Tái hiện nét xưa phố cổ Tạ Hiện

Thứ 5, 16/05/2024, 22:58 (GMT+7)

Chia sẻ

 02/01/2012    NDO - Phố cổ luôn được nhắc đến như một vẻ đẹp đặc trưng của Hà Nội. Cùng với thời gian, diện mạo của phố cổ đã có nhiều đổi thay. Người ta chỉ có thể tìm thấy nét xưa qua một số căn nhà cụ thể. Nhưng với dự án cải tạo phố Tạ Hiện, một phần không gian phố xưa của Hà Nội đã được tái hiện.

Sống lại không gian phố cổ

Những chiếc cửa gỗ sơn xanh, có chấn song theo phong cách những năm đầu thế kỷ 20. Trên cả đoạn phố, tuyệt nhiên không có một tấm biển hiệu cỡ lớn, sơn xanh đỏ, hoặc có đèn nhấp nháy. Thay vào đó là những tấm biển gam mầu trầm, kích thước hợp lý so với không gian. Toàn bộ đoạn phố được sơn một gam mầu thống nhất là vàng nhạt. Lòng đường được lát đá tự nhiên. Ngay cả đường ống thoát nước từ mái các ngôi nhà cũng được làm bằng ống gốm đất nung - điều hiếm thấy trong kiến trúc đương đại. Nếu không phải mầu sơn mới, người ta dễ lầm tưởng đang đi lạc vào không gian phố cổ Hà Nội cách đây hơn một thế kỷ. Nhưng đó là phố Tạ Hiện hôm nay, sau khi được cải tạo theo khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Hà Nội và thành phố Tu-lu-dơ (Cộng hòa Pháp). Ðoạn phố được cải tạo chỉ dài 52 m, được giới hạn từ phố Lương Ngọc Quyến đến phố Ðào Duy Từ, nhưng nó đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ.

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ. Song, tất cả các dự án đều chỉ tôn tạo những di tích, những căn nhà riêng lẻ. Ðây là lần đầu tiên, có dự án tiến hành cải tạo một tuyến phố.  Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Phạm Tuấn Long, cho biết: "Do kiến trúc đồng nhất, được xây dựng cùng một thời điểm vào đầu thế kỷ 20 và chưa bị biến dạng nhiều, nên đoạn phố này được chọn để cải tạo đầu tiên. Ðoạn phố này được làm thí điểm để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, cải tạo những tuyến phố cổ khác sau này".

Nét phong cách đặc trưng chỉ riêng có ở phố Tạ Hiện là sự giao lưu giữa kiến trúc Ðông - Tây. Những ngôi nhà bên dãy số lẻ được xây hai tầng, mang phong cách kiến trúc Pháp còn khá nguyên vẹn. Còn những ngôi nhà bên dãy số chẵn mang phong cách kiến trúc cổ, tuy nhiên, đã bị biến dạng nhiều do người dân đã sửa chữa, cơi nới suốt một thời gian dài. Toàn bộ mặt tiền những ngôi nhà bên số chẵn trước đó trông khá lộn xộn. Vì thế, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật chung như chỉnh trang cửa chính, cửa sổ, ban công, mầu sơn nhà, biển quảng cáo... được sắp xếp theo quy chuẩn, các kiến trúc sư đã phải đưa ra những giải pháp khác nhau cho từng dãy nhà. Trong đó, khác biệt lớn nhất là toàn bộ ô văng, mái vẩy dãy phố có kiến trúc Việt được lợp ngói vảy cá, theo đúng phong cách phương Ðông. Ðộ cao, khoảng cách từ mặt tiền tầng hai ra đến đường phố được thống nhất. Sau hơn một năm thi công, với kinh phí 15 tỷ đồng, đúng vào dịp chuẩn bị đón năm mới 2012, đoạn phố Tạ Hiện đã được trả lại vẻ đẹp vốn có. Sau khi hoàn thành, Ban Quản lý phố cổ có những quy định nhằm quản lý chặt chẽ kích thước biển hiệu, mầu sơn nhà, sơn cửa, về vị trí lắp đặt điều hòa, hệ thống ánh sáng... cho những ngôi nhà trên phố, để giữ gìn vẻ đẹp phố cổ lâu dài.

Dựa vào dân để bảo tồn

Ðây cũng là lần đầu chính quyền thành phố chủ trì cải tạo những công trình nhà ở của người dân, trong điều kiện người dân tiếp tục sinh hoạt, kinh doanh bình thường. Việc cải tạo ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là các gia đình có mặt tiền trong một khoảng thời gian khá dài. Không những thế, khi công tác cải tạo hoàn thành, một số nếp sinh hoạt của người dân ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Các cấp chính quyền quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố cổ đã có nhiều buổi gặp gỡ nhân dân để tuyên truyền, phổ biến người dân hiểu rõ giá trị của khu phố cổ, những yêu cầu bức thiết cần được cải tạo, bảo tồn. Ban Quản lý phố cổ còn cho trưng bày mô hình của khu phố sau khi cải tạo để mọi người cùng tham quan. Các bản thiết kế được trao đến tận tay từng hộ dân, trao đổi, phân tích giá trị sau khi cải tạo. Không những thế, để tạo điều kiện cho người dân, các hộ gia đình được quyền chọn thời gian thi công. Khi người dân thông suốt, tất cả đều nhiệt tình ủng hộ. Mặc dù đời sống, công việc đang ổn định bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công suốt gần một năm, bà Ngô Ánh Ngọc, 74 tuổi, ở số nhà 17 Tạ Hiện vẫn phấn khởi nói: "Tôi đã sống ở đây năm, sáu chục năm và thấy nhà bị xuống cấp nhiều. Nhưng cải tạo thế nào là một chuyện khác. Việc cải tạo khu phố như hiện nay được Nhà nước, nhân dân cùng thực hiện, chúng tôi rất ủng hộ để cho khu phố được đẹp hơn. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều khu phố được cải tạo".

Theo Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Phạm Tuấn Long, sự ủng hộ của nhân dân là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của dự án. Sau khi dự án cải tạo mặt tiền phố Tạ Hiện được khởi động, hầu hết các gia đình nhân dịp này, đều tự đầu tư thêm tiền cải tạo một phần ngôi nhà của mình để phù hợp với không gian mới. Trước đây, ở khu vực này có nhiều hộ kinh doanh hàng ăn khá lộn xộn. Nhưng hiện nay, tất cả những hộ này đều chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch, bán đồ lưu niệm. Ông Trần Miễn, đại diện tổ dân phố tự hào nói rằng, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn di sản văn hóa phổ cổ được nâng lên rõ rệt.

Nằm trong khu vực bảo tồn cấp 1 của khu phố cổ Hà Nội, phố Tạ Hiện từ lâu có sức hút đặc biệt đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch phương Tây. Sau khi cải tạo, kết hợp với chủ trương mở rộng các tuyến phố đi bộ của thành phố, sức hút đó còn lớn hơn nữa. Ðoạn phố Tạ Hiện được cải tạo thí điểm thành công sẽ là kinh nghiệm quý để thành phố tiếp tục triển khai công tác tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ, vừa thu hút hoạt động du lịch, vừa góp phần cải thiện cuộc sống người dân khu vực.

Nguồn - 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác