Bức tranh phố đầu tiên của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái

Thứ 6, 01/03/2024, 13:35 (GMT+7)

Chia sẻ

Bức tranh phố đầu tiên 

Bức tranh phố đầu tiên của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là bức sơn dầu "Phố Hàng Phèn" (năm 1940), được vẽ trước khi ông vào học trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Sau đó bức này được gửi tham dự triển lãm Tokyo - Nhật Bản, và người Nhật đã mua ngay tại triển lãm.

Bức tranh phố đầu tiên của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái

Bức tranh phố đầu tiên của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, bức phố Hàng Phèn, vào năm 1940 khi ông mới 20 tuổi

Giai Đoạn Khởi Đầu 1950 đến 1960:

Từ năm 1950 đến năm 1960, Bùi Xuân Phái chưa định hình rõ phong cách và cũng chưa chuyên sâu hẳn vào một đề tài nào, ông thường có vẽ những bức mang tính thể nghiệm, đột phá theo trường phái hiện đại lúc bấy giờ, tiêu biểu như những bức khỏa thân và tĩnh vật được thể hiện theo trường phái lập thể. Ông cũng có một số bức vẽ phố cổ, được thể hiện kỹ lưỡng và nhiều chi tiết nhưng chưa độc đáo (giai đoạn về sau này là tranh phố của ông luôn được khái quát và lược bỏ đi nhiều chi tiết trong thực tế). Bức phố Hàng Thiếc (sơn dầu), được Bùi Xuân Phái vẽ năm 1952, chữ ký bên góc phải cho thấy lúc đó họa sĩ ký cả họ và tên. Bức này được nhà văn Nguyễn Tuân bày tại phòng khách rất lâu.

Có thể chia ra mảng đề tài vẽ phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ra ba giai đoạn:

- Từ 1960 đến 1970 : Thời Kỳ Nâu
- Từ 1970 đến 1980 : Thời Kỳ Ghi Xám
- Từ 1980 đến 1988 : Thời Kỳ Lam

Phân tích 3 thời kỳ này :

Thời Kỳ Nâu 1960 đến 1970:

Có thể nói Thời Kỳ Nâu mang dấu ấn đặc trưng nhất về phong cách, tinh thần của Bùi Xuân Phái. Những bức vẽ trong thời kỳ này phản ánh khung cảnh của phố cổ Hà Nội nguyên chất nhất, chưa bị sửa sang, cơi nới. Cũng không lấy làm lạ khi phần nhiều những người Hà Nội có tuổi và am hiểu mỹ thuật thường yêu thích thời kỳ này hơn cả, trong khi giới trẻ và người ngoại quốc lại nồng nhiệt yêu thích Thời kỳ Lam.

Tranh ông trong giai đoạn này thường bàng bạc nỗi buồn da diết, cô đơn, hoài cổ, như tiếc nuối một thời tuổi trẻ đã mất, phố thường vắng bóng người qua, các căn nhà có cửa mặt tiền luôn đóng chặt với dáng vẻ trầm mặc, những mái nhà thâm nâu của khu phố cổ im lìm dưới sức nặng của bầu trời xám như dự báo một cơn giông sắp ập xuống. Điều đặc biệt là các ô cửa chỉ được mô tả bằng một vệt mầu thẫm.

Đây là thời kỳ sung sức và cũng khốn khó nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của Bùi Xuân Phái. Ông bước vào cuộc chơi với hình và mầu trong giai đoạn lịch sử trầm luân của đất nước, nên các tác phẩm của ông nhuốm vẻ trầm buồn sâu xa, nét bi ai, sự cô đơn khốn khổ. Tranh tựa như một phương tiện giải tỏa ẩn ức nội tâm cũng như ý thức về sự bất lực của ông trước thời cuộc.
Hiện nay, những bức tranh được các nhà sưu tập đặt giá cao nhất vẫn thuộc về những tác phẩm được vẽ trong Thời Kỳ Nâu. Thí dụ như bức "Hà Nội kháng chiến" (vẽ năm 1966) thuộc sưu tập của Trần Hậu Tuấn đã được khởi giá là 200.000 USD trên trường quốc tế.

Thời Kỳ Xám 1970 đến 1980:

Không nên hiểu là hễ thấy bức mang tông mầu nào là xếp nó vào thời kỳ đó. Thường thì các chuyên gia chỉ cần thoáng nhìn đã biết ngay bức tranh đó được vẽ vào thập niên nào, bởi ngoài gam mầu và bút pháp, người ta còn căn cứ vào cảnh và người trong tranh của ông.

Thời kỳ xám có điểm nổi bật nhất là trên phố không còn người đàn ông mặc áo dài và cầm ô đi trên hè phố nữa. Những người bán dong cũng có trang phục khác, các ô cửa sổ được vẽ kỹ lưỡng và chi tiết hơn, xe bò không được phép đi vào thành phố nữa nwn không hiện diện trong tranh ông.
Trong thập niên 70, họa sĩ rơi và cảnh khó khăn, ngặt nghèo cả về kinh tế lẫn tinh thần. Trong nhật ký, ông từng viết: "Cuộc sống nào thấy gì vui? Chỉ thấy kinh khủng và kinh khủng". .... Thời kỳ này Bùi Xuân Phái vẽ tranh phố cổ Hà Nội bằng bột mầu, nhiều bức được vẽ trên giấy báo, được thể hiện với gam mầu ghi xám. Phố trong tranh ông đã bớt đi vẻ cô liêu, trầm mặc, nét vẽ tung tẩy, nhẹ nhàng, nhiều bức phố của ông ngả dần theo hướng trừu tượng, nhiều bức mang tính chất thể nghiệm... Đây là giai đoạn hưng phấn và được sáng tác nhiều tranh cùng các đề tài khác trong sự nghiệp của ông

Thời Kỳ Lam 1980 đến 1988:

8 năm cuối cùng của cuộc đời, tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái được mời đi triển lãm ở nhiều nước, nên công chúng Việt và thế giới biết đến tên tuổi ông nhiều hơn. Lúc này tranh phố của ông mới nhẹ nhõm hơn, xuất hiện những gam mầu ấm của nắng, của tà áo đỏ qua đường...

Giá trị của các phố cổ là giá trị của thời gian lắng đọng ở những mái ngói, những bức tường rêu phong của chúng. Bùi Xuân Phái cũng đã từng nhận xét là trong sự rêu phong cổ kính có "màu thời gian". Thời gian cũng đã làm cho các bức tranh của ông càng ngày càng có giá trị ,từ chỗ mỗi bức chỉ đổi được vài lạng cà phê, dăm bao thuốc lá dưới thời bao cấp, đến chỗ mỗi bức là cả một gia tài theo qui luật "giá trị thặng dư của thời gian". Tuy nhiên, thời gian đã làm điều này quá chậm đối với cá nhân BXPhái, hay nói cách khác là ông đã không ở lại trần thế để thụ hưởng thành quả lao động nghệ thuật của mình

Ảnh chụp từ ô cửa sổ ở 87 Thuốc Bắc nhìn ra phố Hàng Phèn.

-Ngày xưa Bùi Xuân Phái từng đứng bên ô cửa sổ này và từ góc nhìn này ông đã vẽ bức tranh phố đầu tiên trong sự nghiệp hội họa của mình - bức phố Hàng Phèn, vào năm 1940 khi ông 20 tuổi. Bức phố Hàng Phèn đã được gửi tham dự triển lãm tại Tokyo và người mộ điệu đã mua ngay bức này trong cuộc triển lãm đó. Có thể việc bán được bức hoạ đầu tiên đã giúp ông quyết định nộp đơn xin vào học Trường MTĐD và ông đã không nghe theo ý nguyện của người cha là muốn Bùi Xuân Phái nối nghiệp cha và trở thành thầy thuốc.

Bức phố đầu tiên và bức phố cuối cùng của Bùi Xuân Phái có sự trùng hợp kỳ lạ - nó cùng là góc phố Hàng Phèn, góc phố này sau bao nhiêu năm ông mới trở lại vẽ nó. Con phố Hàng Phèn, có thể với ông, đó là con phố của tuổi thơ, con phố của kỷ niệm về một thời đã mất. Người ta bảo nói đến Bùi Xuân Phái là nói về phố, là nói về người tình si suốt đời tương tư Phố.

36phophuong.vn

Bình luận của bạn

Tin khác