Sông Đà

Thứ 2, 28/11/2022, 00:13 (GMT+7)

Chia sẻ

Sông Đà phát nguyên tại Vân Nam, Trung Quốc, gần nguồn sông Hồng. Sông Đà dài 1.366km, trong đó phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 543km. Phần chảy qua vùng đất Hà Nội từ núi Chẹ đến Trung Hà dài khoảng 32km (ranh giới tự nhiên phía bắc của tỉnh Hà Tây cũ - nay thuộc Hà Nội).

song-da-1-1.jpg

Sông Đà đoạn chảy qua Vạn Yên, Sơn La - Ảnh: báo GL

Sông Đà là con sông nổi tiếng ở Việt Nam và cũng là biểu trưng của vùng Tây Bắc hùng vĩ. Sông chảy trong lòng địa hình đồi núi cao là chủ yếu nên có độ dốc lớn tới 71cm/km. Hướng chảy chủ yếu là hướng tây bắc - đông nam, đi qua tỉnh Sơn La và tỉnh Hoà Bình về đến Trung Hà thuộc địa phận thành phố Hà Nội, (Hà Tây cũ) và Phú Thọ thì đổ vào sông Hồng. Chế độ dòng chảy của sông Đà phụ thuộc chủ yếu vào cấu trúc địa chất và lượng mưa ở vùng cùng với dòng phụ lưu hữu ngạn chính là sông Nậm Sạp chảy từ Đông Nam lên Tây Bắc đổ vào. Thuỷ chế tại trạm Hoà Bình là 1.804m’/s (trung bình năm), mùa lũ 2.725m’/s, mùa khô 490m/s.

Sông Đà vì chảy qua vùng lớp cỏ bề mặt trái đất phong hoá dày, sườn núi dốc, mưa nhiều nên lượng phù sa rất lớn tương ứng với hệ số xâm thực cao và sau khi hợp nhất ba sông, sông Hồng chia nước và phù sa cho sông Thái Bình qua sông Đuống. Hệ số xâm thực lên tới 1.200km’/năm, lượng phù sa tại trạm Hoà Bình 1.804g/m.

Sông Đà là phụ lưu chính của sông Hồng cả về mức lũ và lượng phù sa, nếu tính cả ba dòng tạo nên (Lô, Đà, Hồng) thì riêng sông Đà đã chiếm tới 41 - 61% lượng nước.
Bởi độ dốc và thuỷ chế cao, nên sông Đà có nguồn tiềm năng thuỷ điện cũng vào loại cao nhất trong hệ thống sông ngòi Việt Nam. Nhà máy thuỷ điện đầu tiên đã được xây dựng tại thị xã Hoà Bình và nhà máy thuỷ điện thứ hai có công suất gấp 4 lần trạm Hoà Bình được xây dựng tại tỉnh Sơn La.

Nói về sông Đà, Lê Quý Đôn viết: “Đà Giang độc bắc lưu”, có nghĩa là chỉ riêng có một sông Đà là chảy lên phía bắc, vì từ Tây Bắc đổ về theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, song song với sông Hồng, đến thị xã Hoà Bình thì bị một dãy đứt gãy sâu hình khuyên trước khi hợp thuỷ với sông Lô ở ngã ba Hạc. Trong dân gian có câu: “Nhất thác Bờ, nhì ghềnh Bợ”; thác Bờ thuộc tỉnh Hoà Bình, còn ghềnh Bợ là quãng sông Đà ở giữa La Phù bên đất Thanh Thuỷ, Phú Thọ và Sơn Đà, Ba Vì ở Hà Nội là nơi mà mô núi Hùng Nhĩ, đoạn cuối của mạch Hoàng Liên Sơn hùng vĩ từ Tây Bắc đổ về, nhô ra trên lòng sông, làm thành ghềnh Bợ, rất nguy hiểm cho thuyền bè xuôi ngược, vì vậy mà lâu đã có tục ngữ: “ngược sông Đà, chớ qua ghềnh Bợ” và trong sự tích Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, ghềnh Bợ coi là hang ổ mai phục của tướng “Giải” ẩn hình để gây tai hoạ cho nhân gian.

theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 1-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác