính là hưu quan Đốc học Vũ Tông Phan. Từ đấy họ Bùi thôn (nay là ngõ) Phất Lộc mới có hai người đỗ cử nhân là Bùi Huy Tuyên (1841) và Bùi Huy Côn (1843), nhiều người đỗ tú tài. Về phía Nghè Phan, hẳn là nhờ ngồi dạy học trong tư gia ông Tùng, gần gũi với ông nhiều năm tháng, nên đã nhận ra sĩ phu này có cái tâm lớn, chứ không phải như thành kiến ông từng phát biểu trước kia trong một bài thơ tự cười sự học vô dụng của mình, rằng "Buôn bán thì lo để tiếng cắt cổ người"! Trong nhận thức của Vũ Tông Phan, sau các biến cố của thời cuộc, lại trải qua kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân, hẳn đã có chuyển biến tích cực về vai trò của doanh nhân trong xã hội nên ông đã cho con trai cả là tú kép Vũ Như Trâm kết hôn với cháu ruột ông Tùng là Bùi Thị Dĩnh.
Tấm bia đá lớn tại Văn chỉ Thọ Xương khắc ông Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng đã hiến tổng cộng đến 10 mẫu 7 sào ruộng, ao và hàng ngàn quan tiền (1 con trâu lúc ấy giá chỉ 5 quan!) lại đích thân trông coi xây dựng, sau tiếp tục tạo kinh phí duy trì hoạt động của Văn chỉ và hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn. Với gần 4 nghìn mét vuông mặt bằng, Văn chỉ Thọ Xương khánh thành năm 1838 từng là một khu đền miếu khá quy mô, theo hình vẽ trên bản đồ Hà Nội 1873 có đến 5 tòa, chia làm 2 khu, khu chính có đại bái 5 gian với tả vu, hữu vu, ao minh đường, cột hia biểu, cổng, tường bao, đều xây gạch, lợp ngói, khu thứ hai có nhà in Như Nguyệt đường do ông Bùi Huy Đoàn là chú ruột của Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng xây dựng.
3. Nhưng khác biệt chủ yếu của Văn chỉ Thọ Xương so với các văn chỉ thông thường là ở chỗ nó không chỉ là nơi xuân thu nhị kỳ tế lễ Khổng Tử và các tiên hiền địa phương. Văn chỉ Thọ Xương là một trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội thế kỷ XIX, hoạt động chấn hưng văn hóa-giáo dục. Nội dung văn hóa của Văn chỉ thể hiện ở bi ký, câu đối tại đền, qua những công việc hữu ích chung mà các thành viên Văn hội và Hướng Thiện hội tiến hành tại đây, tại các đền chùa và tư thục ở nội ngoại thành Hà Nội và cả ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Định, Hải Dương...
Trên tấm bia "Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký" (1838), sau lịch sử dựng đền và những câu chung chung về tôn kính tiên hiền, thờ vua giúp nước, Nguyễn Văn Lý bộc lộ chủ trương của họ một cách rất cụ thể, thiết thực: "Vi hương quân tử, vi xã tiên sinh" (làm người có đạo đức chân chính trong làng, làm người thầy dạy học trong xã) - một lẽ sống mà Văn chỉ Thọ Xương về sau kẻ sĩ đất Việt trong suốt ngót trăm năm cho đến các nhà Nho ở Đông Kinh nghĩa thục, vẫn noi theo. Và chẳng những trí thức Nho học mà đến cả những thanh niên "Tây học ở giữa thế kỷ XX vẫn nhận thức đó là một lẽ sống chân chính và đã biến thành lời kêu gọi trên báo Thanh Nghị: "Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!" (Vũ Đình Hoè).
Phương châm của Văn hội và Hướng thiện hội để tu thân và giáo hóa sĩ dân nhằm chấn hưng văn hóa-giáo dục được vị Hội trưởng Vũ Tông Phan thể hiện thành vế đối treo ở ngay bái đường, nơi hành lễ: Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến / Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh. Tạm dịch: Phong văn nước cũ truyền người trước - Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau.
“Cựu bang văn nhã” chỉ tục lệ tốt đẹp của nước Văn Lang. Thế còn “cổ đạo nghi hình” (khuôn và mẫu của đạo cổ) là đạo nào vậy? Trong thơ của Vũ Tông Phan chúng tôi lại hay gặp “ngô đạo” - chữ Khổng Tử thường dùng gọi học thuyết chính trị-đạo đức của mình: “Long sát bất quan ngô thánh đạo” (cuộc chém giết lớn này không liên quan đạo thánh của ta - Qua Văn miếu Bắc thành, 1832); “ngô đạo bất duyên tang lỗ cuộc” (đạo ta không can hệ cuộc dâu bể này). Rõ ràng ông tiến sĩ khai khoa cho huyện Thọ Xương nói đến đạo Nho cổ đại của Khổng Tử, với chữ Nhân (nhân ái) làm gốc, vì chỉ có lòng Nhân mới bất biến, không liên quan sự đổi thay triều đại.
4. Văn chỉ Thọ Xương với Như Nguyệt đường của Bùi Huy Đoàn là một nơi tàng bản và khắc in sách lớn ở Hà Nội trong thế kỷ XIX, không thua kém tàng bản đền Ngọc Sơn. Tiếc rằng do những biến động xã hội lớn ở nửa sau thế kỷ XX, Văn chỉ bị chiếm dụng, tài sản kể cả bộ ván khắc bị thất lạc hết. Hiện nay, căn cứ kho sách của Viện Hán Nôm, các nhà nghiên cứu mới sưu tầm được một số bộ sách từng khắc in tại Như Nguyệt đường như: Âm chất văn, nội dung là những bài kinh khuyến Thiện cổ truyền của các thánh Văn Xương, Quan Đế; Ngũ luân ký thể thơ 6-8 bằng chữ Nôm, về 5 đạo lý vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn; Tứ lễ lược tập, do chính Bùi Huy Tùng biên soạn thuyết giải về 4 lễ lớn cổ truyền (Quan: đội mũ cho con trai trưởng thành, Hôn: cưới xin, Tang: tang ma, Tế: cúng tế). v.v...
Đều đặn một tháng hai lần, vào các ngày mồng 2 và 16 tại nhà Đại bái Văn chỉ thọ Xương và tại Hoằng Thiện kinh đàn Ngọc Sơn, tổ chức các buổi thuyết giảng kinh dạy đạo làm người. Mới đầu là giảng những kinh sách lưu truyền từ xưa do Văn hội in ra, khuyến khích mọi người làm việc thiện để tu dưỡng đạo đức, gìn giữ lòng hiếu thảo với cha mẹ, đức thuỷ chung trong tình vợ chồng, sự nhường nhịn, hoà thuận giữa anh em với nhau, thành thực trong quan hệ bạn bè, giữ chữ tín trong quan hệ với mọi người.v.v...; sau cập nhật những phương châm tư tưởng của từng giai đoạn, như đến thời Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục và hậu Đông Kinh nghĩa thục đã giảng bài sau đây trong Tâm pháp chân kinh:
Từ rày giở về sau mãi mãi
Thề không tham của cải của người
Thề không hoa nguyệt chơi bời
Thề chừa cờ bạc, thề thôi rượu càn
Thề không dám ăn gian nói dối
Thề không còn oán mới thù xưa
Thề cứu giúp kẻ sa cơ
Thề trong việc Thiện từ giờ gắng công
Ơn cha mẹ thề không phụ bạc
Thờ sống sao thời thác làm vầy
Nước-nhà nghĩa hợp xưa nay
Thề xin sau trước thẳng ngay một lòng
Có vợ chồng thề không lỗi đạo
Sống thủy chung giai lão bách niên
Anh em nhường dưới kính trên
Thề xin hòa mục cho yên cửa nhà
Chơi với bạn nếu là lường gạt
Thề xin cam trừng phạt lần hồi
Thầy trò nghĩa lớn ở đời
Con mà bội bạc Đức Ngài chứng tri...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, việc xây dựng Văn chỉ Thọ Xương diễn ra trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn đã dời kinh đô khỏi Thăng Long và xây dựng Quốc Tử Giám tại Huế. Vì thế, giá trị, ý nghĩa của Văn chỉ Thọ Xương là phát động phong trào chấn hưng văn hóa Thăng Long. Người có công đầu trong việc xúc tiến, đầu tư kinh phí và trông coi xây dựng văn chỉ là sĩ phu yêu nước Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng (1794-1862), Hội phó Văn hội Thọ Xương. Ban đầu Văn chỉ Thọ Xương là nơi thờ Khổng Tử cùng các vị tiên hiền, khoa bảng của huyện Thọ Xương. Với vai trò là trụ sở của Văn hội Thọ Xương (thành lập năm 1832), đây thực sự là một trung tâm văn hóa lớn, đi đầu trong việc cổ vũ chấn hưng văn hóa Thăng Long.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, thành viên Ban trị sự Văn chỉ Thọ Xương cho biết: “Vào mỗi mùa thi, học sinh ở nhiều trường lại tìm đến Văn chỉ Thọ Xương để lễ, cầu cho việc học tập được thuận lợi. Để bảo tồn và phát huy Văn chỉ Thọ Xương, tôi cho rằng cần phải tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu về văn chỉ; dịch sang quốc ngữ văn bia chữ Hán, bản ghi danh các tiên hiền; ấn hành tài liệu thuyết minh về di tích... Ngoài ra, chính quyền và nhân dân phường Cầu Dền cần phải xem xét việc bố trí người trông coi, mở cửa di tích hằng ngày để nhân dân và du khách có thể tham quan, qua đó giúp cho việc khai thác, sử dụng công trình có hiệu quả hơn”.
Bình luận của bạn