Tranh của Trần Nam Long (SN 2005)

Thứ 2, 06/03/2023, 23:02 (GMT+7)

Chia sẻ

Xem tranh của Trần Nam Long (SN 2005), khó thể hình dung được tác giả là một cậu bé có số phận thiếu may mắn, nhưng đã gắng gỏi vượt qua và đạt được những kết quả nhất định. Âm thầm phía sau những thành công đó là tấm lòng thơm thảo của các giáo viên mỹ thuật và người mẹ tần tảo của Long, khiến cuộc đời Long có ý nghĩa hơn.

tranh của Trần Nam Long

Một số phận éo le

Theo chị Phùng Thị Hiếu – mẹ của Nam Long – hồi 2 tuổi, sau trận viêm phổi nặng phải uống kháng sinh liều cao, khiến Long bị điếc vĩnh viễn. Thương đứa con có gương mặt khôi ngô, trắng trẻo, nhưng thiếu may mắn, mẹ chỉ biết khóc thầm, lo cho tương lai của con. Vì điếc, nên Long cũng chỉ biết ê a, ú ớ khi muốn diễn đạt một điều gì đó. Qua nhiều lần thăm khám, bác sĩ đã có thêm kết luận: Long bị tự kỷ thể tăng động ở mức nặng, khiến cậu rất khó ngủ. Số phận oái oăm chưa dừng ở đó, Long còn bị dị tật bàn chân bẹt, khiến biến dạng, nên đi lại chỉ được một quãng ngắn lại phải nghỉ, khá mệt mỏi.

1

Đến nay, Long đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật, và tình trạng sức khỏe cũng được dần được cải thiện. Bù lại, Long có sức chịu đựng giỏi khiến người khác phải kinh ngạc. Và may mắn thay, năng khiếu hội họa từ thuở học mẫu giáo dần dần được phát lộ trong cuộc sống của Long sau này, với sự động viên, khuyến khích của nhiều người.

2

Khi Long vào học tại Trường PTCS dân lập dạy trẻ câm điếc Nhân Chính (Hà Nội), sự yêu thích vẽ của cậu lại thêm tăng. Và rồi, sau khi cô giáo cũ của Long thông báo cho chị Hiếu có cuộc thi vẽ “Cảm xúc trong em” dành cho thiếu niên. Chị Hiếu mạnh dạn gửi một bức tranh Long vẽ tham dự. Kết quả thật bất ngờ: Long đạt giải đặc biệt, nhận được học bổng toàn phần học vẽ tại Trung tâm Art Tree, và sau đó, Long được một vị giám khảo (họa sĩ trẻ Hữu Chinh) nhận dạy vẽ miễn phí, thậm chí còn tặng thêm cả họa phẩm. Từ đó, chị Hiếu lại cần mẫn đưa con đến xưởng vẽ của thầy để học và Long đã có cơ hội làm quen với thế giới của những sắc màu đến độ mê mải, đồng thời bệnh tăng động của Long cũng giảm đi nhiều. Tiếp đó, Long lại theo học ở trung tâm dạy vẽ của cô Trịnh Thị Thuận và được cô hết lòng dạy bảo.

Một tố chất đặc biệt

Với một người bình thường, học vẽ và để vẽ được bức tranh đẹp cũng không hẳn là chuyện dễ, nên đối với Nam Long – một người khuyết tật – là cả quá trình đầy nỗ lực để học hỏi. Mừng cho Long là sớm được các giáo viên mỹ thuật phát hiện và chỉ dạy nghiêm túc, tận tình. Và cũng thực mừng cho Long là cậu có một tố chất tư duy mỹ cảm đặc biệt, không tưởng, và biến sự câm lặng của âm thanh (mà cậu không thể cảm nhận được) và sự chưa thể diễn đạt bằng lời thành những giai điệu tưng bừng của những hòa sắc.

3

Qua sự mẫn cảm của bản thân, những bức tranh tĩnh vật vẽ hoa, hay những góc cảnh, những sinh hoạt đường phố ở Hà Nội hoặc ở các vùng đất đây đó đã được Nam Long thể hiện rất đỗi bình dị, thân thương. Dù học vẽ nghiệp dư, nhưng cách thể hiện trong tranh của Nam Long lại hết sức chững chạc, tả được cái chất của sự việc, sự vật – như trong bức tranh “Bếp lửa ấm áp”, Long miêu tả được khá kỹ các chất liệu khác nhau của những chiếc nồi đồng, những viên gạch, những thanh củi chụm tỏa lửa và để lại những mảng gio xám nhẹ, hay như trong bức ”Một góc phố Hà Nội’’ – Long khá chắc tay khi diễn tả sự ẩm ướt trên những bức tường nhà xưa cũ và những mảng nước đọng trên hè, đường phố sau cơn mưa…

Để con trai có cơ hội tiếp xúc với mọi người và hội họa, chị Hiếu đã đưa Long đến các buổi họp nhóm, các cuộc triển lãm, đồng thời cũng là dịp để chị tìm hiểu thêm về môn nghệ thuật mà con mình theo đuổi. Bấy lâu nay, Nam Long còn tham gia nhóm ”Ký ức Hà Nội’’ – chuyên vẽ trực họa phố cổ Hà Nội, gồm thành viên là các họa sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng và cả một số người nước ngoài. Những lúc đi vẽ ngoại cảnh như thế, chị Hiếu đưa con đi và ngồi đợi con kết thúc buổi vẽ. Xem các bức tranh Long vẽ bằng bút kim với sắc độ đen/trắng bình dị, rất có hồn, bố cục, hình khối các góc phố cổ, phố cũ ở Hà Nội khá tinh tế, hẳn rằng, các họa sĩ đồ họa hay những kiến trúc sư cũng phải thán phục bởi cách diễn tả chi tiết và có độ sâu không gian, gợi nhớ tới một mảng di sản kiến trúc độc đáo và thân thương của đất Hà Thành cần phải bảo tồn. Mới đây, 8 bức tranh của Long đã được chọn in trong cuốn sách “Ấn tượng Hà Nội – ký họa từ những công trình thời Pháp”. Khi dịch COVID-19 ở Hà Nội bùng phát với các đợt giãn cách xã hội, đồng thời, các trường học phải tạm đóng cửa, Long vẫn không vơi sự ham mê vẽ.

6

Tấm lòng một người mẹ

Dù hoàn cảnh của gia đình chị Hiếu hiện còn nhiều khó khăn, nhưng chị vẫn luôn gắng gỏi chăm sóc cuộc sống và việc học của các con. Chị đã theo học ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc để trò chuyện với Long, đồng thời là người ”chuyển ngữ’’ khi Long giao tiếp với mọi người. Hồi dịch COVID-19 chưa xảy ra, hằng ngày, sau khi đưa con gái đến trường, chị Hiếu chở con trai đến học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (trên đường Hoàng Quốc Việt – Hà Nội) – nơi có khoa đào tạo cho người khiếm thính và nay Long đang học lớp 8.

 8

Người mẹ nghèo không thể ngờ năng khiếu và niềm đam mê với màu sắc của con trai giờ đây đã đạt những kết quả nhất định và quan trọng hơn là Long đã có thêm niềm vui. Chị Hiếu cũng không ngờ khi chụp những bức tranh Long vẽ đưa lên FB, ban đầu chỉ nhằm chia sẻ cuộc sống của mình với bạn bè, đã nhanh có người hỏi mua. Giờ đây, Long đã sở hữu cả trăm bức tranh và nhiều bức đã thuộc về các nhà sưu tầm và những người quý mến Long, muốn giúp đỡ mẹ con cậu. Những bức tranh của cậu bé đã khiến cho gia đình cậu ấm áp hơn, khi cách đây chưa lâu, chị Hiếu đã mua được một căn nhà rộng rãi hơn hồi còn ở thuê. Vui hơn nữa, tiền bán tranh của Nam Long đã giúp cậu mua được máy trợ thính và cậu đã lần đầu tiên nghe được những âm thanh kỳ diệu của cuộc sống.

10

Gia cảnh nhà Nam Long vốn chẳng dư dả gì, nhưng chị Hiếu luôn dạy các con biết cách chia sẻ với những người xung quanh. Trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên, chị Hiếu và Long đã thống nhất tham gia chương trình đấu giá tranh của cộng đồng Vietnam Art Space để ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Đó là bức tranh “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành” – đấu giá được 25 triệu đồng, mà trước đó bức tranh này đã được nhiều người hỏi mua, nhưng hai mẹ con đều muốn giữ lại để sau này Long bày trong triển lãm cá nhân. Tiếp đó, Long và mẹ lại tham gia một chương trình đấu giá tranh khác, cũng của Vietnam Art Space, với bức ký họa “Phố Châu Long”, gửi tiền ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Một bức tranh khác nữa cũng được Long mang đấu giá để ủng hộ đồng bào miền Trung xây nhà chống lũ.

12

Bây giờ, Trần Nam Long đã ở tuổi 17 và cao hơn 1m7, nhưng đi lại vẫn còn vụng về. Chị Hiếu vẫn hằng ngày đưa con đi học, đi vẽ và ở bên con suốt khoảng thời gian đó. Đã qua rồi những khoảng thời gian chị bị trầm cảm. Tự nhận mình là người ”không được học hành đến nơi đến chốn’’, nên chị Hiếu rất muốn con cần được học hỏi thêm. Hơn nữa, do sức khỏe của Long không tốt, nên chị cũng muốn con được nghỉ ngơi, hài hòa mọi việc. Hiện cũng có nhiều người muốn đặt tranh Long vẽ, nhưng chị Hiếu không nhận và chỉ muốn cứ để con vẽ tự nhiên, theo tình cảm của mình, sau đó ai thấy ưng thì mua. “Em không muốn tình yêu hội họa của con bị thương mại hóa, nên em bán tranh của Long rất ít, còn phần nhiều là tặng những người thật sự đặc biệt. Mà ngay cả khi bán được, em cũng nói với con: Tranh mẹ tặng đấy nhé, không có tiền đâu” – chị Hiếu chia sẻ.

13

13

Mới đây, Trần Nam Long đã vinh dự được Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Italia giới thiệu là đại diện của Việt Nam gửi 5 tác phẩm tham dự ”Triển lãm quốc tế các tác phẩm do người khuyết tật sáng tác từ các khoá đào tạo và/hoặc khoá chăm sóc của các tổ chức công và tư’’ – sự kiện thường niên diễn ra tại Venice (Italia) từ ngày 25.9 – 10.10.2021 do Quỹ Văn hoá Forto Maghera và Hiệp hội Văn hoá Roso Veneziano tổ chức. Hiện, Trần Nam Long luôn ấp ủ sẽ mở được một cuộc triển lãm của riêng mình, nên chị Hiếu quyết định để dành những bức tranh mà Long tâm đắc để hy vọng biến ước mơ đó thành hiện thực. Mùa đông năm nay, với gia đình của Nam Long, đã ấm áp hơn…

14

15

mt36blog

Bình luận của bạn

Tin khác