Có mặt trong đời sống mỹ thuật Việt Nam nhiều thập kỷ nhưng dường như tên tuổi của họa sĩ Lê Văn Xương (1917 – 1988) vẫn ẩn khuất theo thời gian, chưa được giới sưu tập và công chúng hôm nay biết tới rộng rãi. Dù vậy, những sáng tác ghi dấu ấn nghệ thuật đặc sắc gắn bó với Hà Nội 36 phố phường một thời vẫn được lưu giữ trong ký ức của những người có duyên biết đến nghệ thuật của ông.
30 năm sau ngày họa sĩ Lê Văn Xương mất, cuộc trưng bày tranh Lê Văn Xương năm 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh do nhà sưu tập Lê Y Lan, con gái họa sĩ thực hiện, lần đầu tiên đã thực sự khuấy động lại tên tuổi của ông.
Họa sĩ Lê Văn Xương sinh ngày 3-1-1917, trong một gia đình khá giả chuyên làm đồ gỗ ở Nam Định. Khoảng năm 1929 – 1930, Lê Văn Xương bắt đầu học vẽ, nhưng ông không thi vào trường mỹ thuật mà mời thầy về dạy tại nhà.
Năm 1937, khi họa sĩ Nhan Chí (1920 – 1967) từ Gia Định ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XII (1937 – 1942), Lê Văn Xương nhanh chóng kết giao, hợp tính tình nên ông mời bạn làm thầy dạy vẽ nâng cao cho mình. Nhan Chí nổi tiếng vẽ chân dung bằng phấn tiên (pastel) nên Lê Văn Xương đã học được kỹ thuật vẽ này.
Lê Văn Xương kết bạn với các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Bình…, thường cùng nhau đi du ngoạn, vẽ tranh, nhờ đó mà tay nghề hội họa ngày càng điêu luyện.
Phố Hàng Bè (bột màu).
Nhắc đến dòng tranh vẽ phố Hà Nội, nhiều người liên tưởng đến tranh phố của Bùi Xuân Phái nhưng ít ai biết rằng Lê Văn Xương đã vẽ phố Hà Nội trước họa sĩ Bùi Xuân Phái cả chục năm. Sinh thời, Lê Văn Xương và Bùi Xuân Phái là bạn bè thân thiết, hai người thường đi thưởng ngoạn phong cảnh Hà Nội, cùng nhau vẽ nhưng mỗi người một phong cách.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận xét: “So với Bùi Xuân Phái, Lê Văn Xương vẽ Hà Nội ở một cảm xúc khác: Đầy sinh khí, tươi vui, trong sáng mà cũng không kém phần thâm trầm. Vẽ về Hà Nội trong những năm khốn khó, lửa đạn nhưng tranh Lê Văn Xương luôn lãng mạn, đậm chất thơ. Đây là điều hiếm có. Họa sĩ phải hiểu, phải yêu những cảnh vật ấy lắm, phải trải nghiệm tình cảm trước chúng nhiều lắm mới “chộp” được chúng trong cái vẻ bình thản và hồn nhiên đến vậy”.
Phố Hàng Cân (bột màu).
Cái tên Lê Văn Xương được biết đến lần đầu tiên không phải ở Hà Nội mà ở Sài Gòn vào năm 1941. Khi ấy dù mới hai mươi tư tuổi, ông đã mở triển lãm cá nhân đầu tiên, trưng bày tranh phong cảnh về phố xưa Hà Nội và đã bán được một số tác phẩm cho các nhà sưu tập tranh có tiếng. Năm 1949, ông tiếp tục bày triển lãm cá nhân lần thứ hai tại Hà Nội và triển lãm cá nhân lần thứ ba tại Đà Lạt năm 1951.
Đáng chú ý nhất là cuộc bày tranh mang chủ đề “Hà Nội 36 phố phường” vào tháng 4-1953 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại đây, tên tuổi của họa sĩ Lê Văn Xương đã để lại ấn tượng khó quên cho những người yêu hội họa đương thời. Ở Việt Nam thời đó, hiếm có họa sĩ nào mở tới bốn cuộc triển lãm cá nhân như Lê Văn Xương bởi tổ chức các sự kiện mỹ thuật như vậy không mấy dễ dàng, đến ngay cả các họa sĩ Pháp ở Đông Dương cũng khá vất vả để làm điều này.
Phố Hàng Lược (bột màu).
Tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Xương đa dạng về đề tài, trải dài trong mấy chục năm sáng tác. Ông đã sáng tạo gần 1.000 bức tranh và khoảng 100 pho tượng – một số lượng không nhỏ trong cuộc đời nghệ thuật của một nghệ sĩ. Trong đó, ông được đặc biệt chú ý ở thể loại tranh chân dung, phong cảnh bằng phấn tiên và bột màu.
Phố Hàng Đồng
Tranh phong cảnh của ông mang nhiều nét “hồn xưa phố cũ” gợi cảm giác êm đềm của cuộc sống thị thành, yên bình với những gam màu trong sáng. Có những bức tranh Lê Văn Xương vẽ khi đang sống ở Hà Nội nhưng cũng có những bức ông vẽ khi đã chuyển vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội trở thành miền ký ức lung linh, đầy hoài niệm mà ông nâng niu, lưu giữ trên từng nét bút.
Phố Hàng Hòm (bột màu).
Ở thời khắc tất bật hôm nay, xem tranh Lê Văn Xương, người yêu nghệ thuật vẫn rưng rưng cảm xúc khi bắt gặp đâu đó một góc phố thân quen, một con đường xưa cũ, hàng hiên che mưa nắng rêu phong phủ bóng… Nét vẽ thư thái như níu giữ ký ức phố phường xưa qua những cái tên đọc lên đã gợi nhớ như “Phố Hàng Bè”, “Phố Hàng Hòm”, “Ngõ Vạn Bảo”, “Chợ Châu Long”, “Phố Hàng Cân”, “Phố Hàng Lược”, “Chùa Trấn Quốc”, “Ô Quan Chưởng”, “Cầu Long Biên”, “Cột đồng hồ bờ sông”, “Hà Nội 1953”…
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang lưu giữ một tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Xương vẽ phong cảnh biển tràn đầy sắc nắng vàng rực rỡ, phơi phới như chính cuộc sống đang lan tỏa và như cảm nhận của nhà phê bình Quang Việt, đó thực sự là “những giai điệu ngân lên từ tâm hồn bình dị, yêu cuộc sống và yêu sự thanh bình của cuộc sống!”.
Kỷ niệm 70 năm triển lãm “Hà Nội 36 phố phường”, để người yêu nghệ thuật có thêm cơ hội thưởng lãm tranh phố Hà Nội của Lê Văn Xương, Trung tâm Trao đổi văn hóa nghệ thuật Văn Lang tổ chức tuần lễ trưng bày các tác phẩm của ông tại tầng 6A tòa nhà Hoàng Thành, số 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội, từ ngày 18 đến ngày 25-11.
Nguyệt Thơ
Bình luận của bạn