Thôn Bà Già

Thứ 4, 29/03/2023, 12:57 (GMT+7)

Chia sẻ

Nguyễn Vinh Phúc

Thôn Bà Già

I/ Thôn Phú Gia

Đại Việt sử kí toàn thư, Kỉ nhà Trần khi viết về Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1254 – 1330) có một đoạn đáng chú ý : “Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này là khi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng nước Chiêm đặt tên là tên là Đa-da-li, sau gọi sai là Bà Già) có khi ba bốn ngày mới về”.

Vậy thôn Bà Già ấy ở đâu ? Cho tới năm 1985, các nhà sử học khi nghiên cứu vấn đề các sở đồn điền có người Chăm cư trú (duới đây sẽ gọi Chiêm Thành là Chăm), vẫn dẫn thôn Bà Già này coi như bằng chúng một vùng đất tập trung người Chăm thời Lý – Trần, nhưng chưa biết cụ thể thôn ấy ở vào vùng nào.

Năm 1985, trong một chuyến đi khảo sát vùng ngoại thành ven hồ Tây, chúng tôi có được đọc một bản sách cổ do các cố lão ở thôn Phú Gia (nay thuộc xã Phú Thượng, quận Tây Hồ) lưu giữ, có nhan đề là Bản xã thần kí (ghi chép về thần của làng). Chính nhờ bản sách này mà nghi vấn trên đã được giải đáp. Chúng tôi đã sơ bộ công bố tư liệu này trên báo Nhân dân số 17/11/1985 trong bài “Trần Nhật Duật và thôn Phú Gia”.

Trên đại thể, bản sách này cho biết : Thôn Phú Gia nay gọi là làng Gạ xưa có tên là thôn Bà Già, có sông Già La chảy qua. Già La lại là tên cổ của sông Thiên Phù. Từ khi nhà Đường đang cai trị nước ta, tại đây đã có quán Khai Nguyên và quán Già La”.

Như vậy, thôn Bà Già nêu trong Toàn Thư chính là thôn Phú Gia ngày nay.

II/ Họ Bố và họ Ông

Trong làng, bên cạnh những họ quen thuộc như Nguyễn, Hồ, … hai họ ít gặp họ Bố và họ Ông. Phải chăng đó là các họ gốc Chăm ?. Họ Ông sau có nhiều người đã đạt : đời Lê Thánh Tông có Ông Nghĩa Đại đỗ Bảng nhãn năm 1475. Sau đó suốt thời Lê Trung Hưng có tới 7 người đỗ Hương cống (Cử nhân).

Trên tấm bia “Bà Già tự tân tạo bi kí” niên đại 1636, ghi tên các nhà từ thiện góp ruộng đất cho chùa, có các vị họ Bố, họ Ông : Bố Thị Tấu, Ông Thị Hưng, Ông Văn Quán, …

Vậy mà tới giữa thế kỉ XIX hai họ này phải đổi ra là Công và Hi. Việc đổi này khá là bi hài : Nguyên là vào khoảng đời Tự Đức (1847 – 1883), hai người họ này có việc phải lên quan huyện Từ Liêm. (Ngày ấy, Phú Gia thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội). Viên quan này vốn tính hách dịch, đọc xong đơn, chưa xét hỏi gì, ngài phán ngay : “Bọn dân này láo, dám xưng bố, xưng ông với các quan à ?” Và thế là chữ Ông vốn gồm hai chữ Công và Dực, ngài bắt bỏ chữ Dực nên chỉ còn lại chữ Công. Còn về chữ Bố thì ngài phết thêm hai phết lên đầu, hoá thành chứ Hi. Từ đó hai họ Ông và Bố bị đổi gọi là Công và Hi.

( Trần Quang Dũng chụp ảnh, đặt tiêu đề và trích sách HÀ NỘI – CÕI ĐẤT, CON NGƯỜI – Nhà xuất bản Trẻ – Năm 2009)

Bình luận của bạn

Tin khác